Hotline 24/7
08983-08983

Khó thở, ho khan là triệu chứng của bệnh gì, AloBacsi ơi?

Kết thúc ca trực tại BV, BS Lan Hương vội đến, có mặt tại văn phòng AloBacsi đúng giờ để ''đăng đàn'' trả lời thắc mắc của bạn đọc. Đón xem nội dung tư vấn từ 18g hôm nay, 16/12.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - BV Nhân dân Gia định

Nội dung buổi tư vấn của BS Thu Cúc với bạn đọc AloBacsi:

- Nguyễn Hoàng – Hưng Yên

Xin chào BS,

Tôi bị viêm dạ dày trào ngược. 1 tuần nay ho nhiều, khó thở, ho khan, chỉ có ít dịch nhầy màu trắng mắc ở cổ. Đặc biệt về đêm không thể ngủ được vì ho. Tôi đi khám ở TT Y tế huyện BS khám chỉ định viêm phế quản nhưng uống thuốc 1 tuần nay không khỏi. Mong BS tư vấn nên điều trị sao cho khỏi bệnh? Nếu tôi lên Hà Nội thì khám chuyên khoa hô hấp hay tai mũi họng và nên khám ở viện nào ạ? Cảm ơn BS.       

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào bạn, 

Tôi không rõ bạn bị trào ngược dạ dày thực quản có đang điều trị không và triệu chứng chủ yếu là gì.

Một số trường hợp viêm họng kéo dài là do dịch trò ngược từ dạ dày gây ra. Vì không thăm khám trực tiếp nên tôi khó có thể đưa ra chẩn đoán cụ thể. Theo như những triệu chứng hiện tại mà bạn mô tả bạn có thể đến khám chuyên khoa hô hấp để xác định chẩn đoán bạn nhé.

- tanggiap…@gmail.com

BS ơi cho em hỏi,

Tiếp xúc với người bệnh lao 10 ngày, có nguy cơ nhiễm lao không?

Trong nơi làm việc của bạn gái em gần đây có 1 thanh niên mới vào làm. Khoảng 10 ngày sau khi nhận việc mới biết được anh ta có nguy cơ mắc bệnh lao phổi, vì anh ta ho nhiều, đi khám thì BS nói rằng 50/50. Bạn gái em có làm chung với anh ta, thấy anh ta có ho, có ăn chung bát đũa, (đã rửa bằng nước), liệu bạn gái em có nguy cơ nhiễm lao không AloBacSi ơi? Xin cảm ơn AloBacsi.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Nước ta là nước thuộc vùng dịch tể Lao. Vi khuẩn Lao bay lơ lửng trong không khí và gây bệnh cho chúng ta khi cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng.

Tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại của em và bạn gái em đồng thời còn tùy thuộc vào người bệnh mà em cho là nguồn lây đang mắc Lao vi khuẩn âm tính hay dương tính.

Những trường hợp lao phổi BK đàm dương tính, hoặc đang trong giai đoạn điều trị tấn công thì khả năng lây lan cho cộng đồng sẽ tăng lên.

Đối với trường hợp của em, em có thể đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi ngờ hay người nhiễm lao, đồng thời người đang diều trị Lao hoặc đang nghi ngờ nhiễm lao cũng phải đeo khẩu trang.

Ăn uống đầy đủ chất, tập luyện thể dục để tăng sức đề kháng. Khi có các dầu hiệu như ho kéo dài, sụt cân, sốt về chiều, vả mồ hôi… thì nên đến BV để tầm soát lao em nhé.

- Ha Pham, 20 tuổi

Cháu có triệu chứng đau gần thắt tim, thở gấp, đau chừng vài phút. Đi khám được chẩn đoán bị vở van tim 3 lá 1/4. Gần đây cháu có bị lại, nhưng kèm theo triệu chứng khó nuốt khi ăn uống. Liệu có phải cháu bị trào ngược thực quản không? Cháu xin cám ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com 

Chào bạn,

Với kết quả siêu âm tim như trên tôi nhận thấy chức năng tim của bạn (EF bạn không đề cập đến) có lẽ bình thường. Độ tuổi của bạn không thuộc độ tuổi nguy cơ bệnh mạch vành, đồng thời bạn củng không có các yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì nên tôi ít nghĩ triệu chứng hiện tại là do nguyên nhân tim mạch.

Những triệu chứng này có thể do nguyên nhân thực thể củng có thể do nguyên nhân tâm lý. Bạn nên đến BV để kiểm tra sức khỏe tổng quát để xác định nguyên nhân bạn nhé.

