Hotline 24/7
08983-08983

Khi rửa tay vẫn... xa vời

Đến thời điểm này, 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai đều đã có người mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM).

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng Lào Cai, bệnh TCM tiếp tục bùng phát tại các địa phương. Tính đến ngày 26/3, Lào Cai ghi nhận 479 ca mắc TCM, rải rác ở 64 xã thuộc 9/9 huyện, thành phố. Đã có 1 người tử vong ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng. Bệnh viện đa khoa (BVĐK) số 1 Lào Cai là nơi điều trị nhiều bệnh nhân TCM.

Nhiều trẻ mắc TCM

BS Nguyễn Mạnh Đức - Trưởng khoa Truyền nhiễm - BVĐK số 1 Lào Cai cho biết, vào thời điểm này năm 2011 hầu như không có bệnh nhân TCM nào vào điều trị thì nay bỗng tăng đột biến. Cao điểm có ngày có tới 20 - 30 bệnh nhân nhập viện cùng một lúc. Nơi có số trẻ mắc TCM nhiều là thành phố Lào Cai (tập trung ở các phường: Kim Tân, Duyên Hải, Cốc Lếu, Phố Mới, Bắc Cường), huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Sa Pa.

Khoa Truyền nhiễm chỉ có 20 giường, nhưng số bệnh nhân TCM luôn chiếm trên một nửa, thậm chí có ngày kín giường. Nhiều khi bệnh nhân vào ồ ạt, phải nằm ghép. Khoa đã phải kê thêm 6 giường ngoài hành lang và chuyển những bệnh nhân mắc các bệnh viêm gan B, sốt virut, quai bị, thủy đậu sang điều trị “nhờ” tại Khoa Nội.
 
Bệnh nhân điều trị TCM ở BVĐK số 1 Lào Cai
 
Khi chúng tôi tới, cháu Vũ Minh Tuấn 16 tháng tuổi ở xã Cốc San, huyện Bát Xát thiêm thiếp trong tay mẹ. Cháu nhập viện chiều 7/3 trong tình trạng sốt cao, tay, chân và vùng hậu môn nổi nhiều mụn nước. Sau 3 ngày điều trị tích cực, cháu Tuấn đã hạ sốt, nhưng các nốt mụn đỏ ở bàn tay, bàn chân... vẫn còn lấm tấm.
 
Cùng phòng có cháu Nguyễn Minh Châu 16 tháng tuổi ở phường Cốc Lếu - thành phố Lào Cai. BS Nguyễn Mạnh Đức cho biết, cháu Châu nhập viện khi toàn bộ mặt, bàn tay, bàn chân và vùng mông đã nổi nhiều mụn nhỏ màu đỏ. Bệnh nhân này đã từng được mẹ tự điều trị tại nhà 2-3 ngày trước đó, nhưng không khỏi. Hiện bé vẫn sốt cao, mụn đỏ mọng nước nổi rõ hơn trên mặt da...

Nhân lực, cơ sở vật chất đều thiếu

Đây là bất cập mà Khoa Truyền nhiễm - BVĐK số 1 Lào Cai phải chấp nhận trong nhiều năm qua. BS Đức cho hay, do khoa chỉ điều trị cho những bệnh nhân lớn, lại không có bác sĩ đào tạo chuyên sâu về truyền nhiễm nhi... nên khi có trẻ mắc TCM nặng thì khoa hoàn toàn “bí”, phải mời bác sĩ các khoa: Nhi, Sản và Hồi sức cấp cứu xuống cùng hội chẩn. Đối với những bệnh nhân TCM cần thở máy, Khoa Nhi phải cử bác sĩ và điều chuyển máy thở xuống để Khoa Truyền nhiễm sử dụng.
 
Thống kê của BVĐK số 1 Lào Cai cho thấy, từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân TCM. Rất may, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều ở độ 1 và độ 2a, nên chưa phải dùng đến thuốc đặc hiệu imaglobin.
 
Để đáp ứng tốt nhu cầu điều trị bởi bệnh TCM có thể gia tăng trong thời gian tới, đề nghị Sở Y tế cần mở thêm nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở về cách nhận biết và điều trị bệnh TCM, đặc biệt tập huấn thêm các bệnh liên quan đến dịch bệnh trẻ em cho các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm. Đồng thời hỗ trợ Khoa Truyền nhiễm - BVĐK số 1 Lào Cai 2 máy thở chuyên nhi.

Để hạn chế lây lan trong cộng đồng, Sở Y tế Lào Cai đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc TCM trên địa bàn, cử các đoàn chống dịch xuống cơ sở xử lý triệt để ổ dịch. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, tăng cường kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả trường hợp bệnh nặng từ độ 2a trở lên, đặc biệt giám sát chặt chẽ các trường hợp chuyển độ sau nhập viện.
 
Tuy nhiên, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, thói quen rửa tay và vệ sinh cá nhân của đồng bào còn kém nên nguy cơ bệnh TCM bùng phát thành dịch là lo lắng hiện nay của y tế Lào Cai. BS Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ, khi tham gia giám sát bệnh tại huyện, anh đã chứng kiến bác sĩ vừa là người điều trị vừa là người tuyên truyền viên về vệ sinh cho người bệnh và người nhà của họ. Tuy nhiên, đó là tại viện, còn khi về nhà, việc rửa tay thường xuyên của bà con lại bị coi nhẹ như trước!
 
AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X