Hotline 24/7
08983-08983

Không cải thiện bổ sung i ốt, Việt Nam sẽ lâm vào “khủng hoảng do thiếu i ốt”

Theo báo cáo của mạng lưới i ốt toàn cầu, Việt Nam nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i ốt tồi tệ nhất trên thế giới.

Một bệnh nhân biến dạng vùng cổ do bệnh lý tuyến giáp, một bệnh lý có thể xuất phát từ thiếu i ốt
Một bệnh nhân biến dạng vùng cổ do bệnh lý tuyến giáp, một bệnh lý có thể xuất phát từ thiếu i ốt

Người Việt đang mất thói quen dùng muối bổ sung i ốt?!

Trước đây, chương trình phòng chống rối loạn thiếu i ốt từ năm 1994 - 2005 của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là việc thực hiện thành công chiến lược tăng cường cung cấp i ốt vào toàn bộ muối cho người dân.

Trong giai đoạn đó, 90% hộ gia đình Việt được sử dụng muối i ốt đầy đủ đã làm giảm tỉ lệ trẻ bướu cổ, tăng tỉ lệ i ốt trong cơ thể trên mức tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.

Tuy nhiên, kết quả trên không được duy trì khi chương trình bị rút khỏi chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế vào năm 2005. Sau khi việc sử dụng muối i ốt mang tính tự nguyện, nó đã dẫn tới sự trở lại của tình trạng thiếu hụt i ốt.

Theo báo cáo của mạng lưới i ốt toàn cầu, Việt Nam nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là một báo động về tình trạng thiếu hụt i ốt của Việt Nam, đòi hỏi phải được giải quyết cấp bách.

Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2013 - 2014 cho thấy tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi là 9,8%, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%.

Cũng qua điều tra, gần 47% học sinh hoàn toàn không hiểu biết gì về lợi ích của vi chất này. Một số gia đình không có thói quen sử dụng muối i ốt trong bữa ăn hàng ngày.

Theo các cuộc khảo sát, hiện nay có 90% các bậc cha mẹ hiểu rõ tác dụng của muối i ốt nhưng chưa thực sự quan tâm. Cùng với đó, cuộc sống bận rộn khiến các gia đình ít khi đủ mặt trong 3 bữa ăn chính.

Vì vậy, lượng muối i ốt được dùng trong các bữa ăn gia đình chưa đủ đáp ứng nhu cầu i ốt của cơ thể. Trong khi đó, việc dùng muối i ốt cho thức ăn trong các nhà hàng, thực phẩm chế biến và thức ăn sản xuất công nghiệp lại chưa được quan tâm.

Phụ nữ khó có con, trẻ em dễ thiểu năng trí tuệ

Việt Nam đang báo động về tình trạng thiếu vi dưỡng chất
Việt Nam đang báo động về tình trạng thiếu vi dưỡng chất

TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh lâm sàng, Viện Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho biết, i ốt có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của cơ thể con người, nó là vi chất để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh, phát triển sinh dục, các bộ phận trong cơ thể…

Tuy nhiên, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu iốt do nhu cầu tăng cao.

Riêng ở trẻ em, thiếu i ốt sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Ngoài ra, thiếu iốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu iốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em...

Riêng với phụ nữ, ngoài chịu tác động tiêu cực lên chính sức khoẻ bản thân, thiếu i ốt ở phụ nữ là nguyên nhân dẫn đến thế hệ tương lai gặp nhiều biến chứng nguy hiểm

“Thiếu i ốt dạng nhẹ gây mệt mỏi, tăng cân, đau mỏi cơ bắp, giòn móng tay và khô da. Hiện tượng này kéo dài có thể khiến việc sản sinh hoocmon giáp suy giảm hoặc chấm dứt, trầm trọng hơn dẫn đến bướu cổ.

Đặc biệt, i ốt rất quan trọng trong thai kỳ, phát triển não bộ, khung xương và hệ trao đổi chất khỏe mạnh của thai nhi.

