Hotline 24/7
08983-08983

Kế hoạch tập luyện dành cho người bị tiểu đường

Bạn đã từng nghe được hàng triệu lần rằng tập luyện rất quan trọng, đặc biệt là đối với người bị tiểu đường. Mặc dù bạn biết điều đó là đúng đắn nhưng đôi khi phải mất nhiều thời gian để có được động lực. Viện Y Học ứng dụng Việt Nam sẽ giúp bạn có thêm động lực tập luyện nhé.

Nếu bạn vẫn chưa tập luyện, bạn cần có một kế hoạch hợp lí. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn bắt đầu một thói quen tốt và gắn bó với nó.

Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn


Trò chuyện với bác sĩ sẽ giúp bạn biết được bài tập nào là tốt nhất cho mình và làm cách nào để tăng cường chúng lên.

Ngay lập tức bước lên máy chạy bộ không phải là ý tưởng hay nếu trước đó bạn chưa từng tập luyện. Thậm chí nó có thể gây nguy hiểm cho bạn. Nếu bạn đang sử dụng Insulin hoặc các thuốc tiểu đường, hoạt động thể lực có thể làm mức đường máu của bạn tụt xuống quá thấp.

Và nếu bạn đang có bất kì vấn đề sức khỏe nào khác cùng với bệnh đái tháo đường, ví dụ như bệnh tim hay huyết áp cao, có một vài loại bài tập mà bạn nên tránh.

Lập ra một kế hoạch và thực hiện chúng một cách có trách nhiệm

Lập một thời gian biểu về thời gian và độ dài các bài tập của bạn. Bên cạnh đó, cần có một cuốn sổ ghi chép lại việc tập luyện cũng như đường huyết của bạn.

Nó sẽ giúp bạn theo dõi quá trình tập luyện cũng như sự khác biệt mà chúng tạo ra. Nó cũng giúp bạn có trách nhiệu hơn về những buổi tập mà bạn bỏ lỡ hay khi nào mà bạn tập luyện không đủ. Và hơn nữa, bạn có thể nhìn vào biểu đồ này để thấy được thời gian hoặc các loại bài tập nào phù hợp hơn với mình.

Nhưng đừng đặt ra mục tiêu mà bạn biết là mình sẽ không thể thực hiện được. Nếu bạn không thể thức dậy sớm hơn 1 giờ để đến phòng tập trước khi đi làm, thì bạn đừng nên đặt ra kế hoạch đó. Các bác sĩ khuyến cáo cần tập luyện từ 30 - 60 phút mỗi ngày từ các bài tập có cường độ vừa phải đến cường độ mạnh. Nhưng bạn cũng không cần thực hiện tất cả cùng một lúc, mà có thể chia nhỏ thành nhiều lần, mỗi lần từ 10 - 15 phút.

Và đừng quên tự thưởng cho mình khi bạn đạt được mục tiêu! Ví dụ như mua cho mình những bộ quần áo tập luyện mới, đi massage hoặc nghe những bài hát mà bạn thích.

Bắt đầu từ từ


Vận động không có nghĩa là phải cột dây giày lên đôi giày thể thao mới và đăng ký vào một cuộc đua marathon. Hãy bắt đầu với một bước đơn giản. Đi bộ là một loại hình tập luyện ít đòi hòi sự gắng sức và an toàn cho hầu hết những người bị bệnh tiểu đường. Từ đó, bạn có thể tăng cường độ luyện tập dần dần theo cách của bản thân.

Cũng có những cách dễ dàng để tăng cường vận động trong những ngày bận rộn của bạn:

- Đứng dậy, đi lại, vươn vai trong thời gian nghỉ giữa giờ.
- Đi bộ xung quanh trong khi bạn nói chuyện điện thoại.
- Tại nơi làm việc, thay bằng việc đi thang máy, bạn có thể leo cầu thang.
- Đỗ xe ở phía cuối bãi đậu xe và đi bộ.

Duy trì tập luyện

Thường thì việc gắn bó với tập luyện còn khó khăn hơn khi bắt đầu. Khi bạn đã tập luyện một thời gian, bạn có thể cảm thấy các kết quả bạn đạt được đang dậm chân tại chỗ và giảm hứng thú với phòng tập.

Dưới đây là một số gợi ý cho bạn nếu điều đó xảy ra:

Thử sức với các máy tập khác: Bạn đang cảm thấy giống như một con chuột trên máy chạy bộ? Hãy thử các máy elip. Bạn cảm thấy mệt mỏi khi ở trong phòng tập? Hãy đi xe đạp ở ngoài trời. Một vài điều chỉnh đơn giản như vậy có thể kéo bạn ra khỏi sự chán nản, hãy kiểm tra các cơ bắp để làm giảm nguy cơ chấn thương.

Tìm một người bạn. Hãy nói chuyện với bạn bè về việc tập luyện sẽ giúp bạn vượt qua thời gian này. Họ cũng có thể khuyến khích bạn tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình.

Làm cho việc tập luyện trở nên hấp dẫn hơn. Nếu bạn thích được ở ngoài trời, hãy tăng cường các hoạt động ở ngoài trời. Bạn thích nước? Hãy đi bơi ở các bể bơi.

Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X