Hotline 24/7
08983-08983

Kéo dài "cậu nhỏ": Đừng mơ chuyện viển vông!

“Kéo dài dương vật không phải chuyện hiện thực và gần như không bao giờ thực hiện được, vì có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng”.

Ám ảnh kích thước “cậu nhỏ” khá phổ biến ở nhiều nam giới

Bản tin của tờ Independent (Anh quốc) ngày 10/5/2019 xác nhận điều này và khiến nhiều người thuộc cánh mày râu phải… tỉnh ngộ!

Phóng viên Olivia Petter, người viết bản tin này không phải là bác sĩ nam khoa, nhưng cô dẫn nguồn từ nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí khoa học Sexual Medicine Reporting mới nhất.

Quả là một nghiên cứu công phu, vì một nhóm bác sĩ tiết niệu học của bệnh viện King’s College và khoa học gia của viện Tâm thần, tâm lý và khoa học thần kinh của King’s College phối hợp nhau đánh giá lại 17 nghiên cứu trước đây, thực hiện trên 1.192 người nam được kéo dài “cậu nhỏ” bằng các phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuật. Nghiên cứu nào chỉ làm dưới mười ca bị loại ra.

Các phương pháp kéo dài không phẫu thuật gồm dùng dụng cụ kéo dài, tiêm chất làm đầy và dùng thiết bị hút chân không cũng được sử dụng để điều trị rối loạn cương.Trong khi những phương pháp phẫu thuật như rạch dây chằng treo (phương pháp phổ biến nhất trong các nghiên cứu), ghép mô và sửa chữa dương vật. Kết quả cho thấy phần lớn các phương pháp này “không hiệu quả”, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, như biến dạng dương vật, rối loạn xuất tinh, tê liệt, thậm chí… ngắn lại. Mỗi ca điều trị như thế, điều trị tại các phòng khám tư nhân của Anh hay ở nước ngoài, có giá đến 40.000 bảng (hơn 1,2 tỷ đồng Việt Nam) đâu rẻ gì, thật là… “tiền mất tật mang”!

Bác sĩ Gordon Muir, chuyên gia nổi tiếng về tiết niệu, người tham gia chính của nghiên cứu, nhận định thật buồn: “Nhìn chung kết quả của mọi phương pháp kéo dài dương vật đều tệ hại, mức độ hài lòng của người nam được kéo dài cũng thấp, nhưng nguy cơ biến chứng lại cao. Đáng nói phần lớn nam giới đi kéo dài lại có kích thước “cậu nhỏ” cũng “ngon lành”, nhưng họ lại bị ám ảnh rằng “cậu nhỏ” của mình… quá nhỏ”.

Kết luận của Muir cũng tương đồng với nhận xét của TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia nam khoa của nước ta: “Mong muốn dương vật to hơn, dài hơn, đời nào cũng có, nhất là những người trẻ. Bởi thế từ ngàn xưa người ta đã chế ra đủ thứ thuốc bôi, xoa, xức và các phương pháp tập luyện, dùng bơm hút… để mong có thêm vài phân chiều dài”.

Trong đời hành nghề, bác sĩ Như cho biết rất nhiều người đến phòng mạch nam khoa chỉ vì ám ảnh “cậu nhỏ” của mình quá khiêm tốn, và cho rằng đây là lý do khiến họ làm “chuyện đó” không mạnh mẽ như mong muốn. Nhưng bác sĩ Như cho biết: “Cũng như nhiều bộ phận khác của cơ thể, điều quan trọng nhất đối với dương vật là nó hoàn thành tốt chức năng được tự nhiên giao phó: đi tiểu và sinh sản. Đây là bộ phận kín chỉ lộ ra nơi kín đáo khi cần, nên hình dạng và kích thước thật sự không quan trọng. Con người có kẻ cao người thấp, ngón tay có ngón ngắn ngón dài, dương vật của người nam cũng có độ dài khác nhau. Người cao to, dương vật thường cũng to dài tương xứng, nhưng có người tuy vóc nhỏ bé mà kích thước thuộc loại “hàng khủng”.

Nhưng nam giới nào ám ảnh về kích thước “cậu nhỏ” phải nên nghĩ lại. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí BJU International vào tháng 12/2014, cho thấy kích thước “cậu nhỏ” lúc bình thường đạt 9cm còn khi lớn nhất trung bình 13cm. Chỉ có 5 trong 100 người nghiên cứu có chiều dài “cậu nhỏ” lúc lớn nhất đạt mức hơn 16cm. Chiều dài như thế, còn chu vi “cậu nhỏ” lúc bình thường là 9cm và khi lớn nhất là 11cm. Nói thêm, nghiên cứu này là tổng kết 20 nghiên cứu khác nhau, làm trên 15.521 người nam từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Tóm lại, nam giới nào có ý định kéo dài “cậu nhỏ” cũng nên tham khảo ý kiến của giới chuyên môn. Trong nghiên cứu mới nhất, các tác giả kết luận: “Chẳng có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa kích thước “cậu nhỏ” và nam tính. Lo lắng về chuyện đó ở người nam có kích thước bình thường, chỉ làm họ khổ sở thêm mà thôi”.

Còn bác sĩ Nguyễn Thành Như nhận định: “Xét cho cùng, hạnh phúc gia đình cũng như bản lĩnh đàn ông chẳng bao giờ phụ thuộc vào chỗ đó. ‘Những gì nằm giữa hai tai mới là điều đáng lo tu bổ, chứ không nên chăm chút những gì nằm giữa hai đùi’ (theo Tom Lue, bác sĩ tiết niệu – nam khoa người Mỹ)”.

Theo An Nhiên - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X