Hotline 24/7
08983-08983

Khổ vì ho ngày ho đêm

Khi bị cảm, xếp ngay sau sự khó chịu vì chảy nước mũi là việc ho lụ khụ suốt cả ngày. Sẽ khốn khổ khi vì một nguyên nhân nào đó, tình trạng ho của bạn kéo dài hàng tháng.

Thực tế, ho “liên hồi” và “trường kỳ” không đơn giản như bạn nghĩ. Nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến một số cơ quan khác. Do đó, bạn không nên chỉ tin tưởng vào các loại thuốc giảm ho mà nên đến khám tại các chuyên khoa hô hấp để xác định và điều trị nguyên nhân ho kịp thời.

 

Ho vì… thức ăn

Mỗi lần thấy anh Đ.H., 44 tuổi, ho lấy ho để là những đồng nghiệp khác ngồi nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Chẳng phải vì họ khó khăn gì, chỉ là vì tần suất ho của anh H. quá dày, cứ khoảng mỗi 5 phút một đợt. Bản thân anh H. cho rằng, anh không hút thuốc, trong gia đình không có ai có vấn đề gì về đường hô hấp nên tình trạng này cũng sẽ nhanh chóng biến mất. 

Gắng gồng chẳng đặng, sau 3 tuần chịu đựng cơn ho vật vã ngày đêm, anh đành phải gõ cửa bác sĩ. Sau khi làm một số đánh giá và xét nghiệm, bác sĩ cho biết một nguyên nhân mà chính anh và gia đình không hề nghĩ đến: trào ngược dạ dày, thực quản (GERD). Bác sĩ cho biết thêm, dây thanh quản của anh đang có dấu hiệu bị tổn thương do ho quá nhiều trong thời gian dài, và tình trạng sẽ khá tệ nếu anh đến khám trễ hơn.

Thực tế, tình trạng ho kéo dài có thể dẫn đến nhiều nguy cơ khác như: tràn khí màng phổi, loạn nhịp tim, đau cơ liên sườn, nhức đầu, thuyên tắc khí mạch máu…

Nhiều nguyên nhân gây lên

Theo ThS.BS Lê Khắc Bảo, giảng viên bộ môn Nội, Đại học Y dược TP.HCM, nguyên nhân gây ho có thời gian dưới 3 tuần thường là do nhiễm siêu vi hay vi khuẩn ở đường hô hấp trên, gây viêm khí phế quản, viêm phổi cấp. Ngoài ra, còn có thể do các vấn đề như: đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thuyên tắc phổi, hít sặc, ho gà (ho kéo dài trên 2 tuần)…

Trong khi đó, tình trạng ho mạn (trên 3 tuần) có thể là do một số nguyên nhân như:

- Hội chứng chảy mũi sau

- Hen (dạng ho)

- Hội chứng GERD

- Viêm phế quản mạn

- Giãn phế quản

- Lao phổi, lao phế quản

- Mềm sụn thanh quản, dị vật đường thở

- Rối loạn chức năng dây thanh

- Hít sặc tái đi tái lại

- Do tác dụng phụ của thuốc hạ áp loại ức chế men chuyển

- Sán lá phổi

- Do vấn đề tim mạch như: suy tim trái, nhồi máu phổi, phình quai động mạch chủ.

Ngoài ra, ho cũng có thể là biểu hiện của ung thư phế quản, u lành đường thở, u trung thất…Bệnh nhân  bị ho có thể do một hay nhiều nguyên nhân cùng lúc. Do đó, để xác định chính xác, bác sĩ thường chỉ định tiến hành kiểm tra, thăm dò chức năng như: hô hấp ký, xét nghiệm đàm, CT scan xoang, CT scan lồng ngực, nội soi tai – mũi – họng, dạ dày – thực quản, phế quản…

Điều trị đúng mới hết 

Để giảm triệu chứng ho, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng loại thuốc giảm ho hỗ trợ như thuốc ức chế ho trung ương (giảm ho khan), thuốc tiêu đàm hoặc thuốc gây tê tại chỗ để ức chế ho ngoại biên.

Tuy nhiên, điều trị nguyên nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Việc điều trị triệu chứng được chỉ định khi chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, hoặc bệnh nhân ho nhiều vượt quá khả năng chịu đựng. Ngoài ra, đây cũng chỉ là biện pháp hỗ trợ khi việc điều trị nguyên nhân đang gặp khó khăn hay chưa đủ để khống chế ho.

Lạm dụng thuốc giảm ho có thể kéo theo các tác dụng phụ khó lường.
Ảnh minh họa.

Thuốc ho cực mạnh cũng chẳng có hiệu quả đối với người đang gặp các vấn đề không liên quan đến đường hô hấp như: trào ngược dạ dày, sử dụng thuốc ức chế men chuyển (muốn giảm ho, phải ngưng thuốc hoặc thay bằng thuốc khác)…

Đó là chưa kể việc sử dụng thuốc giảm đau, giảm ho lâu dài có thể kéo theo các tác dụng phụ như: dễ gây nghiện, có thể gây ức chế hô hấp, táo bón, buồn ngủ; hoặc các loại thuốc gây tê tại chỗ nếu sử dụng lâu ngày có thể làm mất đi phản xạ tự bảo vệ của phổi.

AloBacsi.vn
Theo Nguyễn Minh - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X