Hotline 24/7
08983-08983

Họng còn đàm, tai đau và ù sau khi hết cảm cúm, em bị bệnh Tai mũi họng?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Cách đây 1 tháng tôi có bị cảm cúm kéo dài hơn 15 ngày. Khi tôi bị cảm cúm thì ở họng có đàm và tai bị ù, đến bây giờ cảm cúm đã hết nhưng họng vẫn còn đàm và tai vẫn còn bị ù, nếu muốn nghe rõ phải bịt mũi và thở thật mạnh khi đó tai mới nghe rõ được. 2 ngày hôm nay tôi lại có triệu chứng đau phía trên tai, nó không đau liên tục mà chỉ thỉnh thoảng đau và mỗi lần đau trong vòng 5 - 7 giây. Xin bác sĩ cho tôi biết có phải tôi đang gặp vấn đề về Tai Mũi Họng không? Nếu phải thì đi khám cần làm xét nghiệm gì? Cám ơn bác sĩ.

Trả lời
Đau tai sau khi hết cảm cúm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đau tai sau khi hết cảm cúm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Nghi ngờ của em là không sai, em đang có vấn đề về tai mũi họng. Trong phân ngành y khoa có hẳn 1 chuyên khoa là chuyên khoa Tai Mũi Họng, bởi vì 3 cơ quan này thông thương được với nhau, dịch viêm từ vùng này có thể di chuyển tới vùng kia.

Cụ thể như dịch viêm từ mũi có thể chảy theo lổ mũi sau vào hầu họng, thành sau họng có ống vòi nhĩ nối với tai giữa nên dịch viêm từ tai giữa có thể chảy vào hầu họng và dịch viêm từ hầu họng có thể theo ống vòi nhĩ đến tai giữa gây viêm tai giữa và ù tai, đau nhức tai. Bệnh cảm cúm là bệnh do nhiễm virus cúm mùa, virus có thể tấn công cùng lúc 3 cơ quan là tai mũi họng, người bệnh bị sốt cao, ho đàm, sổ mũi kèm ù tai, đau tai do viêm tai giữa.

Do đó, em cần đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để định bệnh, mức độ và điều trị thích hợp. Song song đó, em chú ý rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước và sau khi đi ra đường, trước và sau khi ngủ dậy, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng đầu mặt cổ, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa / quạt định kỳ, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, tối nên nằm đầu cao, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, ra đường nên đeo khẩu trang, nên tiếp xúc với ánh nắng sớm 30-45 phút mỗi ngày.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Cúm, hay còn gọi là cảm cúm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng. Ngoài ra, hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như H5N1, H1N1, H7N9…

Cúm là một bệnh hết sức phổ biến, mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Thông thường, trung bình một người trưởng thành có thể bị cúm 2-3 lần/năm, trẻ em có thể bị đế 6-7 lần/năm.

Hầu hết những người bị cúm có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng. Uống thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi bạn nhận ra triệu chứng có thể làm giảm thời gian bệnh và giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Những việc nên làm giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh:

- Tiêm vắc xin ngừa cúm mỗi năm;
- Uống nhiều nước (ít nhất 8 ly mỗi ngày) để làm loãng đờm nhày từ phổi;
- Ngưng hút thuốc để làm giảm nguy cơ gặp biến chứng;
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tiếp tục nghỉ ngơi 2-3 ngày sau khi khỏi bệnh;
- Rửa tay thường xuyên, kể cả người chăm sóc. Vứt tất cả khăn giấy sau khi sử dụng xong;
- Đi khám ngay nếu sốt hoặc ho nặng hơn, thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau hoặc cứng cổ;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị đau và chảy dịch mủ từ tai hoặc mũi.

Cúm nhẹ theo mùa thường nhẹ và tự khỏi sau một tuần. Tuy nhiên, cúm là bệnh dễ có khả năng diễn tiến nặng và biến chứng tử vong ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, người mắc nhiều bệnh phối hợp… Phòng bệnh bằng vắc xin, tránh tiếp xúc với người hoặc nguồn động vật nhiễm bệnh, hạn chế đi đến chỗ chật hẹp đông người khi đang mùa dịch, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc đồ vật hay người bệnh… là các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh. Khi bạn đi đến vùng dịch cúm gia cầm hoặc cúm A, bạn cần được cách ly và theo dõi sát sao các triệu chứng bệnh. Điều này là cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng và cũng là cách hiệu quả nhất bảo vệ người thân cũng như gia đình bạn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X