Hotline 24/7
08983-08983

Kiểm soát bệnh đau thắt ngực

Đau thắt ngực là triệu chứng than phiền khá thường gặp của các bệnh nhân đến khám với mối lo lắng về các bệnh lý tim mạch. Đa số bệnh nhân có những cơn đau ngực không liên quan đến bệnh lý tim mạch và thường không nguy hiểm. Số còn lại có bệnh lý động mạch vành cấp hoặc mạn tính cũng có triệu chứng đau thắt ngực nhưng với tính chất khác biệt.


1. Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là triệu chứng kinh điển báo hiệu bệnh tim thiếu máu cục bộ, hay còn có tên gọi khác là bệnh động mạch vành. Động mạch vành là các mạch máu cung cấp máu nuôi trái tim. Khi chức năng hệ mạch vành suy yếu, việc cung cấp máu cho tim sẽ bị giảm, dẫn đến các triệu chứng đau thắt ngực xuất hiện với nhiều mức độ nặng khác nhau.

Cơn đau thắt ngực điển hình thường xuất hiện ở vùng trước tim, có thể lệch trái, có hướng lan lên vùng cổ hàm dưới hoặc vùng vai trái xuống mặt trong cánh tay đến phần ngón út. Bệnh nhân thường mô tả cảm giác đè nặng vùng trước ngực gây khó thở, hoặc như có ai đó siết chặt lồng ngực mình lại. Kèm theo có thể là tình trạng toát mồ hôi nhiều, tay chân tái lạnh, hoặc buồn nôn, nôn.

Vị trí và hướng lan của cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành

2. Phân loại đau thắt ngực?

Dựa vào hoàn cảnh khởi phát cơn đau thắt ngực và thời gian kéo dài cơn đau, người ta chia cơn đau thắt ngực thành 2 nhóm

- Cơn đau thắt ngực ổn định, hay Bệnh mạch vành mạn ổn định: Thông thường mỗi người bệnh có một mức độ gắng sức mà khi đạt đến đó thì cơn đau thắt ngực xuất hiện với các tính chất kể trên. Cơn đau sẽ giảm dần trong 5 -15 phút từ lúc người bệnh nghỉ ngơi hoặc ngậm/xịt thuốc chống đau thắt ngực dưới lưỡi.

- Cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp: Khởi đầu có thể có hoặc không liên quan đến gắng sức, thời gian kéo dài 20-30 phút hoặc lâu hơn với cường độ đau nặng, không giảm với nghỉ ngơi và ngậm/xịt thuốc chống đau ngực. Đây là thể bệnh nguy hiểm cần được chữa trị khẩn cấp tại bệnh viện.

3. Đau thắt ngực có nguy hiểm không?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và gánh nặng bệnh tật hàng đầu trên toàn cầu. Trong đó, nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh cảnh nặng nề, xảy ra khi có một (hoặc nhiều) nhánh mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn. Bệnh có thể để lại các hậu quả như suy tim, rối loạn nhịp tim, đứt vỡ các cấu trúc trong tim hoặc thậm chí đột tử nếu không được chữa trị cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, người có bệnh mạch vành mạn ổn định cũng luôn luôn có nguy cơ tiến triển thành nhồi máu cơ tim hoặc suy tim. Nguy cơ này nhiều hay ít tùy vào mức độ và số lượng mạch máu bị hẹp.

4. Tôi phải làm gì để phòng đau thắt ngực?

Nếu bạn đã hoặc đang có bệnh tim thiếu máu cục bộ, việc điều trị thường xuyên là cần thiết, giúp phòng ngừa sự tái lại của các cơn đau thắt ngực, nâng chất lượng cuộc sống, cải thiện khả năng gắng sức, làm giảm tối đa nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong do bệnh tim mạch. Nếu bạn chưa mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc bất kỳ cơn đau thắt ngực nào, bạn cần phòng ngừa bằng các cách sau:

Loại bỏ/giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ tim mạch

- Bỏ thuốc lá.
- Điều trị ổn định đường huyết nếu có đái tháo đường.
- Điều trị ổn định mỡ máu nếu có rối loạn mỡ trong máu.
- Điều trị ổn định huyết áp nếu có tăng huyết áp.

