Hotline 24/7
08983-08983

Huyết áp thấp vẫn có khả năng gây đột quỵ!

Đây là một thông tin cần lưu ý mà TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM thường xuyên đưa ra trong các chương trình tư vấn về bệnh đột quỵ. Nhiều người tưởng rằng chỉ tăng huyết áp mới nguy hiểm, biến chứng dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Tuy nhiên thực tế, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này.

Nếu người bệnh chủ quan, để tình trạng huyết áp thấp kéo dài thì có thể dẫn đến tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ), tỷ lệ này chiếm khoảng 10-15%. Hiện nay, sự hiểu biết của bệnh nhân về huyết áp thấp còn rất ít. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 70% bệnh nhân không biết mình bị huyết áp thấp, hơn 80% bệnh nhân bỏ qua những triệu chứng của bệnh.

Bệnh huyết áp thấp là gì?


Huyết áp được biểu đạt bằng hai con số. Số đầu tiên, thường cao hơn, là huyết áp tâm thu, hay áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp và đầy máu. Số thứ hai là áp lực tâm trương, hay áp suất trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa hai lần bóp.

Vậy huyết áp thấp là bao nhiêu?

Với người bình thường, trị số huyết áp thường là 120/80mmHg (đây là trị số giữa huyết áp tâm thu/tâm trương). Nếu trị số huyết áp dưới 100/60mmHg được cho là mắc bệnh huyết áp thấp.

Nếu một người khỏe mạnh bình thường đo huyết áp thấp thường không có triệu chứng gì và không cần điều trị bởi nó không phải là bệnh. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ chuyên khoa xác định mắc bệnh huyết áp thấp, người bệnh cần được theo dõi và điều trị.

Đối với những người già, người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp nên được quan tâm điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.

Mệt mỏi kéo dài, suy nhược cơ thể, xây xẩm mặt mày... là một trong những dấu hiệu của bệnh huyết áp thấp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nguyên nhân huyết áp thấp


Có rất nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp. Chẳng hạn như yếu tố cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, lạm dụng độc chất hoặc những người quá lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng… cũng làm gia tăng tình trạng mắc bệnh huyết áp thấp. Đặc biệt, huyết áp thấp dễ xảy ra ở người bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh gan, bệnh nội tiết như suy tuyến giáp,…

Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khác, có thể kể đến:

- Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp: Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng HAT kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc.
- Do suy giảm glucose: Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi.

- Hàm lượng hemoglobin thấp: Với người khoẻ mạnh, ở  nam giới, hàm lượng này ở mức 13,5 - 17,5 g/dl, còn ở nữ giới là 11,5-15,5g/dl. Khi hàm lượng hemoglobin thấp (tức là dưới mức 9g/dl) sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng, hoa mắt, chóng mặt.

- Nhịp tim chậm: Nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể. Đây là một lý do dẫn tới bệnh huyết áp thấp.

Triệu chứng bệnh huyết áp thấp


Mỗi khi có những biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt hay choáng váng, xây xẩm mặt mày, ngủ gà, mệt mỏi, suy nhược cơ thể… nặng hơn có thể ngất xỉu, đó là những triệu chứng điển hình của căn bệnh huyết áp thấp.

Ngoài ra, khi mắc huyết áp thấp, nhiều người có biểu hiệu liên quan đến tiêu hóa như chán ăn, đau bụng, khó tiêu. Đồng thời xuất hiện sự gia tăng các tế bào máu đỏ, giảm bạch cầu, giảm khả năng miễn dịch có thể dẫn đến các dấu hiệu của nhiễm trùng.

Muốn biết có mắc bệnh huyết áp thấp hay không, không có cách nào tốt hơn là đo huyết áp hàng ngày và theo dõi các chỉ số huyết áp để sớm can thiệp và điều trị y tế.

Huyết áp thấp gây nguy hiểm như thế nào cho sức khỏe?


Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ như đã nói ở trên thì huyết áp càng thấp khả năng bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer gây ra và các nhà khoa học nhận thấy rằng huyết áp tâm trương dưới 70 mm thì rất có khả năng bị chứng mất trí nhớ. Đặc biệt, huyết áp giảm 10 mm thì nguy cơ bị mất trí tăng 20%. Và những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần.

Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Và một điều ít ai biết, có đến 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.

Nguy cơ xảy ra khác là nói không rõ, khó thở, bệnh nặng hơn có thể sẽ phải nằm yên một chỗ thường xuyên, làm ảnh hưởng đến nhịp sống bình thường của người bệnh và các thành viên khác trong gia đình.

