Hotline 24/7
08983-08983

Khéo léo giao tiếp để hiểu con

Nói đúng lúc, nghe đúng kiểu sẽ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương.

Nuôi dạy con là thiên chức của các bậc cha mẹ. Cha mẹ thật sự hiểu con mới có thể giáo dục con cái hiệu quả bởi luôn có sự khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề giữa người lớn và trẻ em.

Để cha mẹ hiểu con
 
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học người Mỹ Scott Williams, để hiểu con, cha mẹ cần quan tâm tìm hiểu con mình trên các mặt sau:

- Tính cách của con: Bao gồm những hành vi và khuynh hướng thể hiện hành vi trong các tình huống hằng ngày và ổn định.

- Những giá trị của con: Là những điều con tin là quan trọng và có thể mang lại sự mãn nguyện, hài lòng cho con.

- Những thói quen của con: Là những điều được lặp đi lặp lại thường xuyên trong cách thức sống và sinh hoạt hằng ngày của con.

- Những nhu cầu của con: Là những điều con mong đợi, cần cho cuộc sống và cho sự phát triển của chính con.

- Những cảm xúc của con: Là những điều làm cho con cảm thấy vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ...

Nói chuyện với con
 
Nói chuyện với con là một quá trình giao tiếp “có cho có nhận”, là một quá trình nói và nghe. Để nói tốt, cha mẹ cần chú ý đến khả năng diễn giải vấn đề một cách rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với con. Để nghe tốt, cha mẹ cần thể hiện sự quan tâm, khích lệ và tôn trọng những điều con nói. Con trẻ sẽ học được cách nghe cha mẹ khi chính cha mẹ làm điều đó trước. Việc thể hiện sự lắng nghe tích cực nơi cha mẹ tạo thành một hình mẫu tốt cho trẻ.
 
 Tạo cơ hội nói chuyện cùng con. Ảnh minh họa: IE
 
Cha mẹ cần thật sự hiểu con, biết cách nói chuyện với con không theo quan điểm người lớn mà theo cách nhìn và quan điểm của con trẻ, từ đó đạt được hiệu quả giáo dục. Chuyên viên tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, đã có những trao đổi thú vị, hữu ích với các bậc phụ huynh về vấn đề này.

. Bé năm tuổi mang đồ chơi ra ngoài hành lang chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm. Khi vào nhà thì bé không mang đồ chơi vào. Cha mẹ sẽ nói gì với bé?

+ Phụ huynh không nên quát mắng (ví dụ: Mang đồ chơi vào ngay! Tại sao cứ đi chơi thì bỏ đồ ở ngoài?) mà nói sao cho con không phải lo lắng, không cảm thấy có lỗi (ví dụ: Con ơi mang đồ chơi vô cất).
 
Tất nhiên, không thể chấp nhận việc trẻ mang đồ ra chơi mà không mang vào cất, nhưng tức giận không có lợi trong sự giáo dục con. Ta không thể bộc lộ sự tức giận với con trong trường hợp này. Nếu cần, ta có thể giải tỏa với người khác (ví dụ nói với vợ (chồng) là mình đang bực mình).
 
Việc không mang đồ chơi vào cất của trẻ có thể là do thói quen hay quên. Vì vậy, ta cần tập cho bé thói quen cẩn thận như luôn nhớ rằng đồ chơi, vật dụng phải được đặt đúng chỗ, sắp xếp ngăn nắp, lấy ra dùng xong thì phải để lại chỗ cũ.
 
Nếu việc luyện tập này nhiều lần vẫn không có kết quả thì có thể bé đã gặp rắc rối về vấn đề chú ý hay vấn đề trí nhớ. Lúc này, phụ huynh nên đưa bé đến chuyên viên tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ thăm khám.

. Con trai 14 tuổi, đi học về thì vào thẳng phòng, nằm gác tay lên trán. Mẹ hỏi: Có chuyện gì đó con? Con quát lên: Không có chuyện gì hết. Con không muốn nói chuyện! Lúc này mẹ phải làm gì?

+ Tất nhiên, hành động hét to với mẹ là không thể chấp nhận được. Có hai khuynh hướng đánh giá trường hợp này. Một là cho rằng thằng này láo, rồi quát mắng, bắt bẻ... Cách này làm cho trẻ cảm thấy nhục, không trao đổi, có thể còn câng mặt lên chống đối...

