Hotline 24/7
08983-08983

Khi gia đình có người tự tử vì World Cup

Nguyên nhìn liếc nhìn vào màn hình lớn, rồi lại nhìn đám người đang hò reo bằng một ánh mắt vô hồn. Nỗi đau của mùa giải cách đây mười mấy năm lại nhức nhối trong lòng cậu…

Tôi lang thang trên phố sau một ngày đầy rẫy những thất bại. Bị khiển trách, bên đối tác thông báo phải bàn bạc lại về một số điều khoản trong hợp đồng, đến cuối ngày thì chiếc xe của tôi lại tự dưng chết máy… May là chỉ còn một đoạn ngắn nữa là về tới nhà. Coi như đi dạo một đoạn cho thư thái đầu óc.

Trái ngược với gương mặt thiểu não của tôi là tiếng hò reo không ngớt và sự hân hoan đang tràn ngập khắp con phố nhỏ. Cũng phải thôi, đang mùa World Cup mà, hình như cầu thủ nào đó vừa ghi bàn?

Tôi đứng khựng lại vì một dáng người quen quen, tôi dụi mắt để chắc mình không nhìn nhầm rồi cất tiếng gọi khẽ:
- Nguyên ơi! Là Nguyên phải không?
Chàng thanh niên trẻ quay lại nhìn tôi, sau một khoảng ngỡ ngàng ánh mắt cậu ta như bừng sáng.
- Nga! Là Nga “bún” phải không?

Tôi gật đầu. Không ngờ, giữa thành phố đông đúc này tôi được gặp lại Nguyên. Mới đó mà đã 16 năm rồi. Cách đây vài tháng, tình cờ tôi có được facebook của cậu ấy. Tôi vui vì cậu bạn thuở ấu thơ giờ đã trưởng thành. Đứng trước mặt tôi bây giờ không còn là cậu bé đen nhẻm, gầy gò năm xưa nữa. Nguyên đã trở thành một người đàn ông rắn rỏi.

Nguyên đề nghị tìm một quán café nào đó để ngồi trò chuyện một lát. Đã lâu không về khu phố nhỏ, Nguyên muốn hỏi thăm xem mọi người giờ ra sao. Tôi gật đầu đồng ý.

Dù đã cố tình chọn một quán café trong ngõ, nhưng sự náo nhiệt của World Cup dường như vẫn cố đuổi theo chúng tôi. Đây đó, những tiếng hò reo, những tiếc thở dài tiếc rẻ, tiếng dằn mạnh cốc trên bàn, tiếng chửi thề… Tất cả những âm thanh đó hòa vào nhịp lăn của trái bóng tròn trên sân cỏ.

Tôi là một cô gái trầm lặng và chẳng hứng thú gì với thể thao, kể cả đó là môn thể thao vua như bóng đá. Lần gần đây nhất tôi xem đá bóng là trận chung kết giải U23 Châu Á có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam. Nói ra thì có vẻ to tát nhưng có lẽ sự tự hào dân tộc là thứ duy nhất khiến tôi ngồi lại trước màn hình TV bỏ ra gần 3 giờ để xem 22 anh chàng tranh nhau một trái bóng.

Nguyên nhìn vào màn hình TV, nhìn những người đang hò reo với anh mắt vô hồn. Có lẽ, cậu ấy là người đàn ông trẻ hiếm hoi không xem World Cup ở Hà Nội dù vẫn còn dư dả chút ít thời gian. Chắc Nguyên vẫn còn ghét bóng đá. Và World Cup gắn với nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời bạn tôi…

Sau mỗi trận đấu, có bao nhiêu người đã trắng tay?

Đó là mùa hè năm 2002, khi ấy chúng tôi mới 10 tuổi. Mới nghỉ hè được mấy hôm, chúng tôi đã thấy các ông bố hồ hởi bàn bạc lên kế hoạch xem đá bóng. Năm ấy, World Cup tổ chứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, không bị chênh lệch múi giờ như tổ chức ở châu Âu, nên chẳng có cảnh thức khuya xem bóng đá.

