Hotline 24/7
08983-08983

Khi thầy thuốc học từ… thất bại

Thay vì đề cập những ca điều trị thành công hay báo cáo những con số đẹp đẽ sau một năm làm việc, hội nghị quốc tế Bệnh tim cấu trúc và bẩm sinh lần thứ 8 do hội tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM tổ chức ở Đà Nẵng tuần qua lại nói về… biến chứng và thất bại.

Một ca can thiệp tim mạch tại bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: CG.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TPHCM, cho biết chủ đề này đã có ở một số hội nghị trên thế giới, luôn thu hút sự quan tâm của người tham gia, nhưng lần đầu tiên nó mới xuất hiện ở nước ta.

“Không ít người vẫn cho rằng nghề bác sĩ là không thể thất bại, nhưng suy nghĩ đó không đúng. Phương pháp điều trị nào cũng có thể có biến chứng hoặc sự cố ngoài ý muốn, chưa kể là con người, người thầy thuốc vẫn có thể phạm sai lầm. Tuy nhiên, nhờ thất bại và sai lầm mà y học ngày nay mới phát triển”, anh nói.

Nhưng khác với những hội nghị đâu đó, hội nghị của hội tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM lần này dành trọn ba ngày để chỉ nói muôn mặt thất bại khác nhau trong điều trị bệnh tim bẩm sinh từ phẫu thuật đến can thiệp. Đó có thể là một ca mổ tim tốt đẹp, nhưng bệnh nhi lại gặp sự cố sau đó do nhiễm trùng hay chăm sóc hậu phẫu không sát sao; hoặc những ca rớt dù hoặc trôi stent khi can thiệp do khảo sát kỹ thuật chưa đúng, hoặc tay nghề bác sĩ chưa vững vàng.

Theo PGS.TS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa tim mạch bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm nước ta có khoảng 15.000 trẻ chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng nhiều ca lại không được chẩn đoán và phát hiện sớm, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn khoảng 90% trẻ sơ sinh mắc bệnh tim nặng ở khoa hồi sức (ICU) không được phát hiện trong thời gian mẹ mang thai, chưa kể ở nhiều bệnh viện nhi đồng, hồi sức tim mạch vẫn ghép chung với hồi sức ngoại tổng quát, nên khó đáp ứng chăm sóc chuyên biệt cho trẻ bệnh tim và dễ dẫn đến sự cố.

Trong khi đó, bác sĩ Ngô Kim Thơi, phó khoa ngoại bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ở nước ta bác sĩ và điều dưỡng phẫu thuật tim mạch nhi chưa được đào tạo bài bản từ trường học, ngoài ra không nhiều người theo đuổi lĩnh vực này vì môi trường làm việc vất vả, căng thẳng nhưng đãi ngộ lại chưa tương xứng.

Phát triển mạnh trong một thập kỷ trở lại đây, can thiệp tim mạch nhi được xem giải pháp điều trị thay thế bệnh tim bẩm sinh, giúp giảm tải loại bệnh này ở nhiều bệnh viện, nhanh chóng mang lại cuộc sống chất lượng cho bệnh nhi. Ngày nay, nhiều dị tật tim được xử trí nhanh chóng, nhẹ nhàng chỉ bằng dụng cụ và thủ thuật, vì thế bệnh nhân có thể xuất viện trong 1 - 2 ngày và không còn chịu cảnh mổ xẻ đau đớn, phức tạp như trước đây.

Bởi thế không lạ gì khi các trung tâm can thiệp tim mạch mở ra ngày càng nhiều. Nếu đầu những năm 2000, cả nước chỉ có 2 - 3 trung tâm ở Hà Nội và TPHCM, thì đến nay con số này lên đến cả trăm và có ở nhiều địa phương. Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng các bác sĩ tim mạch can thiệp, trong đó có bác sĩ can thiệp tim bẩm sinh. Nhưng theo PGS Minh Phúc, số lượng bác sĩ nhiều nhưng chất lượng như thế nào vẫn là điều cần bàn.

Theo TS.BS Lê Trọng Phi, chuyên gia tim mạch nhi Cộng hoà Liên bang Đức, một trong những giải pháp để phát triển bền vững tim mạch can thiệp tại Việt Nam là chia sẻ dữ liệu giữa các trung tâm với nhau và huấn luyện nâng cao các bác sĩ trẻ. Ông nói: “Mỗi lần về nước tôi càng mừng khi nhìn thấy sự hợp tác, đoàn kết giữa các trung tâm ngày càng chặt chẽ và tinh thần ham học của bác sĩ trẻ được nâng cao”.

Tổ chức một hội nghị chuyên đề về biến chứng trong can thiệp bệnh tim bẩm sinh, cũng là một giải pháp giúp nâng cao chất lượng tim mạch can thiệp nhi khoa Việt Nam. Hơn 200 chuyên gia tên tuổi quốc tế và Việt Nam đã có mặt để phân tích, mổ xẻ những ca biến chứng cũng như giải pháp để vượt qua. Bên cạnh đó, hàng chục ca can thiệp điều trị thất bại cũng được các bác sĩ chia sẻ, điều mà họ gọi là… “ác mộng nghề nghiệp”.

Thất bại nghề nghiệp không miễn trừ ai, từ bác sĩ trẻ đến chuyên gia kỳ cựu, từ bác sĩ các nước đang phát triển đến chuyên gia các nước phát triển.Thú vị hơn, ban tổ chức còn tiến hành một cuộc thi giữa đại diện chín quốc gia châu Á về cách xử trí và giải quyết những ca thất bại.

Nữ bác sĩ trẻ L.Ja Yung, bệnh viện Nhi đồng Yankin tại TP Rangon, Myanmar, chia sẻ: “Chủ đề hội nghị năm nay rất hấp dẫn và tôi đã học hỏi được nhiều điều từ thất bại của đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau”. BS Yung cũng chia sẻ thất bại mà mình và đồng nghiệp mắc phải cách đây ba năm. Đó là một em bé từ Singapore đến Myanmar can thiệp tim mạch, sau khi khoẻ mạnh và xuất viện về nhà, đột nhiên em bị tiểu ra máu. Quay lại Myanmar xử lý, tình trạng vẫn không cải thiện và em bé phải được phẫu thuật để lấy thiết bị trong tim ra ngoài.

Không dễ gì chia sẻ thất bại của mình cho người khác, nhất là với đồng nghiệp, nhưng khi nói ra và thừa nhận, người ta đã học được nhiều điều và lớn lên. Năm 2006, một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Journal of General Internal Medicine cho thấy “việc bác sĩ nói đầy đủ với bệnh nhân về sự cố y khoa mắc phải sẽ giảm khả năng bệnh nhân thay đổi bác sĩ, cải thiện sự hài lòng của bệnh nhân, gia tăng niềm tin của bệnh nhân vào bác sĩ, và dẫn đến nhiều đáp ứng cảm xúc tích cực hơn”.

Theo Bình Yên - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X