Hotline 24/7
08983-08983

Khai mạc Hội nghị Lão khoa 2017 tại Vũng Tàu

Ngay những giây phút đầu tiên phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học “Tích tuổi học và Lão khoa”, Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM đã bắt đầu bằng những thông tin hết sức thiết thực, cụ thể.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM nhấn mạnh, sức chịu đựng của người cao tuổi suy giảm rất nhiều, do đó, khi khám và điều trị cho bệnh nhân cao niên, BS phải luôn nhớ 4 nguyên tắc cơ bản: Chú ý các bệnh thường gặp của người cao tuổi ít có biển hiện nên hay bị chẩn đoán nhầm. Tránh điều trị quá tay. Khi ra toa cho bệnh nhân cao tuổi, nên kê liều thấp và tăng dần. Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mới, BS khoan nghĩ đến bệnh mới mà cần xem xét kỹ có phải là do tác dụng phụ của thuốc hay không.


Chưa chính thức khai mạc, Hội nghị đã bắt đầu bằng chương trình báo cáo nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh của 6 BS trẻ. Không như các hội thảo, hội nghị thường thấy, các thủ tục của Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 5 của Hội Lão khoa TPHCM bắt đầu rất nhanh gọn để tập trung cho các báo cáo chuyên môn.

Hội nghị quy tụ hơn 1.300 BS, hơn 100 báo cáo của các GS.PGS.TS.BS các chuyên ngành Lão khoa, Tim mạch, Nội tiết, Thận, Tiết niệu, Hô hấp, Thần kinh, Cơ xương khớp, Gan mật… Với 3 ngày làm việc liên tục (14-16/4) ở 4 hội trường, giá trị thật sự là những buổi chia sẻ, sinh hoạt chuyên môn vô cùng bổ ích.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM - phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 5 với chủ đề "Tích tuổi học và Lão khoa"

Đại diện Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lão khoa là vấn đề chính của y học và xã hội học trong tương lai. Địa phương rất hoan nghênh và rất mong những hội nghị khoa học chuyên sâu như "Tích tuổi học và Lão khoa" được tổ chức tại thành phố biển Vũng Tàu.





Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành

Và cả các giáo sư nước ngoài

Việt Nam là 1 trong 20 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền đến từ ĐH Y Hà Nội và BV Lão khoa Trung ương - tranh thủ chia sẻ thật nhanh cho kịp thời gian quy định 15 phút/ báo cáo:

Việt Nam là 1 trong 20 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Người cao tuổi (NCT) chia làm 2 nhóm: NCT trẻ (65-75 tuổi) và NCT già (trên 75 tuổi). Cơ thể NCT trở nên mong manh.

PGS.TS Nguyễn Văn Trí cho biết: Người cao tuổi có 3T (Tăng huyết áp, Tăng đường huyết và Tăng mỡ) kèm đau nhức.

Và 5 đặc điểm của người già: Có sẵn bệnh trong người. Tỷ lệ cao huyết áp tỷ lệ thuận với số tuổi. Ở tuổi 60 có trên 60% NCT bị huyết áp, trên 70 tuổi: 65% và trên 75% tỷ lệ NCT cao huyết áp càng tăng mạnh. Cao huyết áp là tiềm ẩn bệnh tim mạch.


Người già bản chất tiềm ẩn sẵn trong người nhiều bệnh. Một NCT ở nước ta có tầm 5-6 bệnh, đỉnh điểm là 13 bệnh trong 1 người.

Trong khi theo tiêu chí của thế giới: người phải uống trên 5 loại thuốc là thuộc dạng "nhiều bệnh". Vậy suy ra, NCT của Việt Nam đều thuộc vào đối tượng "bệnh nhiều". Do đó, BS điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi, cần phải lựa chọn thuốc phù hợp để giảm tương tác thuốc và xung đột giữa bệnh và bệnh.

Ngoài ra, PGS Huyền bức xúc: Gần như 100% NCT đều có vài lần bỏ uống thuốc, trên 10% bệnh nhân cao tuổi tự ý bỏ thuốc hàng tháng trời do không chịu được các khó chịu do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị. Do đó, BS phải quan tâm hỏi bệnh nhân bị những tác dụng phụ nào của thuốc để thay đổi và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bệnh nhân tự bỏ thuốc.

Cấp cứu đột quỵ: Thời gian là mạng sống, thời gian là não!

