Hotline 24/7
08983-08983

Khàn tiếng sau đốt nhân giáp có nguy hiểm không?

Câu hỏi

Chào AloBacsi, Em đốt sóng cao tần 4 nhân tuyến giáp (2 nhân bên phải và 2 nhân bên trái) được 2 ngày. Ngay trong quá trình đốt em bị khàn giọng, phù nề vùng cổ, hôm nay tình trạng phù nề đã hết nhưng giọng nói vẫn khàn đặc, nói không rõ từ và không thể nói to. Bác sĩ đốt cho em có dặn là dần dần sẽ nói lại bình thường nhưng em rất lo lắng, vì đọc được một số bài báo nói là dây thanh quản bị tổn thương, thậm chí là bị đứt thì sẽ gây ra tình trạng như vậy. Em nên làm gì bây giờ ạ, muốn kiểm tra tình trạng dây thanh quản thì kiểm tra ở đâu ạ? Em mong bác sĩ trả lời em sớm ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ.

Trả lời
Khàn tiếng sau đốt nhân giáp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Khàn tiếng sau đốt nhân giáp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Khàn tiếng kéo dài do tổn thương thần kinh quặt ngược thanh quản là một biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật cắt tuyến giáp. Trong khi đó phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) được coi là xu hướng mới trong điều trị bướu giáp nhân. Đây là phương pháp dùng dòng điện tần số cao để giảm kích thước các nhân tuyến giáp lành tính mà không cần phẫu thuật. Nhờ vậy không để lại sẹo ngang vùng cổ, tỷ lệ tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược rất thấp so với phẫu thuật, hầu như không gặp biến chứng của suy giáp, tránh nguy cơ phải uống thuốc hormon tuyến giáp suốt đời.

Sau phẫu thuật, mô mềm vùng cổ có thể phù nề nhẹ chèn ép vào dây thanh và thần kinh gây khàn tiếng tạm thời, cho tới hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy thần kinh bị đứt, do đó bạn không nên quá lo lắng.

Bạn nên nghỉ ngơi tịnh dưỡng để vùng tổn thương mau lành, giọng nói sẽ dần hồi phục. Nếu sau 2-3 tuần vẫn còn khàn tiếng thì nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để khảo sát thêm bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh nhân bị khàn tiếng sau mổ tuyến giáp có thể do các nguyên nhân sau:

- Do bệnh nhân bị tổn thương các cấu trúc vùng cổ có liên quan đến sự phát âm.

- Do dây thanh quản của bệnh nhân và các cơ vùng cổ bị phù nề, bị sưng tấy sau mổ.

- Do dây thần kinh điều khiển dây thanh của bệnh nhân bị tác động gây chèn ép.

- Với những trường hợp nhẹ, giọng nói của bệnh nhân sẽ phục hồi dần sau vài tuần, có khi mất vài tháng mới trở về (gần như) lúc bình thường.

- Do dây thần kinh điều khiển của dây thanh không may bị cắt đứt trong khi mổ phẫu thuật (trường hợp này hiếm gặp). Trường hợp này được coi là nặng nhất bởi nếu như cả hai dây thần kinh đều tổn thương, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu khó thở sau khi mổ, bị mất tiếng, khi uống bị sặc... Biến chứng này dẫn tới khàn tiếng sau mổ tuyến giáp và khó phục hồi trở lại.

Về cơ bản, tình trạng bị khàn tiếng sau khi mổ tuyến giáp sẽ tự động hết ở nhiều bệnh nhân. Thế nhưng với nhiều người khác, nó sẽ tái diện và cần được điều trị tích cực hơn. Việc điều trị khàn tiếng sau mổ tuyến giáp cần được phối hợp một cách tổng thể, từ điều trị nguyên nhân, làm giảm đi triệu chứng, phục hồi lại giọng nói cho đến phẫu thuật. Trong đó, việc điều trị phục hồi giọng nói bình thường và phẫu thuật được coi là hai khâu rất quan trọng.

- Trường hợp điều trị dây thanh, phục hồi giọng nói: Lúc này, người bệnh cần phải luyện tập đúng cách để hỗ trợ, tăng thêm sức mạnh cho dây thanh quản. Từ đó, củng cố khả năng thở trong khi nói, ngăn chặn được sự căng cơ xung quanh phần dây thanh đã bị liệt. Đồng thời, người bệnh cũng cần biết cách để có thể bảo vệ được đường thở trong khi thực hiện động tác nuốt.

- Tiến hành phẫu thuật: Phẫu thuật được coi là giải pháp thay thế hiệu quả khi dây thanh quản không thể phục hồi được bằng tập luyện.

- Điều trị dây thanh bằng phương pháp tiêm phồng dây thanh: Khi dây thanh bị liệt sẽ kéo theo đó là bị teo nhỏ và tạo ra một khe hở khi phát âm. Bác sĩ sẽ vì thế mà tiêm chất làm đầy danh thanh như: collagen, mỡ tự thân... để khắc phục tình trạng khàn tiếng sau mổ tuyến giáp.

- Chuyển vị trí của dây thanh: Nếu như dây thanh bị liệt một bên và ở vị trí mở thì bác sĩ sẽ mở một lỗ nhỏ ở phần ngoài của dây thanh và tiến hành đẩy dây thanh bị liệt vào đường giữa. Cách này sẽ giúp cho dây thanh rung tốt hơn, giọng nói được cải thiện rõ rệt, giảm tình trạng khàn tiếng.

- Mở khí quản: Đây là phẫu thuật cấp cứu được tiến hành khi cả hai dây thanh đều bị liệt. Thường thì hai dây thanh ở vị trí khép, bệnh nhân sẽ không thể thở được. Lúc này, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật để mở một lỗ thông từ cổ vào trực tiếp trong khí quản, giúp cho người bệnh thở trực tiếp qua đó.

Khàn tiếng sau mổ tuyến giáp được coi là biến chứng của việc phẫu thuật tuyến giáp. Trên thực tế, nó cũng không có quá nhiều nguy hiểm. Bệnh nhân chỉ cần lưu ý thực hiện theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra, đồng thời cũng nên lạc quan trong quá trình điều trị để có được kết quả phục hồi tốt nhất.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X