Hotline 24/7
08983-08983

Kinh giới - gia vị có sẵn trong bếp giúp giải cảm, trị chảy máu cam

Loại gia vị không thể thiếu trong món rau sống, bò nướng, lẩu cá là gì? Đó là rau kinh giới. Đây không chỉ là loại gia vị giúp gia tăng độ ngon cho món ăn mà còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh.

Cây kinh giới có hình dạng như thế nào?


Cây kinh giới trồng tại Việt Nam cao khoảng 30-40cm, lá mọc đối, mép có răng cưa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Cây kinh giới được giới thiệu trong các tài liều cổ, nhập của Trung Quốc có tên khoa học là Herba Schizonepetae. Ở nước ta, cây kinh giới thường được trồng để ăn làm gia vị và làm thuốc được xác định là Elsholtzia cristata Willd, cùng họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).

Cây kinh giới trồng tại nước ta thuộc loài cây thảo, cao 30-40cm, thân nhẵn, mọc thẳng đứng. Lá mọc đối, phiến lá thuôn nhọn dài 5-8vm, rộng 3cm, mép có răng cưa, cuống gầy dài 2-3cm. Hoa nhỏ không cuống, màu tím nhạt, mọc thành bông ở đầu cành. Quả gồm 4 hạch nhỏ, nhẵn, dài 0,5cm.

Kinh giới mọc phân bố ở khu vực đồi núi, đất bỏ hoang, với địa hình nhiều nắng, bờ sông suối hay trong rừng. Tại Việt Nam, kinh giới được trồng ở nhiều nơi, thường được dùng để ăn sống.

Kinh giới với đặc tính thích ứng rộng, dễ trồng nên có thể trồng thành nhiều vụ, trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng để có năng suất và chất lượng cao ở miền Bắc nên trồng vào mùa Xuân, miền Nam trồng vào vụ đông xuân trên đất giàu chất xơ, tơi xốp, đủ ẩm và thoát nước tốt.

Bộ phận thường dùng là phần cành ngọn có mang lá và hoa. Nếu nhổ cả cây phơi hay sấy khô gọi là toàn kinh giới, nhưng có nơi chỉ cắt hoa và cành, nếu xắt hoa phơi khô gọi là kinh giới tuệ, nếu hái toàn cây trừ bỏ phần rễ thì gọi là kinh giới.

Tác dụng của kinh giới


Rau kinh giới có tác dụng trì hoãn thời kỳ mãn kinh, kích thích tiêu hóa và chữa bệnh đường hô hấp... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Kinh giới có thành phần chính là tinh dầu thơm, trong đó chủ yếu là d-menthol, menthol racemic và một ít d-limonen.

Theo y học hiện đại, kinh giới thúc đẩy tuyến mồ hôi phân tiết giải co cứng, đẩy mạnh tuần hoàn máu, ngoài da, tiêu viêm, an thần, hạ sốt, giãn phế quản, chống dị ứng.

Còn theo Đông y, kinh giới có vị cay, tính ôn, vào kinh phế và can. Có tác dụng tán hàn giải biểu, thúc nọc sởi, chống kinh giật, cầm máu. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt (sốt nóng) đau đầu, đau họng, chảy máu cam (nục huyết), đại tiện ra máu.

Các vị thuốc từ kinh giới


Kinh giới giúp chữa cảm lạnh, sốt, nhức đầu, đau mình... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Cảm lạnh: Hoa kinh giới, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương. Các vị thuốc bằng nhau, dùng nước sắc nhiều lần, hợp các nước sắc lại, cô đặc thành cao viên bằng hạt ngô. Khi bị cảm cúm uống chừng 7 - 8 viên này. Dùng nước lá tre mà uống thuốc. Trẻ con chỉ dùng 2 - 4 viên.

Trị cúm: kinh giới, lá tre, cúc tần, bạc hà, tía tô, cát căn, mỗi thứ 20g; cúc hoa, địa liền, mỗi vị 5g; phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 4 - 6g.

Trúng gió méo miệng (liệt dây 7 ngoại biên): lá kinh giới 1 nắm giã lấy nước uống ngay.

Chữa sốt nóng, nhức đầu, đau mình: Kinh giới 12g phối hợp với sắn dây 24g, sắc uống.

Chữa ho, mất tiếng: Lá kinh giới, tang diệp, tang bạch bì, địa cốt bì, mỗi thứ 12g; tử tô, bán hạ chế, mỗi thứ 8g; trần bì 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa chóng mặt, hoa mắt, nghẹt mũi, mắt đỏ: Kinh giới, cúc hoa, xuyên khung, cam thảo, bạch chỉ, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, tế tân, bạch cương tàm. Các vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây thành bột mịn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 4 - 6g với nước ấm, sau bữa ăn.

Chảy máu cam: hoa kinh giới sao đen 12g, sắc lấy nước uống.

Trị trẻ em lên sởi (và chữa các chứng lở ngứa): dùng kinh giới và kim ngân hoa cả cây hoa lá cành (bỏ rễ) mỗi thứ 15-20g. Sắc uống nóng.

Ngoài ra với chứng bệnh này, có thể dùng bài thuốc kinh giới 8g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà 4g, phòng phong 4g, cam thảo 3g đem sắc uống hoặc kinh giới 4-6g; ngưu bàng tử, kim ngân hoa, liên kiều, đạm, đậu xị mỗi thứ 8-12g; cát cánh, trúc diệp, bạc hà mỗi thứ 8-12g; cam thảo 2-4g đem sắc uống.

