Hotline 24/7
08983-08983

Khi chúng ta già

Sao gia đình ngày càng là nơi gặp nhau thoáng qua, vội vàng, tẻ nhạt? Những dịp có mặt cùng nhau chỉ là bắt buộc, nếu không muốn nói là miễn cưỡng.

1. Một người đàn ông khá thành đạt khoe hình cả gia đình anh đang đi nghỉ mát, kèm theo ghi chú một năm đưa chúng đi chơi mấy lần, chẳng biết sau này già có đứa nào dắt mình đi không.

Nhiều người vào viết rằng bây giờ phải gắng cày kiếm tiền, để sau này thuê người giúp. Có người thẳng thừng, may mà chúng còn chịu đi với mình. Người đàn ông ấy xác nhận, ừ, mới đây thôi, mà giờ cũng phải năn nỉ thuyết phục dữ lắm mới có mặt được đủ đầy cả nhà thế này trong cùng một chuyến đi… Lại có người bảo, lúc ấy chúng còn bận đưa con của chúng đi chơi. Con chăm cha sao bằng bà chăm ông, hãy lo lấy lòng vợ, đặng sau này còn cậy nhờ.

Ai đó nói gắng sinh thêm con để sau này về già còn có người phụng dưỡng, lo hậu sự cho. Nhưng không ít người gạt đi cái quan điểm cũ xưa này, rằng phải “thủ” là tốt nhất, đừng có ở đó mà trông đợi vào con. Cứ chia nhà chia của cho chúng hết đi, rồi đinh ninh an phận sống với con, sau này có mà hối hận.

Khi chung ta gia
Ảnh minh họa: Internet

2. Tôi quanh năm đi làm, thi thoảng mới cảm cúm nhức xương một lần, mà vẫn thấy nhà cửa trống trải, thầm lo lỡ có đau bệnh gì chẳng biết phải kêu ai. Nói gì mẹ tôi, nay đã sáu mươi rồi. Mẹ sợ cảnh hiu quạnh, sợ con dâu đòi ra riêng, sợ con trai đi công tác vắng nhà… Mẹ thèm được lu xu bu trong bếp nấu cái này cái kia, réo điện thoại rủ rê cả con lẫn cháu, mong nhà cửa có dịp ồn ào…

Tôi biết mẹ mình cô đơn, nhưng cuộc sống bận rộn bên ngoài lại đầy sự quyến rũ của nó. Tôi hình dung cảnh mình giờ phải chăm con và mai này tiếp tục co ro giữ cháu, mà sợ! Thôi, chỉ mong chúng trưởng thành, tự lo cho bản thân và con cái của chúng, là mừng rồi.

Tôi có chị bạn, miệt mài học lái xe hơi, tự hạn định hai năm để thành thạo những cung đường lớn nhỏ gần gần, đặng đưa cha mẹ đi du lịch. Tôi ngưỡng mộ chị, bởi được mấy người con nghĩ nhiều cho cha mẹ như thế. Có lẽ chị ấy thấu hiểu rằng, người già hiếm khi muốn rời khỏi nơi sống của họ. Họ ngại xê dịch, cũng ít có cơ hội để gặp gỡ, tụ họp. Mà chị ấy cũng còn may, khi cha mẹ chịu khó “hợp tác” để cùng đi chơi đây đó, những người còn lại trong nhà cùng xúm lại sử dụng chung quỹ thời gian với cha mẹ…

3. Trong hẻm nhà tôi, có ông cụ đã gần tám mươi, bị lẫn, không còn nhận biết được người nào là ai. Con trai con dâu cả ngày đi làm, tối mịt mới về. Bọn trẻ học bán trú, chiều ở với người giúp việc. Ông cụ được “cất giữ” trong một căn phòng riêng ở tầng trệt, tới bữa thì người giúp việc mang cơm nước vào, dọn dẹp. Ở thành phố, lo được như vậy đã là tốt lắm rồi.

Thỉnh thoảng, người giúp việc nghỉ, phải đợi tìm thay người khác, lại thấy cô con dâu xin nghỉ phép, mặt mũi có phần nặng nề ra vô coi ngó chuyện nhà. Họa hoằn vào những ngày cuối tuần hay lễ tết, mới thấy anh con trai cỡ ngoài bốn mươi tuổi, vừa dùng sức vừa dỗ dành, kéo ông cụ đi chân không ra khỏi cửa, nhì nhằng vài bước trong ngõ hẻm, chắc là cho có chút nắng gió, hơi người. Ông cụ vừa ghì lại phản đối, vừa lầm bầm câu gì không rõ, giữa sự í ới của lũ trẻ con trong nhà ngoài phố, ngạc nhiên trước sự lạ quanh mình…

Tôi từng thấy cảnh cô con dâu của ông cụ ngồi tỉ mẩn lột quýt cho con ăn. Kiên nhẫn ngậm từng múi quýt để gỡ hột, rồi đút vào miệng thằng bé khảnh ăn, cứ chút chút là nó đẩy ra, không thèm. Gần đó, là con trai ông cụ, tức bố của thằng bé kia, cũng đang đút cơm chiều cho bố. Cứ một muỗng nhai thì một muỗng ông cụ phun ra, tung tóe đầy nhà…

4. Tôi vài lần bắt gặp trong chuyến du lịch, bọn nhóc chúi mũi vào điện thoại thông minh, chẳng buồn ngó ngàng gì đến cảnh vật như tranh bên ngoài chứ đừng nói gì đến trò chuyện, chia sẻ. Hình ảnh ấy, chắc ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến, chỉ là quen mắt quá rồi, thấy bình thường thôi. Kiểu như bữa cơm mà cái ti vi thì cứ ong ỏng nói, ai nấy nhìn lên xem, hôm nay mẹ nấu gì cho ăn cũng chẳng mấy bận tâm… Bây giờ còn thế, liệu sau này, khi chúng ta về hưu, chẳng biết làm gì hơn là ngong ngóng chờ cửa, mong bữa cơm cuối ngày đông vui, thì tình hình còn bi đát thế nào…

Sao gia đình ngày càng là nơi gặp nhau thoáng qua, vội vàng, tẻ nhạt? Những dịp có mặt cùng nhau chỉ là bắt buộc, nếu không muốn nói là miễn cưỡng. Khác thế hệ nên chẳng biết nói gì với nhau ư? Đâu đến mức đó. Càng chẳng phải là giận hờn, hay xung khắc gì. Chỉ là sự gắn kết, quan tâm của mỗi thành viên đều lỏng lẻo, vậy thôi…

Mươi năm trước mà nói với tôi chuyện mai này già, thấy nó xa xôi gì đâu. Nhưng giờ, khi con trai nhỏ của tôi vừa lên tám, tôi bỗng chạnh lòng, nghĩ bâng quơ, là khi nó lên đại học, rồi có bạn gái, tôi thành bà hưu trí hom hem, có phần ngớ ngẩn lãng tai mờ mắt nữa không chừng. Biết vậy, hồi đó mình kết hôn sớm, có khi hay hơn!

Giờ nhìn đâu gặp cảnh cha già con muộn đều khiếp. Bởi nơm nớp sợ đau bệnh, sợ cuộc sống bất trắc... Bên ngoài bao nhiêu cạm bẫy độc địa, mà con mình sao còn thơ dại quá. Đêm đêm ngắm hai đứa nhóc ngủ mà nghĩ nhiều về ngày mai. Khi mình già đi, yếu đuối. Như cha mẹ chúng ta bây giờ…

Theo Thùy Lâm - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X