Hotline 24/7
08983-08983

Kết quả xét nghiệm thế nào thì biết là máu nhiễm mỡ?

Con có tìm hiểu về những chỉ số Cholesterol, Triglycerid, HDL, LDL nhưng cũng không rõ ràng lắm. BS ơi, có phải con bị máu nhiễm mỡ không ạ?

Con xin chào bác sĩ!

Con năm nay 22 tuổi, tuần trước con có đi thử máu, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, con có thắc mắc nhưng họ không giải thích cho con, con mong BS trên AloBacsi sẽ giúp con hiểu rõ hơn! Sau đây là kết quả thử máu:
* Cholesterol : 5.8
* Triglycerid : 6.7
* HDL - cho : 1.1
* LDL - cho : 2.9
Con có lên mạng và tìm hiểu về những chỉ số này, nhưng cũng không rõ ràng lắm. BS ơi, có phải con bị máu nhiễm mỡ không ạ?

- Nếu bị máu nhiễm mỡ thì có có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ không (vì mặt con rất nhiều mụn, trong người cũng có mụn nữa, con bị mụn từ hồi 10 tuổi rồi) và có nguy cơ bị tiểu đường không? ( Con khá mập, con cao 1m5, nặng 60kg).

- Những thức ăn và nước uống nào có thể giúp giảm lượng mỡ? Con nghe mọi người nói uống trà khổ qua hoặc bí đao. Còn dầu ăn thì người bị mỡ máu có được sử dụng không?

- Những thức ăn nào cần phải tránh tuyệt đối? Con mong bác sĩ trả lời giúp con những câu hỏi trên, con cảm ơn bác sĩ nhiều lắm! Chúc bác sĩ vui!


(Thanh Thùy - tranthuy…@gmail.com)

Chào cháu Thanh Thùy,

 

Cháu đưa ra nhiều câu hỏi rất bổ ích liên quan đến mỡ máu, BS sẽ trả lời từng ý nha:

 
- Xét nghiệm mỡ máu của cháu cho thấy Triglycerid tăng cao và Cholesterol tăng nhẹ. Bình thường vẫn có một lượng mỡ trong máu nhưng ở một mức nhất định, khi các thành phần mỡ máu thay đổi vượt quá giới hạn gọi là rối loạn mỡ máu hay dân gian thường gọi là “tăng mỡ máu” hay “máu nhiễm mỡ.”

 

Trong 4 thành phần mỡ cháu đã thử thì Cholesterol toàn phần, Triglycerid và LDL là những thành phần gây hại còn HDL là thành phần bảo vệ. Khi tăng 3 thành phần trên hoặc giảm HDL đều là rối loạn chuyển hóa mỡ. Những rối loạn này sẽ góp phần tạo mảng xơ vữa trong lòng mạch máu và gây nên các bệnh tim mạch.

 

- Để xác định có bị gan nhiễm mỡ hay không, cháu cần làm siêu âm bụng. Cháu cũng có nguy cơ tiểu đường, do đó nên làm thêm xét nghiệm đường huyết nữa.

 

- Trong điều trị rối loạn mỡ máu ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống và tập luyện rất quan trọng, cháu nên kiêng ăn mỡ, da, nội tạng động vật. Nên sử dụng dầu thực vật, trừ dầu dừa (trong nước cốt dừa), tuy nhiên cũng hạn chế ăn nhiều đồ chiên, xào. Nên ăn nhiều cá, rau củ, trái cây.

 

- Với chiều cao và cân nặng của cháu, tính ra chỉ số BMI là 27, vậy là béo phì rồi đó (theo phân loại cho người châu Á). Cháu nên thực hiện chế độ ăn giảm năng lượng, bớt chất bột đường và chất béo, tránh thói quen ăn nhiều vào bữa tối. Tăng cường hoạt động thể lực, nên vận động trên 30 phút mỗi ngày.

 

Thân mến!

 

BS-CK1 Võ Thị Tú Hạnh

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

 

Chương trình được tài trợ bởi nhãn hàng NattoEnzym.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X