Hotline 24/7
08983-08983

Khi con trẻ hay 'cầm nhầm' đồ người khác

Mỗi khi thích vật gì, hầu hết trẻ con thường có xu hướng muốn chiếm làm của riêng. Đôi khi đó chỉ là sự ham thích nhất thời. Tuy nhiên, ông bà ta đã nói “Ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt”, còn ngạn ngữ có câu “Gieo thói quen gặt tính cách”.

Sự việc xảy ra cách đây đã hơn hai tháng. Lần đó khi tìm mượn cây bút, chị Ngọc phát hiện trong các ngăn cặp của cậu quý tử đang học lớp 2 khá nhiều dụng cụ học tập lạ, không phải là những thứ mà chị mua cho con. Hỏi ra mới biết, con chị lấy trộm của các bạn cùng lớp, chỉ vì thích chứ hoàn toàn không có nhu cầu cần đến. Chị đã liên lạc với cô giáo chủ nhiệm để thu xếp xử lý ổn thỏa. Cháu đã trả lại đồ dùng cho các bạn và hứa với mẹ, với cô không còn tái phạm nữa.

Anh Nam cũng từng lâm vào hoàn cảnh tương tự với cô con gái 5 tuổi của mình. Hôm đó, hai cha con đi siêu thị, khi anh đang chờ tính tiền thì người quản lý bước ra, nói nhỏ với anh về việc con gái anh đang giấu một món đồ chơi trong áo khoác. Ngay lập tức, anh bắt con xin lỗi cô quản lý và mang món đồ chơi đó trả lại đúng chỗ ban đầu. Anh cho biết món đồ chơi ấy ở nhà cháu đã có. Anh phải ráng kiềm chế lắm mới không la mắng cháu nơi đông người. 

Khi phát hiện con trẻ "cầm nhầm" đồ của bạn, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu cặn kẽ, giải thích, đồng hành, điều chỉnh hành vi của con

Thực tế cho thấy, hành vi lấy đồ chơi hay đồ dùng học tập của bạn khá phổ biến ở trẻ. Thật ra ở lứa tuổi còn hạn chế về nhận thức, đôi khi các bé chỉ suy nghĩ đơn giản mình thấy thích thì mình lấy thôi. Các bé chưa phân biệt được món đồ đó thuộc quyền sở hữu của ai, không nhận ra rằng lấy đồ người khác là hành vi xấu. Nhiều trường hợp trẻ cũng biết không nên lấy đồ của bạn nhưng vì khả năng kiềm chế của trẻ còn thấp nên không cưỡng lại được sự thôi thúc ham thích của bản thân. 

Cũng có không ít trường hợp, cứ vào tiệm tạp hóa, siêu thị là trẻ phải đút túi một thứ gì đó. Có những thứ trẻ không có nhu cầu, lấy về cũng không bao giờ dùng đến nhưng cứ thấy thích lấy thì lấy.

 Nếu một hai lần hành vi của trẻ không bị phát hiện, trẻ sẽ coi chuyện lấy đồ người khác là bình thường. Trẻ sẽ yên tâm tái phạm thêm nhiều lần nữa. Từ hành vi vô ý chuyển thành hành vi cố ý rồi thành thói quen không bỏ được. Thói quen xấu này sẽ theo trẻ cho đến lớn có khi hết cuộc đời không bỏ được. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ hay cầm nhầm đồ đạc của người khác ngoài bị lôi cuốn một cách vô thức không thể cưỡng lại được, còn có một nguyên nhân tâm lý sâu xa mà cha mẹ cũng cần lưu ý. Đó là những đứa trẻ ít được cha mẹ, thầy cô giáo quan tâm hoặc thiếu thốn tình cảm gia đình… hành vi của chúng là để chống lại sự cô đơn, trầm cảm, u uất trong tận đáy lòng.

 Để tránh con trẻ rơi vào thói quen xấu ăn cắp vặt, cha mẹ cần theo dõi sâu sát con mình để kịp thời phát hiện những món đồ lạ mà con mang về. Khi phát hiện cần bình tĩnh tìm hiểu cặn kẽ, giải thích, đồng hành, điều chỉnh hành vi của con. Thái độ của cha mẹ cần nhẹ nhàng nhưng cương quyết và dứt khoát. Song song đó, cha mẹ cũng cần dành thời gian gần gũi, quan tâm, chia sẻ những băn khoăn, những mong muốn, nguyện vọng của con.

Thái độ của cha mẹ cần nhẹ nhàng nhưng cương quyết và dứt khoát.

Và đương nhiên, muốn dạy con ngoan, trước tiên, cha mẹ cần phải gương mẫu. Tránh tình trạng trẻ học tính xấu từ người lớn trong nhà.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Muốn dạy con ngoan, trước tiên, cha mẹ phải rất gương mẫu, phải rõ ràng về tính sở hữu. Đồ đạc của ai người đó sử dụng và không động chạm vào đồ của người khác. Cha mẹ càng rõ ràng minh bạch càng dễ dạy trẻ nghiêm túc về vấn đề này.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X