- Trinh Duong – duongle…@gmail.com

Chào BS,

Mỗi lần đi khám BS cho cháu xét nghiệm máu thì chỉ số bạch cầu WBC đều tăng cao (11.50) và MO là (10.0). Cho cháu hỏi như vậy có bị sao không? Chữa trị như thế nào?   

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi không rõ nguyên nhân tại sao em lại xét nghiệm máu, bạn có triệu chứng gì hay không, những lần xét nghiệm này cách nhau bao lâu, vì còn thiếu nhiều thông tin, nên nếu có thể em cung cấp thêm thông tin cũng như hình ảnh những xét nghiệm mà em đã thực hiện để tôi có thể tư vấn tốt hơn cho em.

- Đình Huấn – dinhhuan…@gmail.com

Chào BS,

Con có một số vấn đề cần BS tư vấn về bệnh lý ở tuyến giáp.

Thời gian gần đây con thấy có biểu hiện nuốt hơi khó ở cổ. Vì sợ bướu cổ nên con đã đi siêu âm và làm xét nghiệm máu ở BV Hòa Hảo. Sau khi siêu âm vùng cổ có kết luận như sau: Tuyến giáp: không to, mô giáp hai thùy có ECHO dày đồng dạng, không có nhân giáp, mạch máu nuôi mô giáp trong giới hạn bình thường. Tuyến mang tai và tuyến dưới hàm 2 bên bình thường. Hạch cổ (-) Hệ mạch cảnh và thực quản cổ bình thường.

Kết luận: vùng cổ bình thường.

Về xét nghiệm máu: Chỉ số TSH u.sensitive (3rd G) là 0,651. Chỉ số Free T4 là 2,09 H. Sau khi có kết quả xét nghiệm BS nói chỉ số Free T4 hơi cao và nói con ngưng ăn iot, sau đó nói thêm một số loại thực phẩm có iot nhiều con không nên ăn như: hải sản, rau câu, muối iot...

Vì thời gian BS thăm khám ngắn nên một số thông tin con chưa được rõ và còn khá lo lắng. Về nhà con chỉ ăn cơm và rau củ quả không nêm gia vị nên khá khó ăn, con không dám ăn thịt cá, trứng, sữa, nước mắm, muối, khoai tây... vì con tìm hiểu trên mạng và được biết các loại thực phẩm đó có chứa iot. Hiện tại con khá ốm, con cao 1m74 cân nặng 52 kg (cách đây 3 tháng con bị gãy xương góc hàm phải mổ nên bị sụt 4kg và cân nặng vẫn chưa hồi phục) nên ăn thiếu chất như dậy nữa làm con rất lo lắng.

Con muốn hỏi Bác sĩ là những chỉ số siêu âm và xét nghiệm như trên, hiện tại con đang bị gì và con có nguy cơ bị bướu cổ hay các bệnh khác không ạ? Sau bao lâu con nên làm các xét nghiệm lại để kiểm tra? Các thực phẩm con không được ăn, các thực phẩm phải ăn ít, và các thực phẩm con được ăn bình thường? Nếu không ăn muối iot thì con có thể ăn muối thường được không ạ? Xin BS giải đáp giúp con. Con xin chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Theo kết quả xét nghiệm mà em cung cấp tôi nhận thấy em không có bệnh lý tuyến giáp (siêu âm tuyến giáp không phát hiện bất thường, TSH, Free T4 củng nằm trong giới hạn bình thường) vì vậy em có thể ăn uống trở lại như thường ngày.

Vấn đề hiện tại là tìm nguyên nhân gây ra tình trạng nuốt khó của em. Có khá nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như nguyên nhân chèn ép từ bên ngoài, nguyên nhân tai thự quản bao gồm u thực quản, loét, hoặc bệnh lý rối loạn vận động thực quản… em có thể đến khám BS Nội tiêu hóa để xác định nguyên nhân em nhé.

- Lê Hà, 21 tuổi

Cháu chào BS,

Một năm trước cháu có dùng 2 đợt kháng sinh để điều trị viêm đường tiết niệu. Các thuốc kháng sinh cháu đã dùng là Flovanis (Levofloxacin) - Markaz 500 và Augmentin (amoxicillin) - Tavanic sau khi sử dụng cấy vi khuẩn đã hết.

