Hotline 24/7
08983-08983

"Kiệt quệ" là… bệnh!

Trong làm việc không ít người đã từng trải nghiệm cảm giác “hết xí quách”, không còn hứng thú và chỉ muốn vất bỏ tất cả.

Đối mặt với nhiều thách thức trong công việc, nhân viên y tế dễ bị kiệt quệ.

Tình trạng này gọi là kiệt quệ (burnout), vừa được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là bệnh, vì có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ sức khoẻ.

Không thể xem thường

Theo bảng phân loại sức khoẻ quốc tế (ICD) 11 được WHO cập nhật cuối tháng qua, “kiệt quệ là một loại stress công việc mạn tính không thể giải quyết thành công” với ba triệu chứng: cảm thấy hết năng lượng, xa rời công việc về mặt tinh thần hoặc có cảm giác tiêu cực liên quan đến công việc, và giảm năng suất lao động. WHO cũng nhấn mạnh “kiệt quệ chỉ dùng mô tả hiện tượng có liên quan đến nghề nghiệp, không dùng mô tả những trải nghiệm trong các lĩnh vực khác của cuộc sống”.

Trong thực tế, kiệt quệ không phải cá biệt và không đáng quan tâm như nhiều người vẫn nghĩ. Nghiên cứu của Gallup năm qua trên 7.500 người làm việc toàn thời gian, cho thấy 23% số này thừa nhận mình từng rất thường xuyên hoặc luôn luôn cảm thấy kiệt quệ trong công việc, trong khi 44% khác cho biết thỉnh thoảng cũng cảm thấy kiệt quệ. Nhà báo Sheryl Kraft của hãng tin CNBC, gọi kiệt quệ là “khủng hoảng”, vì các khảo sát đăng trên Harvard Business ReviewPLoS cho thấy vấn đề này gây thiệt hại 125 - 190 tỷ USD cho chăm sóc sức khoẻ nhân viên hàng năm tại Mỹ, khi họ mắc các bệnh đái tháo đường type 2, tim mạch, tiêu hoá, tăng cholesterol máu, thậm chí tử vong ở người dưới 45 tuổi.

Thuật ngữ “kiệt quệ” được sử dụng lần đầu bởi nhà tâm lý học Mỹ Herbert Freudenberger vào những năm 1970, chỉ tình trạng stress và kiệt sức khó giải quyết, xuất hiện ở người làm những nghề có tính chất “giúp đỡ” như bác sĩ, điều dưỡng. Một khảo sát đăng trên tạp chí uy tín Annals of Internal Medicine cuối tháng qua, cho thấy mỗi bác sĩ Mỹ tiêu tốn hàng năm 7.600 USD cho những thiệt hại vì kiệt quệ, nghĩa là hệ thống y tế Mỹ thiệt hại đến… 4,6  tỷ USD/năm!

Nhưng kiệt quệ không chỉ gây hại về vật chất, mà còn về con người.Ghi nhận những năm qua cho thấy mỗi ngày tại Mỹ có một bác sĩ tự tử vì vấn đề này. Trên tờ New York Post tháng 2 năm nay, bác sĩ Carol Pak-Teng, làm việc tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở New Jersey, cho biết vào thời điểm năm 2015, có lúc cô nằm dài trên giường trong nhiều giờ và không muốn đến chỗ làm, vì quá mệt mỏi. Cô chia sẻ: “Khi đó tôi nghĩ nếu mình tan biến trên giường thì cũng không phải là điều quá tồi tệ”. Một năm sau, một bác sĩ giấu tên cùng làm việc với bác sĩ Pak-Teng, đã chết sau khi nhảy từ mái nhà.“Những bác sĩ khác không hề sốc, vì nhiều người trong số họ cũng từng muốn tự tử”, Pak-Teng nói.

