Hotline 24/7
08983-08983

Hôn mê do đái tháo đường có nguy hiểm không?

Hôn mê là một trong những biến chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Đây là biến chứng nặng, nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể qua khỏi mà không để lại các di chứng. Vì vậy, khi bệnh nhân đái tháo đường có những thay đổi bất thường vê ý thức cần được đưa đến bệnh viện ngay.

Tỷ lệ ĐTĐ typ 2 tiếp tục gia tăng cũng như tuổi thọ ngày càng tăng và tiến triển nặng. Năm 2010, trên toàn thế giới có 210 triệu người mắc đái tháo đường và đến năm 2025 dự kiến sẽ số người bị đái tháo đường sẽ tăng lên đến 350 triệu người.

Đái tháo đường là bệnh không thể chữa khỏi, đồng thời có rất nhiều biến chứng nặng nề cả cấp tính và mạn tính, đòi hỏi người bệnh phải thích nghi và điều chỉnh sao cho hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Khi gặp bệnh nhân hôn mê do ĐTĐ, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.
Khi gặp bệnh nhân hôn mê do ĐTĐ, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Ảnh minh họa: Internet

Để có thể cấp cứu kịp thời và chuẩn xác, giảm nguy cơ tử vong, chúng ta cần biết rõ nguyên nhân hôn mê do đái tháo đường là loại nào? Dưới đây là 4 loại hôn mê do đái tháo đường:

1. Hôn mê do nhiễm toan ceton

Hôn mê do nhiễm toan ceton được đặc trưng bằng các triệu chứng như hôn mê, rối loạn ý thức, đường huyết tăng cao >20 mmol/1. Là một biến chứng nặng nhất, thường hay gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 1 hơn so với đái tháo đường typ 2. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi

Các sai lầm trong điều trị như: đái tháo đường nhưng không điều trị, bỏ thuốc, tự điều chỉnh liều thuốc không thích hợp, uống quá nhiều rượu bia...

Do các nguyên nhân làm nặng bệnh như: nhiễm trùng, chấn thương, có thai, ỉa chảy mất nước...

Biểu hiện lâm sàng

- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn tiền hôn mê):

Có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ với các biểu hiện thường gặp: ăn nhiều, đái nhiều khát, uống nhiều, gầy nhiều. Đôi khi có biêu hiện chán ăn, ăn kém, buồn nôn, nôn hoặc đau bụng.
Dấu hiệu mất nước: da nhăn nheo, mắt trùng.

- Giai đoạn toàn phát (giai đoạn hôn mê- nhiễm toan ceton nặng):

+ Thay đổi tinh thần: ý thức lơ mơ, ngủ gà hoặc hôn mê. Bệnh nhân thở sâu, thở nhanh (30 - 40 lần/ lphút).

+ Biểu hiện của mất nước: khát nước nhiều, niêm mạc và da khô nhăn nheo, nặng có thể tụt huyết áp, nhịp tim nhanh.

+ Rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, nôn, đi lỏng rối loạn nước và điện giải, đau bụng đôi khi giống đau bụng của ngoại khoa nhất là ở trẻ em.

+ Biểu hiện bệnh của nguyên nhân gây mất bù: sốt, chấn thương, nhiễm trùng...

Xét nghiệm

Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán:

- Xét nghiệm khí máu: pH giảm, dự trừ kiềm giảm, ceton máu dương tính.

- Ceton niệu dương tính.

- Đường máu cao > 20 mmol/L.

- Các xét nghiệm khác: có tình trạng cô đặc máu, nhiễm trùng...

2. Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu

Bệnh được biểu hiện bằng hôn mê hoặc thay đổi ý thức, đường huyết tăng rất cao, áp lực thẩm thấu tăng cao > 320 mosmol/L; pH máu > 7,2; tăng natri máu và không có nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng cấp tính trong bệnh đái tháo đường, thường hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 mất nước nhiều. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu có thể gặp trên bệnh nhân đã chẩn đoán ĐTĐ typ 2 nhưng cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh khi đường huyết tăng từ từ mà người bệnh không để ý đến các triệu chứng đến khi đường huyết tăng rất cao gây mất nước nặng do tăng đường niệu và lợi niệu thẩm thấu.

Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi

- Các bệnh lý cấp tính: nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc phẫu thuật, tai biến mạch não, nôn nhiều, đi lỏng gây mất nước.

- Do dùng thuốc: dùng thuốc lợi tiểu thải muối (lasix, hypothiazid), corticoid, thuốc ức chế bêta, mannitol, phenytoin, thuốc ức chế miễn dịch.

Biểu hiện lâm sàng

- Dấu hiệu mất nước nặng do đái nhiều: bệnh nhân khát nhiều, da khô nhăn nheo, mắt trũng.

- Biểu hiện thần kinh - tâm thần: từ mức độ nhẹ như ngủ gà, lơ mơ cho đến nặng như hôn mê, co giật. Mất cảm giác hoặc vận động, mất phản xạ gân xương.

- Biểu hiện của nguyên nhân gây mất bù: sốt, ỉa chảy, nôn...

Xét nghiệm:

- Áp lực thẩm thấu tăng > 320 mosm/L. Đường máu tăng cao > 25 - 30 mmol/L. Tăng natri máu.

- pH máu bình thường, dự trữ kiềm bình thường.

- Biểu hiện suy thận: Urê, creatinin máu tăng

3. Hôn mê do nhiễm toan acid lactic

Nhiễm toan acid lactic là một bệnh nhiễm toan chuyển hoá nặng do tăng acid lactic trong máu. Là một bệnh hiếm gặp, nhưng tỷ lệ tử vong cao, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

Nguyên nhân

Do uống quá nhiều biguanid sẽ làm phân huỷ quá nhiều glycogen dẫn đến tăng acid lactic.

Do thiếu oxy tổ chức: suy tim, các bệnh phổi phế quản mạn tính tắc nghẽn gây suy hô hấp, thiếu máu, sốc, chảy máu, mất máu...

Biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm

Lâm sàng:

Khởi đầu thường có tính chất đột ngột, hôn mê xảy ra rất nhanh, sau một vài giờ.

- Nôn nhiều, da nhợt nhạt, rối loạn ý thức, lơ mơ.

- Thân nhiệt giảm, huyết áp giảm, trụy tim mạch.

- Rối loạn nhịp thở: thở sâu, kiểu thở Kussmaul.

- Đái ít hoặc vô niệu.

Cận lâm sàng:

- Đường máu tăng vừa phải.

- Tăng acid lactic (bình thường acid lactic 0,56 - 2,2 mmol/l).

- Dự trữ kiềm giảm, pH máu giảm.

4. Hôn mê do hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng đường huyết hạ thấp < 3.9 mmol/l, nhưng hạ đường huyết có triệu chứng thường xảy ra khi đường huyết < 2.75 mmol/l. Đây là một cấp cứu gây tổn thương não không hồi phục.

Nguyên nhân

Do bệnh nhân ĐTĐ tiêm quá liều insulin, dùng quá liều thuốc điều trị bệnh hay phối hợp thuốc gây hạ đường huyết.

Sai lầm chế độ ăn: ăn quá muộn sau tiêm insulin, ăn không đủ no, bỏ bữa ăn, thiếu bữa ăn phụ. Rất nhiều bệnh nhân quan niệm rằng đối với bệnh ĐTĐ thì ăn càng ít tinh bột càng tốt, hay phải kiêng tuyệt đối các thức ăn có đường, nhịn ăn để giảm cân…Điều này là vô cùng nguy hiểm đặc biệt với những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị ĐTĐ.

Biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm

- Bệnh nhân đột ngột mệt, chóng mặt, vã mồ hôi, da xanh, run tay, cảm giác lạnh, tăng tiết nước bọt, muốn thỉu.

- Bệnh nhân cảm giác đói, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn.

- Biểu hiện thần kinh – tâm thần: nhìn đôi, rối loạn cảm giác, vận động, ảo giác, kích động…

- Nặng nhất là hôn mê sâu do hạ đường huyết, có thể xảy ra nhanh mà không có triệu chứng gì báo trước.

Khi gặp bệnh nhân hôn mê do ĐTĐ, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Nguồn tham khảo:
http://benhviendhqghn.com/y-hoc-thuong-thuc/hon-me-do-dai-thao-duong/96

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X