Nhưng 4 tháng trước cháu phát hiện bị viêm hang vị và phình vị dạ dày HP dương tính qua nội soi. BS có kê cho chấu đơn thuốc Augmentin 1g - 10 ngày, Klacid 500mg - 10 ngày, Gastropulgite, Nexium. Sau đó sau hơn 3 tháng cháu mới đi soi kiểm tra lại thì còn viêm hang vị mức độ nhẹ nhưng BS lại không làm test HP nên không biết hết chưa. Cháu được kê thêm 1 đơn nữa gồm Keobton (Levofloxacin) 500mg - 10 ngày, Remeclar (clarithromycin) 500mg - 10 ngày, Regulacid 40mg 14 ngày.

BS cho cháu hỏi nội soi lại mà vẫn còn vết viêm hang vị mức độ nhẹ mà không test HP thì có thể nói còn HP không? Các kháng sinh điều trị dạ dày cháu dùng lần 1 và 2 cùng tên với kháng sinh cháu dùng điều trị viêm đường tiết niệu 1 năm trước thì liệu điều trị HP còn hiệu quả không?

Và cho cháu hỏi thời gian khi hết thuốc 3 tháng rồi sau đó cháu mới đi nội soi lại liệu có đúng quy định và có nên nội soi lại để xem đã hết HP không ạ? Hiện tại cháu vẫn còn khó chịu dưới xương ức và hít thở vào khó khăn.

Cháu xin cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Sau khi điều trị, nội soi kiểm tra cho hình ảnh vẫn còn viêm hang vị điều này không nói lên em vẫn còn nhiễm H.pylori.

Có hai nhóm xét nghiệm để chẩn đoán H.pylori: xét nghiệm xâm lấn và xét không xâm lấn, các xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Trong đó xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán H.p (lấy máu làm xét nghiệm) chỉ có giá trị khi em chưa tùng điều trị H.p, vì sau khi điều trị thì lượng kháng thể vẫn tiếp tục tồn tại tong máu từ 12 - 18 tháng, xét nghiệm này không có ý nghĩa trong xác định bệnh nhân đã điều trị tiệt trừ Hp thành công hay không.

Trong theo dõi điều trị có hai xét nghiệm có thể thực hiện CLO test và test hơi thở. CLO test là xét nghiệm được  thực hiện trong lúc làm nội soi dạ dày, vì vậy rất có thể kết quả này vẫn dương tính khi em làm nội soi kiểm tra, nên BS mới tiếp tục điều trị bằng phác đồ khác cho em.

Hai xét nghiệm trên nên thực hiện khi ngưng thuốc nhóm PPI ít nhất 2 tuần và ngưng kháng sinh 4 tuần sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Nếu vẫn còn triệu chứng em có thể tái khám Bs chuyên khoa Nội tiêu hóa để tiếp tục điều trị em nhé.

- Hồng Ngọc – Vũng Tàu

Thưa BS,

Vợ tôi năm nay 46 tuổi thường hay mất ngủ, nhiều khi năm xem TV cũng ngủ được 1 tí nhưng nhiều lúc trằn trọc đến 1-2 giờ sáng mới chợp mắt được tí khoảng hơn 4 giờ là thức luôn; và cũng có đêm thức trắng tới sáng. Tuy nhiên, cũng chưa chữa trị gì vì cho rằng đó là dấu hiệu tiền mãn kinh.

Cách đây 2 tháng, có đi khám Tiêu hóa, BS nội soi với kết quả HP(+), cho uống thuốc 4 tuần và ngưng thuốc 1 tháng tái khám (thổi bong bóng) xét nghiệm lại. Ngày 5/12 vùa qua, xét nghiệm lai vân còn HP nên BS cho thuốc về uống như sau:

1. Esomeprazol 40mg (Topenti): ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên, trước ăn sáng - chiều 30 phút.

2.Levofloxacin 500mg (Celevox): ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên, sau ăn sáng - chiều 30 phút.

3. Amoxicillin 500MG (Mekophar): ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên, sau ăn sáng - chiều.

4. Bacillus (Enterogermina): ngày uống 1 lần, mỗi lần 1 ống cách xa thuốc số 2 và 3.

Tuy nhiên, 2 hôm nay vợ tôi bi thêm 01 triệu chứng là nhìn ai chỉ thấy rõ nửa khuôn mặt của người đó; nửa khuôn mặt còn lại không nhìn rõ. BS cho tôi hỏi vợ tôi bị gì? Có phải tương tác thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc không? Cách điều trị như thế nào? Nên khám chuyên khoa nào? Xin chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các thuốc mà vợ bạn đang sử dụng không có tác dụng phụ cũng như không tương tác thuốc để gây ra triệu chứng bất thường. Triệu chứng mà vợ bạn đang mắc phải có thể do nguyên nhân tại mắt cũng có thể do bệnh lý thần kinh. Trước tiên bạn nên đưa vợ đến khám BS chuyên khoa mắt để được kiểm tra bạn nhé. Nếu không phát hiện bất thường có thể đến khám BS Nội thần kinh để tìm nguyên nhân và điều trị.

