Hotline 24/7
08983-08983

Khám sức khỏe tổng quát có cần chuẩn bị trước?

Việc chuẩn bị trước khi đi khám sức khỏe tổng quát (KSKTQ) không chỉ giúp bệnh nhân biết rõ vấn đề mình quan tâm, mà còn giúp bác sĩ định hướng tốt hơn trong quá trình khám.


Giúp tư vấn làm xét nghiệm và tham vấn kết quả sau đó. Tuy nhiên, cần chuẩn bị những gì để KSKTQ đạt kết quả tốt nhất thì không phải ai cũng biết. Sau đây là 4 lưu ý để việc KSKTQ mang lại kết quả nhanh và chính xác nhất:

1. Liệt kê thông tin tiền sử bệnh lý của gia đình

Trong gói KSKTQ luôn yêu cầu bệnh nhân điền thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình. Đây là thông tin đầu tiên giúp bác sĩ đánh giá các nguy cơ.

Việc điền thông tin này không chỉ giúp chẩn đoán các bệnh lý mạn tính như: cao huyết áp, đái tháo đường... mà còn giúp chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch và ung thư.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người từ 50 tuổi trở lên nên được tầm soát ung thư đại trực tràng (dù không có triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa); nhưng nếu trong gia đình có người thân bị ung thư đại tràng ở khoảng tuổi 50 thì cần tầm soát ung thư đại tràng sớm hơn 10 năm, tức là vào năm 40 tuổi.

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể xác định các nguy cơ thông qua tìm hiểu về công việc, thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày (môi trường làm việc, thói quen xấu, chế độ tập thể dục...) của bệnh nhân. Chính vì vậy, việc thu thập các thông tin là vô cùng cần thiết vì nó có thể giúp chẩn đoán tình trạng bệnh của mỗi người.

Bên cạnh đó, việc liệt kê thông tin tiền sử bệnh lý của gia đình kết hợp với thăm khám của bác sĩ sẽ giúp phát hiện những bất thường mà chúng ta không thể nhận thấy.

2. Mạnh dạn trao đổi các loại xét nghiệm và chủng ngừa

Nên ghi nhớ trước đây bản thân đã được bác sĩ tư vấn làm những xét nghiệm gì và đã chủng ngừa gì dựa theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý gia đình. Nếu không nhớ hoặc chưa có thông tin rõ ràng thì nên trao đổi với bác sĩ để biết phải làm gì.

Ví dụ: Khi nào cần tầm soát ung thư cổ tử cung (Paps), ung thư vú (chụp nhũ ảnh), ung thư tiền liệt tuyến (PSA), khi nào nên chích ngừa ung thư cổ tử cung và các loại chủng ngừa khác?...

Không ít trường hợp KSKTQ yêu cầu bác sĩ cho tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu, xét nghiệm chỉ điểm khối u (tumor marker), chụp cắt lớp điện toán toàn thân... Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khi không có triệu chứng hoặc nguy cơ bị ung thư thì các xét nghiệm trên là không cần thiết.

3. Viết ra giấy những biến đổi sức khỏe của bản thân

Hãy cố gắng nhớ lại những vấn đề sức khỏe mà bản thân đã và đang gặp phải, ghi chú lại những thay đổi này ra giấy (thời điểm bắt đầu, kết thúc; vùng lan; cảm giác...), ví dụ:

- Có thay đổi cân nặng kèm theo sưng hoặc tổn thương da bất thường?

- Có bị đau, chóng mặt, mệt mỏi hoặc có vấn đề gì về tiêu, tiểu hay rối loạn kinh nguyệt không?

- Bản thân có u uất, lo âu hoặc rối loạn giấc ngủ trong thời gian gần đây không?

- Nên thành thật với bác sĩ nếu bản thân không dùng thuốc đúng theo hướng dẫn hay tập thể dục không đều...

Những thông tin chính xác như trên sẽ giúp bác sĩ định hướng tốt hơn trong quá trình khám, tư vấn làm những xét nghiệm cũng như đưa ra kế hoạch điều trị và theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị.

4. Nghĩ đến các kế hoạch cho tương lai

Nếu có kế hoạch cho tương lai và ảnh hưởng đến sức khỏe như: chọn công việc nguy hiểm, du lịch thám hiểm, bỏ thuốc lá, giảm cân hay dự định có con..., hãy trao đổi với bác sĩ để có được sự chuẩn bị tốt nhất có thể.

KSKTQ chỉ thật sự đạt kết quả tốt nhất khi bản thân trao đổi với bác sĩ chi tiết về vấn đề sức khỏe mình đang gặp phải hoặc đang quan tâm. Dựa trên các thông tin được chuẩn bị trước, cộng với tình trạng sức khỏe tại thời điểm khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách theo dõi, phương pháp bảo vệ sức khỏe cũng như cách điều trị tốt nhất.

AloBacsi.vn
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X