Hotline 24/7
08983-08983

Kinh hoàng "thú cưng" gây họa

Những vụ việc thương tâm do "thú cưng" cắn người liên tiếp xảy ra là lời cảnh tỉnh các gia đình đang nuôi chó nhưng không có các biện pháp bảo vệ.

Vụ việc cháu bé 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị con chó ngao Tây Tạng cắn dẫn đến tử vong khiến dư luận xót xa và không khỏi bàng hoàng bởi đây là con chó nhà nuôi.

Mất mạng vì chó dữ

Theo BS Lê Việt Khánh, Phó Khoa Cấp cứu Tiêu hóa Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), mới đây BV đã tiếp nhận một trường hợp bé gái 8 tháng tuổi (ở quận Ba Đình, Hà Nội) bị chó nhà cắn tử vong. Người nhà cho biết mẹ cháu bé đang làm việc nhà, bất ngờ chó ngao Tây Tạng nhà nuôi, nặng khoảng 40 kg tấn công cháu bé. Người mẹ lao vào cứu con gái, cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. Khi giằng được con ra, đưa con đi cấp cứu nhưng do sốc mất máu bởi những vết thương vùng đầu và hai bên thái dương, nên bé đã tử vong. Người nhà nạn nhân cho biết con chó được gia đình nuôi đã lâu và không đeo rọ mõm.

Theo các chuyên gia, các gia đình khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại định kỳ


Có trường hợp tử vong đáng tiếc là bé trai 13 tuổi ở Hòa Bình được chuyển đến BV Nhiệt đới trung ương trong tình trạng bệnh dại đã toàn phát, trẻ có biểu hiện sợ nước, ánh sáng, tinh thần kích động… Sau 3 ngày điều trị tích cực nhưng cháu bé không qua khỏi. Nguyên nhân là do cháu chơi đùa cùng chó con và bị chó con gặm vào tay nhưng không nói cho bố mẹ biết.

BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) trước đây cũng tiếp nhận bệnh nhi T.H.Đ 6 tuổi, nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, phần đùi, mông có nhiều vết thương hở do chó nặng 10 kg cắn khi bé Đ. cùng bạn đang chơi đuổi bắt nhau ở sân nhà bạn. Tháng 5 vừa qua, BV Nhi trung ương cấp cứu bé trai N.M.D, 2 tuổi (ở huyện Ba Vì, Hà Nội) bị tổn thương phức tạp vùng hàm mặt và nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương tuyến nước bọt… do bé chơi với chó con mới đẻ nên bị chó mẹ lao đến cắn.

Đầu năm 2018, BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) đã cấp cứu cho một bệnh nhi 8 tuổi bị "thú cưng" cắn nát một bên má. Do mọi người bận việc nên để bé chơi cùng chó nuôi của gia đình. Bất ngờ con chó chồm lên đè bé xuống cắn, xé nát mặt.

Cần giữ khoảng cách an toàn cho trẻ

BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng Khoa Tạo hình - Sọ mặt BV Nhi trung ương, cho biết BV gặp khá nhiều trường hợp trẻ bị chó nhà nuôi tấn công dẫn đến tổn thương nghiêm trọng, biến dạng tay, chân, mặt, thậm chí tử vong khi không kịp tiêm phòng dại. Mỗi năm, BV Nhi trung ương tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mắt. Thậm chí, có bé trai bị chó nhà cắn đứt bộ phận sinh dục.

"Chó đẻ thường hung dữ hơn thường ngày, đặc biệt là loài có tính bảo vệ con cao, khi thấy trẻ chơi với chó con, theo bản năng, chó mẹ bảo vệ con sẽ tấn công người. Do đó, gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi; đặc biệt là chó mèo mới đẻ con, khi đang ăn, bị thương… cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn" - BS Thơm khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, mùa hè là thời điểm dịch dại bùng phát nên chó rất dễ phát cuồng cắn người vô cớ, các gia đình phải tiêm phòng dại định kỳ cho chó đầy đủ, khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhiệt đới trung ương, lưu ý khi bị chó cắn vào vùng nhiều dây thần kinh như gần đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục, lòng bàn tay; cần đi tiêm phòng vắc-xin ngay. Nếu bị chó cắn vào các bộ phận khác của cơ thể có thể trì hoãn tiêm phòng nhưng phải theo dõi sát sức khỏe con chó. Nếu không theo dõi được hoặc chó chết trong vòng 10 ngày thì phải đi tiêm phòng. Người dân tuyệt đối không điều trị chó cắn bằng thuốc nam, không tự chữa… bởi khi đã lên cơn dại, bệnh nhân vô phương cứu chữa.

Theo BS Cấp, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 3 ca bị chó dại cắn nhưng gia đình chủ quan không tiêm phòng, nhập viện muộn nên bệnh nhân lên cơn dại và tử vong trong một thời gian ngắn điều trị.

Để chó cắn chết người, chủ nuôi có thể bị phạt tù

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết nếu chó cắn chết người, chủ nuôi có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể, chủ chó có thể bị truy tố về "Tội vô ý làm chết người" với mức phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù do quản lý chó nuôi cẩu thả, gây hậu quả chết người và phải bồi thường thiệt hại (chi phí điều trị, mai táng...) do súc vật gây ra cho người khác.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y cũng xử phạt rất nghiêm đối với các hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.

M.Chiến


Theo Ngọc Dung - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X