- Lê Văn Bước – Long An

Thưa BS,

Em hay bị sốt về chiều là bệnh gì ạ? Em đã đi khám và truyền nước, người ta kêu là bị sốt siêu vi mà sao lâu không thấy khỏi. Mong BS tư vấn.   

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Nhiễm siêu vi thường tự giới hạn trong 7 ngày, ít khi sốt về chiều. triệu chứng sốt về chiều, sốt kéo dài, sụt cân, ho kéo dài là một trong những dầu hiệu của nhiễm lao. Em nên đến BV để kiểm tra và xác định nguyên nhân em nhé.

- Manh Tran - manh…@gmail.com

BS ơi, em bị sốt xuất huyết còn bị đau mộng răng. Em muốn ngậm alpha choay kháng viêm cho đỡ đau có được không ạ?

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Alpha chymotrypsin là thuốc kháng viêm, ít có tác dụng phụ, em có thể dùng được, nhưng thuốc này không có tác dụng giảm đau. Vấn đề ở đây là em nên đến khám BS Răng hàm mặt để tìm nguyên nhân gây đau răng, từ đó có hướng điều trị cụ thể cho em. 

- Thanh Dong – lethanh…@gmail.com

BS ơi,

Em bị huyết áp, mà gần đây em bị đau vòng ngực nữa. Năm nay em 20 tuổi. Cho em hỏi đó là bị gì ạ?

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin mà em cung cấp em bị huyết áp nhưng không rõ là tăng huyết áp hay hạ huyết áp. Nếu em bị tăng huyết áp ở độ tuổi 20 thì tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa tim mạch để tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp, vì nhiều khả năng tăng huyết áp có nguyên nhân thứ phát em nhé.

- Hai Nguyen, 21 tuổi

Chào BS,

3 ngày nay cháu tự nhiên đau toàn vùng ngực, đau cả ngày kể cả lúc ho và thở cũng đau. Kèm theo đau đầu và sốt. Cháu uống Panadol 2 ngày nhưng không khỏi. Đi khám, BS cho xét nghiệm máu, đo huyết áp và điện tim... BS bảo máu và huyết áp bình thường, nhưng nhìn vào kết quả điện tim BS chẩn đoán bị thiếu máu cơ tim và cho thuốc về uống.

Cùng ngày đi khám về cháu lại dị ứng ở chân và tay. Như vậy có phải cháu bị thiếu máu cơ tim không ạ? Làm thế nào để biết kết quả chính xác nhất ạ? Cháu rất lo.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Dị ứng tay chân không phải là triệu chứng của bệnh lý mạch vành. Hơn nữa độ tuổi của em lại không phải độ tuổi nguy cơ của bệnh mạch vành, đồng thời triệu chứng đau ngực cũng không điền hình, vì vậy tôi ít nghĩ đến nguyên nhân đau ngực do bệnh mạch vành. Nên tìm nguyên nhân khác gây triệu chứng này.

Em có thể đến BV khám Nội tổng quát hoặc khám chuyên khoa tim mạch để tìm nguyên nhân em nhé.

- Thuy Trang

Thưa BS,

Mẹ em 42 tuổi, đi khám BS chuẩn đoán là u nhú thực quản 1/3 giữa viêm dạ dày. Mẹ em thường ăn mật ong với nghệ vào buổi sáng, kèm theo uống thuốc điều trị của BS thì có ảnh hưởng gì không ạ? Em cảm ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào em,

Mật ong trộn nghệ được cho là có tác dụng trong điều trị bệnh loét dạ dày, nhưng chưa có nghiên cứu hay thông tin cụ thể nào chứng minh điều này, đồng thời cũng không rõ có tương tác thuốc với các thuốc đang dùng hay không. Vì vậy theo tôi mẹ em nên lựa chọn 1 phương thức điều trị hoặc Đông y hoặc Tây y để theo dõi điều trị dễ dàng hơn. 