Lưu ý: Kinh giới không dùng khi sởi toàn phát và thời kỳ hồi phục.

Rau kinh giới có phải là rau tía tô không?


Rau tía tô. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Một số người thường nhẫm lẫn và hay đặt câu hỏi rau kinh giới có phải là rau tía tô không? Câu trả lời là không. Chúng là hai loại loại rau thơm khác nhau. Trong đó, điểm chung duy nhất của 2 loại thực vật này là cây thân thảo, có mùi thơm, thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae). Một số điểm khác nhau như:

Kinh giới

Tía tô

Tên khoa học: Elsholtzia ciliate

 

Tên gọi khác: Bạch tô, Giả tô, Khương giới.

 

Bộ phận thu hái: cành có hoa, lá thường thu hái vào tháng 7 hoặc tháng 9.

 

Công dụng: kích thích lưu thông máu, tăng tiết mồ hôi, trị cảm lạnh, nhức đầu, trừ phong, chữa ho…

 

Đặc điểm: cao từ 30 đến 45cm. Lá màu xanh mọc đối, phiến lá thuôn nhọn có răng cưa. Thân cây hình vuông, thẳng đứng có hoa nhỏ màu tím nhạt, quả hạch.

 

Tinh dầu kinh giới: chiết xuất từ lá, giữ được có mùi thơm, hơi cay đặc trưng của kinh giới. Tinh dầu kinh giới giúp dưỡng da, chống lão hóa, giảm đau, chống viêm, chữa cảm. Ngoài ra nó còn trì hoãn thời kỳ mãn kinh, kích thích tiêu hóa và chữa bệnh đường hô hấp…

- Tên khoa học: Perilla frutescens

 

- Tên gọi khác: Tô diệp (lá), Tử tô (hạt), Tô ngạnh (cành).

 

- Bộ phận thu hái: thân chứa lá, cành và hạt thường thu hoạch vào mùa hè.

 

- Công dụng: kích thích tiêu hóa, chữa đầy bụng, nôn mửa. Tăng tiết mồ hôi, giải cảm, giảm sốt, ho, hen suyễn,..

 

- Đặc điểm: cao khoảng 40 đến 100cm, nhiều nhánh. Thân cây và cành hình vuông, lõm ở cạnh, nhiều lông. Lá màu xanh hoặc tím có răng cưa ở rìa lá và có mùi thơm.

 

- Tinh dầu tía tô: được chiết xuất từ lá và hạt của cây tía tô với hương thơm của loài. Tinh dầu tía tô hỗ trợ điều trị hen suyễn, làm đẹp da, chống lão hóa, hỗ trợ giảm mỡ trong máu, các bệnh về đường hô hấp…

 

Ai không được ăn kinh giới?


Hiện nay, nhiều người tin vào lời truyền miệng sử dụng rau kinh giới để điều trị sốt xuất huyết mà không đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, kinh giới không có giá trị gì trong chữa sốt xuất huyết. Bởi bệnh sốt xuất huyết, muỗi truyền thẳng virus vào máu chứ không qua đường hô hấp. Chính vì vậy, khi dùng rau kinh giới để chữa bệnh nếu không hiểu biết rõ về công dụng thực tế của nó thì đừng tùy tiện sử dụng kẻo mang vạ vào thân.

Ngoài ra, những người dễ bị ngộ độc thực phẩm, phụ nữ mang thai, viêm đại tràng, đau dạ dày không nên ăn rau kinh giới.

Cách trồng kinh giới tại nhà


Chỉ một chậu nhỏ thế này bạn đã trồng được rất nhiều loại gia vị khác nhau mà lại tốt cho sức khỏe của cả nhà. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Kinh giới vừa là thực phẩm ngon lành vừa là vị thuốc tốt cho sức khỏe. Hãy “kết nạp” anh chàng kinh giới này vào các loại rau nên trồng tại nhà vì chúng rất dễ trồng và chăm sóc.

Bước 1: Chọn mua hạt giống cây kinh tại các cửa hàng bán đồ nông sản hoặc siêu thị gần nhà.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng: Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây kinh giới. Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Về đất trồng, bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Bước 3: Trồng cây và chăm sóc

- Hạt hinh giới có tỷ lệ này mầm cao do đó không cần ngâm ủ. Rải hạt rau lên mặt đất và phủ lại bằng lớp tro hoặc trấu mỏng. Sau đó tưới lại bằng vòi phun nhẹ.

- Sau khi trồng cây kinh giới được khoảng 15 ngày thì tiến hành bón lót đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… Cứ khoảng 20 ngày bón 1 đợt cho cây. Mỗi đợt bón phân kết hợp làm cỏ cho cây.

- 25-30 ngày sau tỉa cây con ra trồng với khoảng cách cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 35cm. Nên trồng cây lúc trời khô ráo và chọn buổi chiều để trồng. Sau khi trồng cây xong, tưới nước thường xuyên để cây mau chóng bén rễ, nếu là mùa khô thì ngày 2 lần vào sáng tối, nếu mùa mưa nhớ làm công tác thoát nước thật tốt để cây không bị úng thối.

- Sau khi trồng khoảng 35 - 40 ngày là có thể thu hoạch cây kinh giới. Bạn có thể hái ngọn dùng dần. Muốn cây sống bền, khi cây ra hoa nên lấy kéo cắt hết hoa đi để cây phát triển cành lá và tiếp tụ bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây.

Tuệ Giang (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X