Ngoài nhân viên y tế, kiệt quệ còn bắt gặp ở nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến lần lượt là nhân viên xã hội, giáo viên, hiệu trưởng trường học (nhất là trường tiểu học), luật sư, cảnh sát, nhân viên kế toán công chúng, nhân viên bán thức ăn nhanh, nhân viên bán lẻ.

Đến lúc tìm cách chữa trị

“Nhiều người chọn ngành y, vì mong muốn giúp đỡ người khác. Y khoa là một lĩnh vực nổi tiếng khắc nghiệt và thách thức, có lẽ nhiều bác sĩ đều tưởng tượng được sự khó khăn về hành trình mình đã chọn.Tuy nhiên, mức độ hy sinh của người bác sĩ (bắt đầu từ trường y khoa) lại không thể chấp nhận và dẫn họ đến sự khủng hoảng kiệt quệ mà chúng ta đều biết”, Hemalee Patel và Suvas Vajracharya, hai bác sĩ Mỹ đã viết như thế trên blog KevinMD.

Nếu trong ngành y, tình trạng quá tải công việc, các bệnh lý bệnh nhân mắc phải ngày càng phức tạp, bừa bộn công việc hành chính, là nguyên nhân khiến người thầy thuốc kiệt quệ. Thì trong những ngành nghề khác, tình trạng làm việc không công bằng, áp lực giải quyết đúng hạn, thiếu hỗ trợ của cấp trên, và sự căng thẳng khi mỗi ngày phải trả lời hàng lô lốc email và văn bản ngoài giờ, lại là nguyên nhân khiến người làm việc kiệt sức.

Bằng việc khẳng định kiệt quệ là một bệnh lý, với định nghĩa rõ ràng và chính xác, WHO đã mở đường cho giới nghiên cứu tìm kiếm giải pháp chữa trị vấn đề sức khoẻ này. Elaine Cheung, giáo sư khoa học xã hội y khoa của đại học y khoa Feinberg (Hoa Kỳ) nói: “Cần có nhiều cuộc thảo luận hơn về việc làm thế nào đo lường chính xác và xác định đúng căn bệnh. Định nghĩa mới của WHO giúp gia tăng nhận thức vấn đề kiệt quệ, không chỉ trong số nhân viên y tế, mà còn ởmọi cá nhân lao động và chủ lao động”.

Với định nghĩa mới của WHO về kiệt quệ, giờ đây các bác sĩ phải phân biệt nó với chứng lo âu, rối loạn tâm tính và các rối loạn liên quan đến stress khác. Giáo sư Cheung nhận định: “Kiệt quệ khác trầm cảm, vì nó gắn liền đặc biệt với công việc và mối quan hệ của chúng ta với công việc đang làm. Phân biệt rõ như thế sẽ giúp có được những nghiên cứu chuyên biệt, nhằm giúp phòng ngừa và điều trị bệnh”.

Phải đến năm 2022 ICD 11 của WHO mới chính thức có giá trị toàn cầu, điều này giúp các thầy thuốc và ngành bảo hiểm y tế có đủ hiểu biết về triệu chứng, tìm được giải pháp điều trị kiệt quệ, cũng như ban hành các hướng dẫn phòng tránh bệnh này ở chỗ làm.

Lãnh đạo bệnh viện cần quan tâm đến “burnout”

Đó là khuyến cáo của sở Y tế TP.HCM đối với các bệnh viện thuộc ngành quản lý. Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế, các bệnh viện đang trải qua những thay đổi to lớn nhằm thích ứng với những yêu cầu mới về bảo hiểm y tế, áp lực tự chủ tài chính, ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, khiến khối lượng công việc tăng lên, nhưng lại giảm tính tương thích của bác sĩ và nhà quản lý bệnh viện. Ông nói: “Đây là những yếu tố thuận lợi khiến bác sĩ và điều dưỡng kiệt quệ, là một thách thức không nhỏ đối với người quản trị bệnh viện”.

Theo Châu Giang - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X