Hotline 24/7
08983-08983

Hy hữu: Bệnh nhân đột quỵ xuất huyết cầu não hồi phục một cách kỳ diệu

Tỷ lệ tử vong của đột quỵ xuất huyết cầu não là 80-90% nhưng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ SIS đang chứng kiến một bệnh nhân đã sống sót và hồi phục một cách kỳ diệu.

Tháng trước, ông H.I.G. (51 tuổi) nói với vợ là ông bị cay mắt, nghĩ có bụi bẩn bay vào nên đi tắm, nhưng vừa vào đến nhà tắm, ông bỗng thấy tối tăm mặt mũi, bò ra ngoài kêu cứu rồi bất tỉnh. Người nhà vội đưa ông vào cấp cứu ở một bệnh viện lớn ở Cần Thơ. Tại đây, ông được xác định là bị đột quỵ do xuất huyết cầu não và nằm hồi sức tích cực 20 ngày trong trạng thái hôn mê.

 
Sau đó, ông G. được người nhà chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ SIS và điều kỳ diệu xảy ra, tình trạng sức khỏe của ông G. cải thiện từng ngày và ông tỉnh lại. Sau 1 tuần nằm ở phòng ICU, ông được chuyển sang khoa Thần kinh đột quỵ, tiếp tục điều trị. Người nhà vui mừng khôn xiết khi ông G. tưởng đã không qua khỏi, nay có thể mở mắt, nghe được, gật - lắc đầu dù chưa nói được, và cả ứa nước mắt mỗi khi xúc động.
 

Hình ảnh sọ não của bệnh nhân H.I.G. - Ảnh do bệnh viện cung cấp
 
Về trường hợp vượt qua cửa tử của ông G., TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ SIS gọi đây là một điều kỳ diệu, bởi đột quỵ xuất huyết cầu não rất khó cứu sống, nếu cứu được cũng khó tránh khỏi tử vong do sống thực vật lâu ngày.
 
Cầu não là vùng chức năng trọng yếu của não, là trung khu dây thần kinh của con người, tất cả chức năng sống còn của con người đều tập trung ở cầu não trước khi tỏa đi điều khiển vận động tứ chi, hô hấp, tim mạch, cảm giác… Nếu đột quỵ xảy ra ở vùng này, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện lâm sàng rất nặng: liệt tứ chi, ngưng thở, trụy tim mạch… và tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu kịp thời.
 
“Tỷ lệ tử vong do đột quỵ cầu não là 80-90%. Nó nghiêm trọng hơn nhiều so với đột quỵ ở các vùng khác của não. Chẳng hạn đột quỵ tại bán cầu não thì bệnh nhân liệt nửa người, còn đột quỵ tại cầu não dẫn đến liệt cả tứ chi, ngưng tim, ngưng thở” - TS.BS Trần Chí Cường cho biết.
 

Vị trí của cầu não - Ảnh: AloBacsi tổng hợp
Về nguyên nhân thì đột quỵ tại cầu não cũng có 2 khả năng là xuất huyết (vỡ mạch máu) và nhồi máu (tắc nghẽn mạch máu). Tuy nhiên, xuất huyết cầu não nặng hơn rất nhiều so với nhồi máu. Nguyên nhân xuất huyết đa phần do bệnh lý mạch máu nhỏ, do đó khả năng can thiệp cũng rất khó khăn. Tử vong nhanh chóng là không tránh khỏi, gần như 100% nếu bệnh nhân không được cấp cứu và thở máy kịp thời.
 
Với xuất huyết cầu não, khả năng can thiệp rất hạn chế nên vai trò của hồi sức nội khoa rất quan trọng trong việc cứu sống người bệnh: thở máy, chống phù não, chống viêm phổi, tránh nhiễm trùng bệnh viện. Một trong các yếu tố góp phần gây ra nhiễm trùng bệnh viện chính là sự quá tải bệnh nhân. Bệnh viện phải đảm bảo đủ máy thở và vô trùng (không khí vô trùng, máy móc vô trùng, vệ sinh bệnh nhân kỹ lưỡng…), ngoài cơ sở vật chất cần có chuyên môn tốt để thực hiện được điều này.
 
Phần lớn bệnh nhân xuất huyết cầu não tử vong do viêm phổi vì nằm lâu, lở loét, đời sống thực vật kéo dài. Được biết, trước đây từng có vài trường hợp bác sĩ bị đột quỵ tại nơi làm việc là các bệnh viện lớn, do bị xuất huyết cầu não, sau đó bệnh nhân trải qua đời sống thực vật kéo dài rồi tử vong.
 
Trường hợp bệnh nhân H.I.G, ngay cả bác sĩ cũng không giải thích được, tưởng không qua khỏi nhưng vẫn sống và đang hồi phục nên được xem là điều kỳ diệu.
 
Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X