Hotline 24/7
08983-08983

Kết quả đo điện tim xếp loại 3 nghĩa là sao AloBacsi?

Bạn đọc AloBacsi hỏi về kết quả đo điện tim, máu đông nhanh, tầm soát xơ vữa động mạch, nặng ngực và chóng mặt sau đặt stent mạch vành, phình động mạch chủ bụng…


BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương


Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Bạn đọc có email lthuy…@gmail.com

Chào BS,

Em có đi khám sức khỏe ở trường. Lúc khám tim thì BS kêu em phải đi đo điện tim và xếp loại 3. Như vậy là tim của em có bị sao không ạ? Em cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Phân loại sức khỏe độ I là tốt nhất, độ III có nghĩa là em có bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập, sức khỏe ở mức trung bình thôi. Lúc BS khám tim có thể thấy nhịp tim em không đều nên BS đề nghị em đo điện tim.

Em nên nói gia đình cho em đi kiểm tra ở chuyên khoa Tim mạch, bao gồm đo điện tim và siêu âm tim để xác định xem có bệnh không, bệnh gì, mức độ ra sao và xử trí thích hợp, em nhé.


- Nguyễn Phong Lưu - tomshin…@gmail.com

Chào BS,

Qua tìm hiểu trên mạng mình thấy có phương pháp tầm soát xơ vữa động mạch bằng máy VP 1000 Plus.

Xin hỏi BS phương pháp này có chính xác không và những bệnh viện nào có dịch vụ này ạ?Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Lưu,

Máy VP 1000 Plus là một thiết bị sàng lọc để đánh giá xơ vữa động mạch sử dụng công nghệ phân tích sóng và đánh giá mạch WAVE (Waveform Analysis and Vascular Evaluation).

Máy VP1000 đo lường các chỉ số sau đây: chỉ số mắt cá chân - cánh tay (ABI), chỉ số ngón chân - cánh tay (TBI), vận tốc sóng mạch (PWV), huyết áp cả 4 chi, áp lực mạch (Pulse Pressure - PP), nhịp tim, hình dạng sóng mạch trên tất cả tứ chi.

Như vậy, xét nghiệm này có độ tin cậy cao nhưng chỉ giúp đánh giá xơ vữa và xơ cứng mạch máu ở ngoại biên mà thôi, không khảo sát được xơ vữa mạch máu ở động mạch cảnh, động mạch vành, động mạch não.

Rất nhiều bệnh viện có loại xét nghiệm này, đặc biệt là các bệnh viện chuyên về tim mạch, như BV Tâm Đức, Viện Tim…


- Thùy Trang - tyhoa…@gmail.com

Chào BS ạ, BS cho con hỏi,

2 tháng gần đây con tự thấy bản thân có dấu hiệu trầm cảm, như tiêu hóa không tốt, ngực thường xuyên khó thở, tim hay đập nhanh, mạnh dù không vận động mạnh, mệt mỏi, hay có cảm giác trống rỗng tuyệt vọng.

Không có hứng thú làm việc, chỉ muốn nằm 1 chỗ, thường xuyên nghĩ đến cái chết, luôn cảm thấy có cái gì đó đè nặng ở ngực, rất khó chịu.

Đặc biệt là bị đau nửa đầu và ngủ nhiều, giờ giấc ngủ lại không ổn định, hầu như cắt hết liên lạc với bạn bè, gia đình, mỗi lần gọi về nhà con lại mệt mỏi, không muốn giao tiếp, nói chuyện gì cả.

Có vài ngày con thấy những thứ trước đây giúp con giảm stress như nghe nhạc, xem phim giờ chẳng còn tác dụng nữa, như thể não con đang tự phong bế hết cảm xúc, không đả động vào được.

Con mong BS có thể cho con lời khuyên. Con cám ơn BS nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Trang,

Quả thật hiện tại em đang có nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần và chúng vượt quá khả năng kiểm soát của em. Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Tuy nhiên, vì những triệu chứng kể trên chỉ mới xuất hiện 2 tháng gần đây nhưng khá rầm rộ, nếu không kèm 1 cú sốc tình cảm nào thì đây là một tình trạng cấp tính và có thể không phải do một rối loạn tâm lý - tinh thần đơn thuần gây ra (thường cần thời gian dài hơn tiến triển từ từ tăng dần) mà nhiều khả năng là do có bệnh lý thực sự.