Huyết áp thấp và cách điều trị


Huyết áp thấp thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào hoặc chỉ gây ra vài triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như chóng mặt thoáng qua khi đứng. Vì vậy, hiếm khi bác sĩ yêu cầu bạn cần phải điều trị.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ xác định xem huyết áp thấp có phải do bất kỳ loại thuốc bạn đang dùng gây ra hay không. Nếu có thì bác sĩ chỉ cần đổi thuốc khác hoặc giảm liều một cách thích hợp. Nếu có nhiều triệu chứng, bác sĩ thường cố gắng điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng này.

Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và kiểu huyết áp thấp, bệnh nhân có thể thực hiện những phương pháp sau:

- Tăng lượng muối trong chế độ ăn uống. Hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện vì lượng natri dư thừa có thể gây suy tim, nhất là ở những người lớn tuổi.

- Uống nhiều nước hơn. Điều này sẽ làm tăng thể tích máu và chống mất nước.

- Mang vớ ép.

Trong những trường hợp cấp thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như heptaminol, metaraminol…

Theo lời khuyên của bác sĩ, người bệnh không nên chủ quan, coi thường các dấu hiệu bất thường của sức khỏe để tránh những hậu quả đáng tiếc do huyết áp thấp gây ra. Ngay khi bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng..., bạn hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.

Huyết áp thấp ăn gì?


Người bị huyết áp thấp không nên ăn cà chua vì nó có tác dụng hạ huyết áp, khiến huyết áp của những người mắc chứng huyết áp thấp càng thấp hơn. Những người bị huyết áp thấp mà ăn nhiều cà chua sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Tuy giữa chế độ ăn và huyết áp thấp không có sự liên kết chặt chẽ nhưng người ta thấy huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường máu. Thói quen này làm giảm trương lực (sự đàn hồi, sự dẻo dai) của mạch máu, và kết quả là tụt huyết áp. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị huyết áp thấp và duy trì huyết áp ở mức bình thường.

Do đó, phải duy trì chế độ ăn hợp lý 3-4 bữa/ngày (ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày). Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh. Gầy quá huyết áp sẽ thấp.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa giúp tăng huyết áp. Uống thêm cà phê, nước chè xanh đặc với bánh quy hay 1-2 miếng bánh mì với bơ hoặc pho mát cũng rất có lợi cho việc nâng huyết áp và sức khỏe.

Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn, mướp đắng, lòng trắng trứng gà, nước cam, khoai lang tím, tảo biển, ớt, quả kiwi… là những thực phẩm gây hạ huyết áp.

Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Ngoài ra, người bị huyết áp thấp nên ăn hơi mặn một chút để gây giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông trong lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp. Bình thường chúng ta ăn 10-12g muối mỗi ngày, phòng và chữa bệnh tăng huyết áp chỉ nên ăn nửa số lượng trên, tức 5g mỗi ngày, nhưng người huyết áp thấp nên ăn 10-15g. Tất nhiên không nên ăn mặn quá “không nuốt được”.

Làm gì khi bị tụt huyết áp?


Hãy cho người bệnh uống 2 ly nước tương đương 480ml, để giúp điều tiết huyết áp. Cũng có thể cho người bệnh uống trà gừng, nước sâm, càphê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm muối, ăn sô-cô-la, rau cần tây, nước nho...

Phòng bệnh huyết áp thấp


Có thể ngăn được tình trạng huyết áp thấp mạn tính bằng một số biện pháp thay đổi lối sống như sau:

- Ngủ đủ giấc: 7-8 tiếng/ngày.

- Thay đổi tư thế đúng, khi ngủ máu tập trung vào gan, phổi, lách, nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy: để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên.

- Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya.

- Tránh stress, cân bằng về tâm lý. Với một số người bị huyết áp thấp vô căn có thể tập dưỡng sinh, Yoga đúng cách rất có lợi cho sức khỏe và hệ tuần hoàn. Quản lý tốt những bệnh mạn tính mà mình đã mắc phải như đái tháo đường, suy gan, viêm phế quản mạn tính… những người trên 40 tuổi nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần trong năm để điều chỉnh những rối loạn trong cơ thể có thể dẫn đến huyết áp thấp bất ngờ.

- Đặc biệt, người từ 50 tuổi trở lên cần theo dõi huyết áp thường xuyên bởi họ rất dễ có nguy cơ chuyển từ huyết áp thấp thành tăng huyết áp.

Tuệ Giang (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X