Trong 14 – 16 tuần đầu thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp hormoon tuyến giáp của người mẹ.

Nếu người mẹ thiếu i ốt và nội tiết tố này trước khi thụ thai và trong thai kỳ, trẻ dễ có nguy cơ thiểu năng trí tuệ hoặc thậm chí là mắc chứng đần độn”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ.

Theo bác sĩ, mới đây, một nghiên cứu mới công bố tại Mỹ cho biết, những phụ nữ thiếu iốt giảm 50% khả năng mang thai so với những phụ nữ bình thường.

Cũng theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, ngoài tình trạng thiếu i ốt, người Việt Nam đang thiếu trầm trọng các vi chất dinh dưỡng khác như kẽm, thiếu sắt. Gánh nặng kinh tế do thiếu các vi chất dinh dưỡng này theo cảnh báo của các chuyên gia y tế điều này rất khủng khiếp.

Theo khảo sát về Vi chất Dinh dưỡng năm 2014 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 13% trẻ em dưới 5 tuổi và 35% phụ nữ cho con bú đang bị thiếu hụt vitamin A lâm sàng, gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi và 37% phụ nữ mang thai bị thiếu máu.

Thiếu hụt kẽm rất cao ở trẻ em (69%) và phụ nữ mang thai (80,3%). Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn.

Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ. Trong khi đó, thiếu vitamin A làm hạn chế khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trẻ, đồng thời gây ra bệnh khô mắt và mù lòa.

Như vậy, tình trạng thiếu vi chất của người dân Việt Nam hiện nay không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực, trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước do nguồn nhân lực có năng suất lao động kém và phải tốn kém vào những chi phí cho các rối loạn và bệnh tật do thiếu vi chất gây ra.

Giải pháp nào cứu cánh tình trạng trên?

Thiếu i ốt, trẻ nhỏ có thể bị thiểu năng trí tuệ
Thiếu i ốt, trẻ nhỏ có thể bị thiểu năng trí tuệ

Theo các chuyên gia y tế, để giảm thiểu tình trạng thiếu vi dưỡng chất nói chung, thiếu i ốt nói riêng, điều cần nhất là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bổ sung vi dưỡng chất.

“Chúng ta nên để người dân hiểu việc thiếu hụt i ốt, sắt, kẽm… là sự nguy hại đến sức khoẻ vô cùng lớn, nhất là nguy hại đến thế hệ tương lai. Chỉ có sự thay đổi từ chính nhận thức mới có thể kéo theo sự thay đổi của hành động”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ.

Ngoài ra, theo ước tính, thực phẩm chế biến sẵn hiện nay cung cấp khoảng 75% tổng lượng muối ăn vào, chỉ 15% tổng lượng muối ăn vào là trực tiếp thông qua muối ăn và các gia vị mặn. Do đó, ở những quốc gia mà muối i ốt không được sử dụng trong thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể kéo đến giảm lượng i ốt cung cấp cho người dân.

Ngay chính Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì được ghi nhận là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của mỗi quốc gia.

Đây là cơ sở để Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 09/2016/ND-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối i ốt và bột mì đã bố sung vi chất trong chế biến thực phẩm.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất tích cực vì sức khoẻ cộng đồng để phòng chống và kiểm soát thiếu hụt vi chất và những nỗ lực này cần được tiếp tục.

Tuy nhiên, tổ chức này vẫn mạnh mẽ khuyến cáo Chính Phủ Việt Nam tăng cường thực hiện Nghị định 09 và nên coi Nghị định không phải là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và ngành công nghiệp thực phẩm.

Các chuyên gia y tế, kinh tế đều đồng tình về việc song hành cả 2 giải pháp trên mới có thể kéo tỉ lệ cung cấp vi dưỡng chất, trong đó có i ốt lên đúng mức cần thiết.

Theo Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X