Trước mắt, em cần khám Tổng quát, khám Nội tiết và khám chuyên khoa Nội thần kinh xem có bệnh lý rối loạn chức năng của hệ cơ quan nào gây ra các vấn đề kể trên hay không. Nếu sau khi thăm khám + xét nghiệm cho thấy không có rối loạn gì thì em nên khám thêm chuyên khoa Tâm thần.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói bạn bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, bác sĩ Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... sẽ giúp được cho em.


- Hoàng Đình Tạo - dinhtao…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị mạch vành và đã đặt stent được 1 năm 4 tháng tại BV Quân y 175. Tôi đang uống DuoPlavin, Concor, Co- Diovan, Devastin, và Pantagi nhưng tôi thấy có lúc nặng ngực, chóng mặt thoáng qua.

Vậy BS cho tôi hỏi nguyên nhân là do phản ứng thuốc hay nguy cơ tái hẹp ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Tạo,

Người có bệnh lý mạch vành đã đặt stent mà xuất hiện triệu chứng nặng ngực, chóng mặt thì cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe lại ngay. Nguyên nhân có thể do vấn đề của huyết áp, của nhịp tim, của mạch máu não, của hệ tiền đình…

Người đã từng đặt stent thì cần hiểu là nong và đặt stent mạch vành thành công không có nghĩa là trị hết bệnh rồi, sẽ không bao giờ bị lại nữa! Bởi vì, BS sẽ chọn xử trí những mạch vành chính bị hẹp nặng nhất gây triệu chứng, còn những mạch vành hẹp ít hơn hay ở xa hơn thì sẽ dùng thuốc điều trị.

Hơn nữa, bản thân mạch vành đã được nong mà không điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ kể trên (huyết áp còn cao, còn hút thuốc lá, ăn uống không kiêng dầu mỡ...) thì vẫn có thể tái hẹp lại.

Triệu chứng nặng ngực dù là thoáng qua cũng cần kiểm tra lại, có thể là triệu chứng đau ngực không điển hình do bệnh mạch vành, có thể do nguyên nhân khác. BS cần phải kiểm tra toàn diện qua thăm khám + xét nghiệm cần thiết thì mới kết luận được nguyên nhân và xử trí thích hợp sớm, bạn nhé.


- Bạn đọc có email dahuong…@gmail.com

BS ơi,

Tôi bị phình động mạch chủ bụng chậu 2 bên, hiện nay đái rất khó, phải nghiêng người rặn mãi mới ra.

Có thuốc gì hoặc có cách gì làm cho động mạch chủ bụng teo nhỏ lại hoặc có cách gì cho tôi đái dễ hơn không? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Phình động mạch chủ thường phát triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện sớm, phần lớn các trường hợp được phát hiện tình cờ qua khám tổng quát hoặc đi khám vì một bệnh khác.

Nếu khối phình động mạch chủ bụng đủ lớn, có thể có các dấu hiệu sau: Đau tức bụng âm ỉ, Có thể sờ thấy khối ở bụng đập theo nhịp tim.

Triệu chứng tiểu khó, tiểu phải rặn coi chừng là do nguyên nhân khác, thường gặp nhất là phì đại tiền liệt tuyến, chứ ít nghĩ do phình động mạch chủ bụng chậu 2 bên gây nên.

Về vấn đề tiểu khó, bạn nên khám chuyên khoa Thận tiết niệu sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh thích hợp sớm, bạn nhé.

Về vấn đề phình động mạch chủ thì hiện nay để điều trị bệnh này, BS có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật, đặt giá đỡ, bạn nên khám chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn điều trị thích hợp.