- votuoi…@gmail.com

Chào BS,

Khoảng 2 tuần gần đây tôi có đau phần hông bên phải và đau xương cả chân phải luôn. Mỗi khi làm nặng hay khom lưng xuống thì rất là đau. Tôi cũng hay đi tiểu nhiều lần cả đêm lẫn ngày và thấy có màu vàng sậm. BS hãy tư vấn giúp tôi có khả năng mắc bệnh gì? Cần đi khám về cái gì thưa BS? Và có phải siêu âm chụp hình gì không ạ? Cảm ơn BS rất nhiều!           

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo như triệu chứng mà bạn mô tả bạn đang bị đau hông phải lan xuống chân phải, đau tăng khi vận động, đặc biệt là khi khom lưng, từ những triệu chứng này tôi nghĩ bạn có thể bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh. Bạn có thể đến khám BS chuyên khoa cơ xương khớp để xác định nguyên nhân nhé.

- Bao Phan – vubao…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Tôi có người bạn cách đây gần 10 năm có đi xét nghiệm HIV tại Pasteur. Kết quả BS bảo bị nhiễm HIV và viêm gan siêu vi B. Từ đó đến nay bạn tôi không dùng thuốc gì, chỉ tập luyện thể thao, gym và bơi lội. Sức khỏe rất tốt. Cao 173. 68kg. Có 1 năm bạn tôi ăn chay trường sức khỏe vẫn vậy.

Vài tháng gần đây sức khỏe của bạn ấy có vấn đề. Chỉ trong vòng 2 tháng bạn ấy đột ngột sụt 6kg, hay bị tiêu chảy liên tục. Nhìn bạn ấy ốm hẳn ra. Giờ bạn ấy rất buồn. Tôi xin hỏi BS, giờ đưa bạn ấy đi xét nghiệm lại và điều trị ở đâu thích hợp? Xét nghiệm lại thì phải xét nghiệm cái gì?

Tuy gần đây bạn ấy bị sụt kg nhưng vẫn đi gym và bơi lội bình thường. Vết thương trầy xước không dùng thuốc cũng tự khỏi. Vậy bạn ấy sụt cân do đường ruột không tốt hay do tác động của bệnh HIV? Bạn ấy đang lo lắng chỗ đó nên không biết khám gì cho phù hợp. Xin AloBacsi tư vấn giúp dùm.

Mỗi lần ăn thức ăn không tốt là bạn ấy bị tiêu chảy, ngày 4-5 lần. Uống thuốc trị tiêu chảy thì ngưng, qua vài ngày thì bị lại. Đó là nguyên nhân bạn ấy bị sụt kg do mất nước.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khi nhiễm virus HIV hệ miễn dịch củ cơ thể sẽ bị suy giảm dần, dễ mắc bệnh. Tiêu chảy kéo dài và sụt cân là một trong những dấu hiệu bệnh tiến triển, chuyển giai đoạn. bạn có thể khuyên người bạn này đến khám tại BV nhiệt đới để được theo dõi điều trị bạn nhé.


- Tuan Pham -  phamtuan@gmail.com

Chào BS,

Kính mong BS tư vấn cho em ạ.

Sau khi có kết quả xét nghiệm em được BS tư vấn trường hợp của em có 2 cách giải quyết:

1 là truyền dịch ( 817000 /1 lần truyền); 2 là loc mau (1600000/1 lần lọc). Do điều kiện kinh tế, mong BS tư vấn dùm em có cách nào đỡ tốn kém mà lại hiệu quả không ạ? Em xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo như những kết quả xét nghiệm mà bạn cung cấp tôi nhận thấy bạn đang nhiễm viêm gan siêu vi B. Men gan không tăng, chức năng gan bình thường, nồn độ siêu vi cũng chưa đạt đến ngưỡng cần phải điều trị.

Tôi không rõ hai phương pháp điều trị mà bạn đang nhắc đến là gì, có phải để điều trị viêm gan siêu vi B không, bạn nên trao đổi lại với BS điều trị để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh củng như cách điều trị và theo dõi bệnh bạn nhé.


                                                                    
Đây là chương trình tư vấn sức khỏe phục vụ cộng đồng - hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates - Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn gửi câu hỏi bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Gửi câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh online

+ Gửi đến email: tuvan@alobacsi.vn

+ Gọi điện thoại trực tiếp đến số 0976 328 725 hoặc 08 66 800 367 (từ 17 - 19g từ thứ 2 đến thứ 7).

Trân trọng


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X