Hotline 24/7
08983-08983

Khó tránh phản ứng xấu sau tiêm chủng!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định đã tiêm vắc-xin, tiêm "chất lạ" vào cơ thể thì chắc chắn có phản ứng. Nếu không phản ứng, khó lòng gây ra kháng thể chủ động chống lại mầm bệnh

Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế siết chặt quy trình tiêm chủng, không để người dân mất niềm tin vào vắc-xin, chiều 16-1, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn cho hàng ngàn cán bộ tham gia công tác tiêm chủng tại 700 đầu cầu của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Không tiêm chủng, sẽ mắc bệnh

Tại đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận không ít các bậc cha mẹ lo ngại về các phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five nói riêng và các vắc-xin khác nói chung đối với trẻ.

Tiêm chủng cho trẻ tại một cơ sở y tế ở Hà Nội

Theo Bộ trưởng Y tế, tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động nhân tạo. Chúng ta đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Khi kháng nguyên gặp kháng thể, bao giờ cũng có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. "Nếu không có phản ứng đó, khó lòng gây ra kháng thể chủ động. Người càng khỏe mạnh, phản ứng càng mạnh, sốt cao" - bà Tiến nói.

Nhiều lần nhấn mạnh "không tiêm chủng chắc chắn sẽ mắc bệnh; càng mắc bệnh nhiều, nguy cơ tử vong càng cao", Bộ trưởng tiếp tục lưu ý việc tiêm chất lạ vào cơ thể thì chắc chắn có phản ứng, vấn đề là phải theo dõi, đưa trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện bất thường. Bộ trưởng cho biết mỗi ngày có từ 20-30 trẻ tử vong do nhiều nguyên nhân như: sặc sữa, viêm phổi, nghẹt thở, suy hô hấp..., do đó không loại trừ ngẫu nhiên trùng hợp trẻ vừa tiêm chủng xong nên nghĩ trẻ tử vong do tiêm vắc-xin. Ngoài ra, có những trẻ cơ địa mẫn cảm, nhạy cảm khi đưa vào kháng nguyên mới nên có phản ứng mạnh.

Một nguyên nhân khác là do gia đình không đưa trẻ đến viện kịp thời. Vừa qua, sau tiêm ComBE Five, theo báo cáo, có những ca phản ứng không mạnh như Quinvaxem (sốt cao, co giật) mà chỉ nôn nhẹ và nằm yên. Nhưng khi bố mẹ phát hiện và đưa đi bệnh viện thì đã nặng. Vì vậy, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tập huấn cho toàn bộ nhân viên tiêm chủng về cả sàng lọc trước tiêm, hướng dẫn tiêm và sau tiêm, dặn dò người nhà...

Thay đổi phác đồ chống sốc

Trước các nguy cơ trẻ có thể gặp phải sau tiêm vắc-xin, tại hội nghị, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trấn an cán bộ y tế, các bệnh viện đừng ngại khi người dân đưa trẻ đến vì các phản ứng sốt, đau tại chỗ sau tiêm. Sốt là phản ứng bình thường khi tiêm nhưng sốt mà bỏ bú, khóc thét, rối loạn tri giác, rõ ràng đó là phản ứng quá mẫn cảm. Ông Đặng Đức Anh khuyến khích người dân nếu thấy không yên tâm về bất cứ dấu hiệu gì của trẻ sau tiêm chủng thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện, trạm y tế gần nhất để được chăm sóc.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, khẳng định trước đây, khi tiếp nhận một bệnh nhân sốc phản vệ vì bất cứ nguyên nhân gì (thức ăn, vắc-xin, thuốc)... thì việc tiêm adrenaline gần như là bước cuối cùng trong quy trình cấp cứu. Ngày nay, quan điểm cấp cứu đã thay đổi.

"Các bác sĩ cũng đừng ngại dùng thuốc chống sốc phản vệ khi gặp những trường hợp có dấu hiệu sốc. Với bệnh nhi có biểu hiện mạch nhanh, sốt cao, giảm tri giác, đó là những tiêu chuẩn liên quan đến phản ứng phản vệ. Việc tiêm thuốc chống sốc sớm, tiếp theo đó là các thuốc dị ứng, chống viêm... sẽ mang lại cơ hội cứu sống người bệnh nhiều hơn" - PGS Điển nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, cũng khẳng định tiêm vắc-xin là cách tốt nhất là phòng chống các dịch bệnh. "Tôi từng điều trị cho nhiều trẻ mắc bệnh do cha mẹ không tiêm vắc-xin hoặc chạy theo trào lưu "anti vắc-xin". Đó là những đứa trẻ mắc bệnh sởi bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong do trước đó không được tiêm vắc-xin. Việc điều trị cho một đứa trẻ mắc bệnh khá tốn kém, đó là chưa kể nếu được chữa trị thì sau đó sức khỏe cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

TPHCM: Tiêm vắc-xin ComBE Five sau Tết

Ngày 16/1, ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho hay TP đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm phòng vắc-xin ComBE Five. Từ ngày 18 đến 31/1, TP sẽ tập huấn chuyên môn tiêm phòng vắc-xin mới cho 319 phường, xã. Sau Tết sẽ triển khai tiêm cho trẻ. Các trẻ 20 tháng tuổi được tiêm lần đầu, sau đó sẽ triển khai mới tiêm bù cho trẻ khác để tránh sự quá tải.

Bình Định: Nhiều trẻ sốt cao, nhập viện

Tại Bình Định đã có 8.328 trẻ được tiêm vắc-xin ComBE Five. Trong đợt 1 (tháng 10/2018), 52 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (tỉ lệ 5,7%) ngay ngày đầu tiêm chủng nên sở đã tạm dừng tiêm chờ ý kiến Bộ Y tế. Đến đợt thứ 2 (từ ngày 25/12/2018), tỉnh ghi nhận khoảng 30 trường hợp nhập viện sau khi tiêm do sốt cao. Hiện các trường hợp này đều ổn và đã xuất viện.

Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, khuyến cáo không tiêm vắc-xin ComBE Five đối với trẻ tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước, hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Ng.Thạnh - Đ.Anh


Theo Ngọc Dung - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X