- Bạn đọc Quyên - vpquyen…@gmail.com

Xin chào BS,

Em chụp CT ở chân trái. Nhưng có đeo vòng ximen ở tay thì có cần phải tháo ra không thưa BS? Xin cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Quyên thân mến,

Chụp CT ở chân trái thì em có thể không cần tháo vòng ximen ở tay ra, nhưng nếu chụp MRI thì dù là chụp MRI ở chân, em cũng phải tháo hết các dụng cụ kim loại đeo trên người ra. Thân mến!


- Nhung Kim - kimnhung…@gmail.com

Chào BS,

Tôi năm nay 22 tuổi. Gần đây tôi có hiện tượng giật cơ đầu hai bên sau tai nhưng không thấy đau đầu. Gần đây tôi có gặp nhiều căng thẳng và thức khuya thời gian dài.

Xin BS tư vấn cho tôi. Xin cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Kim Nhung thân mến,

Triệu chứng này liên quan đến bệnh lý thuộc về hệ Thần kinh. Cụ thể là do dây thần kinh sọ ở mặt bị kích thích vì một lý do nào đó, như mỏi cơ, tinh thần căng thẳng, thiếu ngủ, thiếu vi khoáng chất, bệnh lý tổn thương thực thể...

Những cơn giật có thể xảy ra một vài lần rồi dứt, nhưng cũng có thể kéo dài và lan rộng ra khắp cả mặt.

Chắc chắn là khi cơ thể đã “lên tiếng cảnh báo” thì em phải điều chỉnh lại thời gian biểu của mình cho phù hợp, ăn uống đủ chất, bổ sung thêm vi khoáng chất mỗi ngày, ngủ đủ giấc, không uống rượu bia, không hút thuốc lá.

Nếu triệu chứng này kéo dài vượt ngoài khả năng kiểm soát và cơn giật lan rộng ra cả mặt thì nên đến khám chuyên khoa Nội thần kinh để BS thăm khám và chỉ định thêm một số xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị bệnh.


- Nhung Le - nhungvt…@gmail.com

BS cho em hỏi là ngày trước hồi còn học sinh em có đi khám BS nói em bị bệnh rối loạn tiền đình và sau một thời gian chữa trị BS nói em bị trầm cảm.Em uống thuốc Risdontab 2 đã 6 năm rồi.

Nếu không uống thuốc là em bị đau đầu, không ngủ được và hay suy nghĩ về quá khứ. Em hay nghĩ ngợi và có lúc em thức dậy buổi sáng hay chiều tối.

Em cảm thấy tâm trạng luôn lo sợ và luôn nghe thấy tiếng nói vọng ở trong đầu những lời nói thô tục và luôn nói xấu và nhắc lại chuyện quá khứ của em và tiếng nói đó thậm chí chửi những người em tôn kính, luôn cho em cảm giác suy nghĩ bất kính với người khác BS ạ.

AloBacsi có thể cho em biết em bị bệnh gì ạ?Tiếng nói vọng lại trong đầu em có phải tiếng ma nói không ạ?Em cảm ơn AloBacsi nhiều ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Nhung,

Theo thông tin em cung cấp thì tôi nhận thấy em không phải là trầm cảm đơn thuần, và quả thật BS đang điều trị cho em cũng không điều trị trầm cảm đơn thuần cho em.

Thuốc Risdontab 2mg có thành phần là Risperidon 2 mg. Risperidon là một thuốc chống loạn thần, được chỉ định điều trị bệnh tâm thần phân liệt cấp và mạn tính, trong đó nổi bật các triệu chứng dương tính (như ảo giác, rối loạn trong suy nghĩ, thái độ thù địch, tính đa nghi) và/hoặc các triệu chứng âm tính (như ngờ nghệch, thu mình, ít nói). Risperidon cũng làm dịu bớt các triệu chứng về cảm xúc (như trầm cảm, cảm giác có tội, lo âu) đi kèm với tâm thần phân liệt.

Triệu chứng có tiếng nói trong đầu em là hiện tượng ảo thanh, không phải là ma quỷ gì ở đây mà là do bệnh lý tâm thần phân liệt gây nên.

Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như trầm cảm, tâm thần phân liệt...chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Bản thân mình là quan trọng nhất nên em hãy mạnh dạn điều trị để chữa khỏi cho mình và mang lại 1 cuộc sống tốt hơn, cho mình, em nhé.