Cách nghĩ thứ hai là cho rằng con vừa gặp phải một vấn đề buồn bực nào đó mà chưa có dịp hét lên để giải tỏa với ai hết, giờ có dịp giải tỏa nên bột phát ra thái độ trên; con đang mất bình tĩnh, cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Cha mẹ cần kìm nén nỗi bực tức, vượt qua sự la hét của con với mình.
 
Tùy theo tính cách của trẻ mà mẹ có thể ngồi lại vỗ về, an ủi; hoặc đi ra ngoài và bảo bây giờ con đang bực tức phải không, thôi thì khi nào con muốn nói chuyện thì ra gặp mẹ; hoặc nhờ cha trao đổi với con.

Giao tiếp với con có hiệu quả

Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, để giao tiếp với con một cách hiệu quả, cha mẹ cần:

- Nhận thức rằng không có một cách duy nhất đúng cho mọi trường hợp và cho mọi đứa trẻ. Mỗi trẻ cần có một cách thức giao tiếp khác nhau theo hướng phù hợp với từng trẻ cụ thể.

- Lắng nghe tích cực bằng sự yên lặng thật sự cả bên ngoài (ngưng nói) và bên trong (không định kiến, không suy diễn).

- Tạo ra những cơ hội để nói chuyện. Cha mẹ có thể nói chuyện với con bất cứ khi nào nhưng cần nhớ rằng con trẻ cũng có lịch riêng của chúng để chọn những thời điểm phù hợp nói chuyện với con. Một thời điểm phù hợp, thoải mái để nói chuyện với con chính là việc tạo ra cơ hội để trẻ bộc lộ.
 
Cha mẹ cần tôn trọng những sở thích của trẻ. Ảnh minh họa: PEDIASPEECH

- Vượt qua những khác biệt. Trẻ có thể có những suy nghĩ, quan điểm, ý kiến khác và thậm chí là trái ngược với cha mẹ. Do đó, cha mẹ cần chú ý đến mục tiêu của việc nói chuyện chính là để cho con có thể phát triển tốt nhất theo cách của chúng chứ không phải quan tâm đến chuyện con trái ý cha mẹ.

- Tránh phản ứng quá mức cần thiết. Trước hết, cha mẹ hạn chế tối đa việc la hét hay mắng chửi con. Điều đó chỉ mang lại sự tổn thương và thể hiện sự bất lực của cha mẹ. Phản ứng quá mức cần thiết của cha mẹ có thể làm cho đứa trẻ hoảng sợ và bối rối về những điều cha mẹ thật sự mong đợi.

- Nói về những điều quan trọng đối với con. Để buổi nói chuyện đạt hiệu quả cao nhất, cha mẹ cần phải quan tâm và nói về những điều chính đứa trẻ thấy quan trọng. Hãy nói về những điều con trải qua trong trường học, về những sở thích, thú vui của con, về những cảm xúc của con, những gì con muốn diễn ra trong gia đình, những điều mà con cho là có giá trị trong cuộc sống, những mơ ước và cuộc sống của cha mẹ như một sự chia sẻ và về những điều được mong đợi trong tương lai của chính con.

- Nói chuyện với thái độ nhân từ và tôn trọng. Trên tất cả, chính thái độ nhẹ nhàng, nhân từ, yêu thương, quan tâm và tôn trọng của cha mẹ sẽ giúp con cảm thấy tin tưởng và an tâm để nói chuyện với cha mẹ.

Những điều con cái mong muốn nơi cha mẹ

- Không thuyết giảng; nói chuyện một cách trung thực, ngắn gọn và ngọt ngào.

- Không thỏa hiệp.

- Không trấn áp hay làm cho con bị suy sụp tinh thần.

- Lắng nghe con chứ không phải chỉ nói và nói.

- Nếu phải nói về những sai sót của con cũng đừng la hét hay mắng chửi. Đừng làm cho con cảm thấy mặc cảm vì đã phạm tội tày đình.

- Đừng la hét, gào lên khi đang ở phòng này còn con thì ở phòng khác.

- Đừng hứa hẹn điều gì mà cha mẹ không thể làm.

- Đừng so sánh con với đứa trẻ khác. Đừng nói với bạn bè của con về con.

 Theo T.Trung - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X