TS.BS Nguyễn Huy Thắng với bài báo cáo thu hút sự tham dự của hơn 300 BS

Cũng nằm trong khuôn khổ hội thảo, tham luận của TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (BV Nhân dân 115 - TPHCM), Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM - được hơn 300 BS theo dõi rất chăm chú.

TS Thắng trăn trở, bệnh nhân đột quỵ đến cấp cứu quá trễ. Làm sao để giáo dục, hướng dẫn cho bệnh nhân cần đến BV sớm nhất. Hiện nay ở Hoa Kỳ, khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, ngay trên xe cấp cứu có đầy đủ máy CT-scan và thuốc cấp cứu dùng để bơm thuốc tĩnh mạch. Tất cả quy trình xử lý đột quỵ được thực hiện ngay trên xe cấp cứu.

Ở Việt Nam, quy trình cấp cứu đột quỵ còn tốn rất nhiều thời gian. Trong khi thời gian trong cấp cứu đột quỵ còn giá trị hơn vàng bạc. Thời gian là mạng sống, thời gian là não. Bởi 1 phút trôi qua, có hơn 1,9 triệu tế bào não chết đi. Chậm 1 phút là khả năng hồi phục của bệnh nhân lại nhỏ đi.

TS Nguyễn Huy Thắng nhấn đi nhấn lại, cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ. BV Nhân dân 115 còn sắp đặt mọi dụng cụ cần để cấp cứu đột quỵ vào hẳn 1 túi cấp cứu chuyên dùng. Bệnh nhân vào viện, sẽ được đưa nhanh vào phòng chụp CT-scan là có thể bắt đầu điều trị.

Trước đây quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ở BV Nhân dân 115 là 150 phút, nay nhờ quyết tâm đơn giản hóa, thời gian đã giảm xuống còn phân nửa, còn 75 phút. Giảm thời gian cấp cứu là tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, TS. BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.

TS Thắng nói, trong 6 người chúng ta ngồi đây sẽ có 1 người có khả năng bị đột quỵ trong tương lai. Do đó, xây dựng quy trình cấp cứu theo chuẩn nhanh nhất - chính là tự cứu mình và người thân của mình.

Một BS hỏi TS Thắng về việc lan truyền trên mạng kinh nghiệm chích 10 đầu ngón tay khi cấp cứu đột quỵ, TS Thắng - người cứu sống rất nhiều bệnh nhân đột quỵ - cười ồ. Anh nói điều duy nhất cần làm khi có người đột quỵ là đưa bệnh nhân đến trung tâm/bệnh viện có chức năng cấp cứu đột quỵ nhanh nhất.

Một BS khác hỏi thêm: Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ở nhà cần làm gì? Câu trả lời của TS Thắng là: Không làm gì cả. Người nhà không cần làm gì cả, chỉ cần đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu đột quỵ gần nhất. Việc còn lại để dành cho BS. Thực tế, nhiều ca bị đột quỵ, người nhà tự đo huyết áp thấy tăng huyết áp và nhỏ Adalate cho bện nhân hạ áp là sai lầm nghiêm trọng. Không cho phép dùng thuốc hạ áp đột ngột vì như thế sẽ tăng hiện tượng thiếu máu não, có hại cho bệnh nhân.

"Khi cấp cứu đột quỵ, không cần chờ MRI, không cần chờ bất cứ xét nghiệm máu nào, trừ khi bệnh nhân có bệnh lý gì đặc biệt khác. Chỉ cần có kết quả CT - Scan là bắt tay vào điều trị ngay lập tức", TS Thắng nhắc đi nhắc lại hơn chục lần ý này.

Ý cuối cùng trước khi kết thúc hội thảo của TS Nguyễn Huy Thắng làm cả hội trường vỗ tay rần rần: Anh mời mọi người xem clip quy trình thay bánh xe trong cuộc đua thể thức I năm 1990 là 20 phút với 2 người làm.

Và nay, công việc thay bánh xe hơi chỉ mất có 3 giây. Vì sao chỉ còn 3 giây? Vì hơn 20 người chờ xe đua xẹp lốp vào và cùng ào ra, mỗi người 1 thao tác nên tổng thời gian thay bánh xe chỉ còn vỏn vẹn 3 giây.

Anh nói: “Cấp cứu đột quỵ cũng vậy. Cũng cần 1 team. Một team chuyên nghiệp phối hợp đồng bộ vô cùng quan trọng, quyết định việc thành/bại của 1 ca cấp cứu”.




Các hội trường luôn kín chỗ vì không ai muốn bỏ lỡ cơ hội cập nhật những thông tin mới trong y khoa.

Hồng Tâm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X