Hotline 24/7
08983-08983

Khi nào nên tán sỏi niệu thận?

Sỏi phải trên 10mm, kèm các triệu chứng bí tiểu cấp, thận ứ nước nhiễm trùng, vô niệu do sỏi thì mới cần thiết phải can thiệp bằng các phương pháp như mổ, tán... Đây là thông tin do PGS.TS. BS Nguyễn Văn Ân, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM chia sẻ trong buổi hội thảo "Bệnh lý sỏi đường tiết niệu và các phương pháp điều trị hiệu quả" tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Theo bác sĩ Ân, Việt Nam là nước nhiệt đới nắng nóng, người dân lao động ngoài trời nhiều uống không đủ nước làm cho nước tiểu cô đặc lại tạo thành sỏi. Chưa có thống kê chính thức nhưng số người Việt Nam mắc sỏi thận rất nhiều, 90% là sỏi không tan được.

Nhưng sỏi phải trên 10mm, kèm các triệu chứng bí tiểu cấp, thận ứ nước nhiễm trùng, vô niệu do sỏi thì mới cần thiết phải can thiệp bằng các phương pháp như mổ, tán...

Sỏi 5mm không gây đau, ứ nước thì uống 3-4 lít nước mỗi ngày và được bác sĩ cho uống thuốc theo dõi, sau 3-6 tháng thì tái khám. Những viên sỏi từ 5-10 mm, bác sĩ sẽ cho uống thuốc và theo dõi nội khoa chưa cần mổ.

Bệnh nhân đang được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tán sỏi ngoài cơ thể

Các chuyên gia y tế cho rằng, sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh lý về tiết niệu. Đây là loại bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, nhiễm trùng, ứ mủ, suy thận, thậm chí có thể tử vong và dễ tái phát.

Theo ước tính, tại Việt Nam có hơn 2,5 triệu người bị mắc bệnh sỏi niệu, tương đương 3% dân số, thường gặp ở độ tuổi từ 35-55. Khi mắc phải sỏi tiết niệu, người bệnh sẽ đau đớn và gặp phải những bất tiện trong cuộc sống

Ngoài thận, bất cứ cơ quan nào của hệ tiết niệu (niệu quản, bàng quang, niệu đạo) cũng có thể mắc sỏi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó điều trị. Để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát, cần bắt đầu từ nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu bắt nguồn từ lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt.

Bệnh thường có các triệu chứng như đau ở vùng bụng giữa xương sườn và hông, đau ở hông hay ở giữa lưng, cơn đau lan tỏa tới tận vùng bụng dưới. Đau đớn có thể kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Tiểu buốt, nước tiểu có mùi hôi hoặc có máu. Tắc nghẽn đường niệu: Đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn. Đi tiểu ra máu hoặc mủ: khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi. Sốt: người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.

Những người mắc các bệnh tiêu hóa, bệnh gút, bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian dài do các vi khuẩn làm tăng amôniăc và tăng độ pH, từ đó các chất phốt pho, magie, amon kết hợp với nhau tạo ra sỏi. Những người mắc sỏi thận do đặc điểm công việc phải ngồi nhiều, ít vận động và phải nhịn tiểu như nghề lái xe, phi công, công an, vận động viên do hoạt động mạnh ở tần suất cao gây mất mồ hôi, lượng muối tăng cao.

Để không mắc sỏi thận, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước lọc để nước tiểu không bị cô đặc lại. Nếu nước tiểu màu sậm đậm, nghĩa là cơ thể uống chưa đủ nước và ngược lại. Người dân không nên uống các loại nước ngọt có đường Fructose vì những loại nước này sẽ gây nên các bệnh thừa cân béo phì, sỏi thận... Ngoài uống nhiều nước, bác sĩ Hạnh còn khuyến cáo người dân hạn chế ăn mặn, ăn đủ canxi từ thực phẩm.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X