Điều chỉnh chế độ ăn uống:

- Giảm thực phẩm giàu chất béo không có lợi: da, mỡ, đồ lòng, óc tủy động vật; lòng đỏ trứng, gạch tôm cua.
- Tăng thực phẩm nhóm rau xanh, trái cây tươi.
- Giảm bia rượu.
- Vận động thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày với cường độ đủ làm cơ thể toát mồ hôi.
- Đối với người bệnh đã được chẩn đoán và đang điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ, việc dùng các thuốc do bác sĩ chỉ định cần được tuân thủ nghiêm nhặt. Bên cạnh đó, chế độ tái khám theo dõi định kỳ sức khỏe tim mạch là hết sức cần thiết.

Bỏ thuốc lá là đang loại bỏ/giảm thiểu nguy cơ tim mạch

5. Tại sao tôi phải uống nhiều loại thuốc để điều trị đau thắt ngực? Các thuốc điều trị đau thắt ngực bảo vệ tôi như thế nào?

Hoạt động nhịp nhàng của tim là một quá trình phức tạp. Trái tim bạn sẽ hoạt động bền bỉ trong một điều kiện lý tưởng khi:

- Huyết áp được khống chế ở mức ổn định.
- Nhịp tim đều đặn trong một giới hạn cho phép,
- Thể tích máu được duy trì ở mức độ vừa phải,
- Nồng độ các chất có hại cho tim được giảm thiểu đáng kể.

Khi bạn bị đau thắt ngực (hay bệnh tim thiếu máu cục bộ), tất cả điều kiện trên cần được tối ưu hóa. Bên cạnh chế độ ăn và thay đổi lối sống, các thuốc tim mạch được kê sẽ giúp bạn điều chỉnh những yếu tố trên nằm trong những giới hạn cho phép. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định cho bạn dùng thêm những loại thuốc như sau

- Thuốc chống sự kết vón tiểu cầu gây ra cục máu đông làm tắc mạch vành,
- Các thuốc làm gia tăng lượng máu đến nuôi tim,
- Các thuốc làm giảm nồng độ cholesterol xấu có hại
- Và những loại khác tùy vào từng bệnh cảnh cụ thể.

6. Nếu dạ dày của tôi có vấn đề, tôi có thể uống Aspirin được không?

Aspirin là một thuốc chống kết vón tiểu cầu rất hiệu quả, được chỉ định dùng suốt đời cho các bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên không ít bệnh nhân có các tác dụng phụ trên dạ dày khi dùng Aspirin, nặng nhất là thủng và xuất huyết dạ dày.

Trước khi dùng Aspirin, bệnh nhân cần được kiểm tra tiền sử bệnh lý dạ dày, tình trạng nhiễm vi trùng Helicobacter pylori trong dạ dày qua nội soi và điều trị bệnh lý dạ dày nếu có. Trong khi dùng Aspirin, những bệnh nhân có dạ dày nhạy cảm thường được chỉ định dùng kèm nhóm thuốc bảo vệ dạ dày. Nhìn chung, các vấn đề thông thường của dạ dày không phải là một rào cản cho việc dùng Aspirin.

7. Khi bị đau thắt ngực, ngoài uống thuốc, tôi phải làm gì thêm?

Nếu là lần đầu tiên bạn bị cơn đau thắt ngực, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Nếu bạn đã được chẩn đoán và đang điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ, việc dùng đầy đủ các thuốc theo toa là cần thiết. Khi cơn đau ngực xảy ra, bạn có thể ngậm/xịt dưới lưỡi thuốc nhóm Nitrate mà bác sĩ đã kê cho bạn. Sau đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế nếu triệu chứng đau ngực không thuyên giảm đi.

8. Tại sao tôi phải xét nghiệm mỡ trong máu và điều trị tăng mỡ máu?

Tăng mỡ trong máu, đặc biệt là thành phần mỡ xấu (LDL-cholesterol), là nguy cơ đáng sợ nhất của bệnh lý tim mạch. Những thành phần mỡ xấu dư thừa lưu hành trong lòng mạch máu, thay vì được loại thải ra ngoài thì chúng sẽ tích tụ vào thành mạch máu khắp cơ thể. Hiện tượng này gọi là xơ vữa động mạch. Hậu quả là mạch máu sẽ bị hẹp dần theo thời gian (như hình bên dưới) và trở nên xơ cứng, kém đàn hồi. Quá trình này không gây ra khó chịu gì cho bạn đến khi mạch máu hẹp đáng kể, gây ra giảm nghiêm trọng lượng máu cung cấp cho cơ quan mà nó nuôi dưỡng.