Hiện tại, em đang đáp ứng rất tốt với thuốc của BS kê cho em, em nên duy trì để có cuộc sống ổn định và nhớ tái khám kiểm tra theo hẹn, em nhé.


- Sĩ Đan - danbirthday…@gmail.com

Thưa BS,

Em là sinh viên 19 tuổi. Khoảng nửa tháng trở lại đây, em liên tục bị sốt cảm không có dấu hiệu bớt, kèm theo đó là chứng đau bụng vùng trên rốn, đôi lúc cảm thấy buồn nôn.

Em có uống thuốc nhiều nhưng không bớt. BS có thể chẩn đoán giúp em được không ạ?Em cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Sĩ Đan,

BS không khám trực tiếp cho em nên mọi tư vấn chỉ mang tính tham khảo, hơn nữa, theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của Bộ Y tế, BS không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh, điều này là do vấn đề an toàn của người bệnh.

Do đó, BS chỉ tư vấn hướng đi kiểm tra sức khỏe, các phương pháp không dùng thuốc, và người bệnh vẫn cần đến bệnh viện để được điều trị thuốc thích hợp.

Các triệu chứng sốt, đau vùng bụng trên rốn, buồn nôn có thể gặp do nhiều nguyên nhân, có thể là 2 bệnh lý đi cùng nhau, có thể là cùng 1 bệnh mà gây ra các rối loạn trên, như viêm dạ dày ruột, viêm gan, áp xe gan…

Em nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân (qua thăm khám, xét nghiệm máu, siêu âm bụng...) để có hướng điều trị thích hợp sớm, em nhé.


- Lai Duong - laiduong…@gmail.com

BS ơi,

Em ở Vũng Tàu, mấy ngày nay em bị ho, sáng ra khạc ra máu, và rất đau ngực phải khi ho. Vậy triệu chứng của em là bệnh gì? Đi khám ở đâu là phù hợp?

Do công việc nên em mong được sự giúp đỡ tư vấn từ BS trước, sau đó cuối tuần em mới đi khám được.Em cảm ơn BS nhiều ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nguyên nhân gây ho khạc đàm ra máu có thể do viêm nhiễm/ tổn thương mạch máu ở vùng hầu họng (thành sau họng) thường gặp trong viêm họng cấp và mạn, tổn thương trong đường dẫn khí, nhu mô phổi (lao phổi, u phổi, áp xe phổi), hay do rối loạn đông cầm máu...

Khi ho khạc ra máu kèm đau ngực phải khi ho thì cần cảnh giác đến nguyên nhân bệnh lý tại phổi phải như áp xe phổi, lao phổi - màng phổi, mặc dù cũng có trường hợp chỉ là viêm họng + đau ngực do ho mạnh, ho nhiều.

Nhưng tốt nhất em nên khám chuyên khoa Hô hấp, em nhé.


- Bạn đọc có email vanviet…@gmail.com

Thưa BS,

Năm nay cháu 26 tuổi, cháu thấy tốc độ đông máu của cháu nhanh đến đáng sợ luôn ạ. Cháu bị chảy máu dù ở vị trí nào chỉ cần vài giây là ngưng.

Cháu có đi hiến máu nhân đạo 4 lần, mỗi lần đều mất 40 phút để lấy đủ 250ml máu, dù cháu uống rất nhiều trà gừng nhưng vài phút lại phải tháo kim để đẩy cục máu đông ra.

Cháu đã xét nghiệm máu ở Viện 103 nhưng không thấy bệnh gì. Vậy theo BS cháu có phải bị bệnh đông máu không ạ? BS tư vấn giúp cháu với! Cháu xin cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Với tình trạng này em nên khám tại chuyên khoa Huyết học hay BV Truyền máu và Huyết học là phù hợp nhất.

Ở đây BS sẽ xét nghiệm kiểm tra toàn bộ bilan đông cầm máu cho em, thời gian máu chảy, thời gian máu đông… để xác định xem em thật sự có vấn đề gì về đông máu không và ảnh hưởng của nó ra sao, em nhé.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X