“Nhưng ban ngày các ông ngồi chăm chăm xem bóng đá thì lấy ai đi làm”. Đó là nỗi lo của các bà mẹ, trong đó có mẹ tôi. Nhưng 4 năm, mới có một mùa World Cup, chẳng ai nỡ cằn nhằn chồng mãi. Các mẹ, các cô cứ thế tặc lưỡi cho qua.

Chú Vĩnh, bố của Nguyên là người hào hứng nhất với World trong cái thị trấn nhỏ của chúng tôi khi ấy. Chú nói rằng sau mùa bóng này, chú sẽ xây căn nhà đẹp nhất phố cho vợ con.

Biết trong người chú có chút máu cờ bạc, nên ai nghe thấy thế cũng khuyên đừng dây dưa vào mấy trò đỏ đen. Giàu đâu không thấy, chỉ thấy tội nợ là nhiều. Nhưng chú Vĩnh chỉ cười nhạt. “Không có gan lớn thì biết bao giờ giàu”.

Mấy trận đầu, chú thắng cá độ nhiều lắm thì phải. Bữa nào tôi cũng thấy Nguyên đi qua đi lại trước nhà tôi, hí hửng ăn kem. Đứa em gái lên năm của tôi khi ấy nhìn que kem của Nguyên với đôi mắt thèm thuồng. Từ đầu tháng, mẹ đã nói: “Tháng này bố không đi làm đều nên hai chị em không được đòi ăn quà liên tục đâu” . Đứa em gái của tôi im lặng, khẽ gật đầu với đôi mắt buồn.

Nhưng có một hôm, chú Vĩnh về nhà với gương mặt cau có. Nguyên vừa chạy tới gần bố thì nhận được sự bực dọc trút lên đầu: “Đi ra, tao đang mệt!”. Mấy hôm sau, hôm nào nhà Nguyên cũng xảy ra cãi vã. Mấy bác trong phố đồn rằng bố cậu ấy thua cá độ nhiều lắm.

Tối hôm đó, chú Vĩnh đi đâu cả đêm không về. Cô Hà, mẹ của Nguyên chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng tìm ở đâu cũng không thấy chồng. Giữa đêm hôm ấy, trời làm cơn mưa lớn, lòng người hình như cũng nổi bão giông…

Sáng hôm sau, khi cơn mưa rào vừa gột hết cái oi bức của mấy ngày hè thì cả phố nhận tin dữ. Người ta thấy xác chú Vĩnh nổi lên ở khúc sông gần thị trấn.

Căn nhà nhỏ của mẹ con Nguyên vang lên tiếng nhạc hiếu. Một bà góa và hai đứa nhỏ chưa kịp hết bàng hoàng thì một nhóm người xăm trổ đầy mình ào tới. Họ nói, chú Vĩnh thua cá độ hơn 500 triệu, chú có chết cũng đừng hòng thoát nợ…

Cô Hà phải bán căn nhà ở phố để trả nợ. Bán cả nhà rồi nhưng vẫn chưa hết nợ. Nhà đã không còn mà cô vẫn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vay mượn tiền. Sau đó, ba mẹ con dắt díu nhau vào Bình Phước nương nhờ người bác ruột. Nguyên rời khỏi phố bằng một cách xót xa như thế! Mùa bóng năm ấy trở thành kỉ niệm buồn của con phố nhỏ…

Nguyên nói với tôi rằng: sau từng đó năm, cậu ấy vẫn không thể xem được môn thể thao vua bóng đá. Mỗi lần liếc qua màn hình TV và thấy trái bóng lăn, Nguyên lại nhớ chuyện đau lòng của mùa hè năm ấy. Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai với mẹ con cậu, dù thời gian đã trôi qua. Mỗi mùa World Cup về lại nhắc nhở kỷ niệm đau đớn cũ. Vết thương lại nhức nhối như chưa từng lành lại.

Sao người ta không thể yêu môn thể thao vua bằng một tình yêu ban sơ không toan tính? Nếu ai cũng yêu trái bóng hồn nhiên như thế, tuổi thơ của bạn tôi có lẽ đã khác rồi…

Theo Thụy Oanh - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X