Xét nghiệm mỡ máu cung cấp thông tin chi tiết về nồng độ các thành phần mỡ xấu, giúp lựa chọn đúng phương pháp điều trị. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm mỡ máu mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc nào cho bệnh nhân. Việc uống thuốc không giúp chữa dứt điểm tình trạng tăng mỡ máu, mà chỉ giúp đưa nồng độ các loại mỡ về mức ổn định và an toàn hơn, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nên nhớ, cùng với các biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh hơn, duy trì lâu dài việc dùng thuốc điều trị tăng mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết.

Lắng đọng cholesterol trong thành mạch máu tạo thành mảng xơ vữa động mạch

9. Tại sao tôi phải xét nghiệm đường huyết và điều trị tăng đường huyết?

Tương tự như tăng mỡ máu, đái tháo đường là một bệnh lý đáng sợ không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch mà còn nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể. Bằng những xét nghiệm đơn giản, bệnh đái tháo đường có thể được dễ dàng chẩn đoán.

Tuy nhiên, điều trị đái tháo đường lại là một thách thức cho hầu hết bệnh nhân bởi vì cần sự kiên trì và tuân thủ nghiêm nhặt về chế độ ăn uống và sử dụng thuốc. Xét nghiệm đường huyết thường xuyên trong tiến trình điều trị giúp theo dõi sát và điều chỉnh cách dùng thuốc hợp lý hơn. Cũng tương tự như tăng mỡ máu, việc điều trị đái tháo đường cần theo đuổi lâu dài và liên tục để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch.

10. Tôi cần phải làm thêm các xét nghiệm gì khác?

Để đánh giá đúng mức sức khỏe trái tim bạn, thông thường các bác sĩ sẽ tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chỉ định cho bạn làm một hoặc nhiều trắc nghiệm sau đây:

- Điện tâm đồ: Xem xét nhịp tim và các bất thường của quả tim thông qua các sóng điện trong trạng thái tĩnh.

- Điện tâm đồ gắng sức: Xem xét nhịp tim và các bất thường của quả tim thông qua các sóng điện trong trạng thái vận động tăng dần đến mức gắng sức tối đa.

- Siêu âm tim: Khảo sát hình ảnh về cấu trúc và hoạt động cơ học của quả tim.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) tim mạch: Khảo sát cấu trúc tim và hệ mạch máu nuôi tim (hệ động mạch vành).

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Khảo sát cấu trúc tim và các bất thường về cơ tim, khảo sát mức độ sống còn của vùng cơ tim bị bệnh.

- Chụp động mạch vành: Là biện pháp xâm lấn nhưng giá trị cao nhất trong chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ.

11. Tôi nên tái khám kiểm tra tim mạch như thế nào?

Tùy theo độ nặng và độ ổn định của bệnh tim thiếu máu cục bộ của bạn mà bác sĩ sẽ cho bạn lịch khám cụ thể. Nhìn chung, bạn cần dành một ít thời gian để quả tim của bạn được chăm sóc kỹ lưỡng bởi những chuyên gia.

12. Tôi có thể sống khỏe với đau thắt ngực không?

Đau thắt ngực không phải là một rào cản đối với cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Mục tiêu chính của điều trị bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ là cải thiện triệu chứng, bao gồm: Giảm số lần đau thắt ngực, tăng mức gắng sức, giảm số lần nhập viện vì đau thắt ngực cũng như là giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành nhồi máu cơ tim hoặc suy tim hoặc tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ. Việc phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa bác sĩ và bệnh nhân trong điều trị giúp cho các mục tiêu trên đạt được tốt hơn. Người bệnh có thể hoàn toàn tự tin với các hoạt động thường ngày hoặc biết cách sinh hoạt phù hợp thông qua các hướng dẫn từ bác sĩ của họ.

Theo bác sĩ Lương Võ Quang Đăng
Bác sĩ Nội Tim Mạch - Trưởng khoa khám bệnh, nội khoa - Khoa Khám bệnh & nội khoa
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X