Hotline 24/7
08983-08983

Hơn 90% tử vong khi vỡ túi phình

Phình động mạch chủ ngực là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có nguy cơ tử vong rất cao khi túi phình bị vỡ. Tuy nhiên bệnh có thể phòng được nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt...

Triệu chứng thường xảy ra khi túi phình lớn nhanh, trong đó triệu chứng đau ngực thường hay gặp nhất. Trong ảnh: một bệnh nhân nhập viện điều trị do phình động mạch chủ ngực - Ảnh: Châu Anh
Triệu chứng thường xảy ra khi túi phình lớn nhanh, trong đó triệu chứng đau ngực thường hay gặp nhất. Trong ảnh: một bệnh nhân nhập viện điều trị do phình động mạch chủ ngực - Ảnh: Châu Anh

10g ngày 28/3, ông N.A.B. (45 tuổi, Q.Bình Tân, TPHCM) nhập viện tại Bệnh viện Q.7 với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.

Trở tay không kịp

Sau khi làm các xét nghiệm, bước đầu bác sĩ chẩn đoán ông B. bị viêm thần kinh liên sườn. Ông B. tiếp tục được theo dõi, làm các xét nghiệm, hội chẩn và bác sĩ chẩn đoán ông B. bị bệnh về tim mạch.

Đến 16g30 cùng ngày, bệnh viện cho ông B. làm thêm xét nghiệm cuối cùng để bổ sung chẩn đoán. Khoảng một tiếng sau, trong lúc chờ kết quả, ông B. đột ngột lên cơn co giật rồi tử vong.

Trước cái chết đột ngột của ông B., Bệnh viện Q.7 báo cáo ngay Sở Y tế TP và Công an Q.7 để làm rõ nguyên nhân tử vong của ông B..

Theo bà C.B.P. - vợ ông B. - buổi tối trước ngày mất, chồng bà đi làm về thấy đau ngực, khó thở nên đã nhờ đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện Q.7. Nằm đến 4g sáng 28/3 thì ông B. ra về.

Vừa về tới nhà, ông B. tiếp tục lên cơn đau tức ngực, nằm ngủ không được nên bà P. đưa ông vào BV Chợ Rẫy cấp cứu. Thấy bệnh nhân cấp cứu đông, ông B. nói vợ đưa trở lại Bệnh viện Q.7 để điều trị. Chiều cùng ngày, khi bà về nhà có việc, bệnh viện đã điện báo ông B. đang hấp hối.

BS Trần Dư Đông - giám đốc Bệnh viện Q.7 - cho biết kết quả pháp y của cơ quan chức năng kết luận ông B. tử vong do vỡ túi phình quai động mạch chủ ngực. Đây là bệnh lý rất khó phát hiện, khi túi phình vỡ ra thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Tuy nhiên, có người bị vỡ túi phình động mạch chủ ngực may mắn được các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cứu khỏi “lưỡi hái tử thần” là anh Phí Văn H., 19 tuổi.

Anh H. nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh H. bị bóc tách động mạch chủ ngực type A.

Sau tám giờ phẫu thuật cấp cứu, được thay toàn bộ gốc động mạch chủ, thay động mạch chủ lên và quai động mạch chủ, truyền sáu đơn vị máu và chế phẩm máu...anh H. đã hồi phục.

Chú ý hai tình huống

Theo PGS.TS Cao Văn Thịnh - trưởng Trung tâm huấn luyện kỹ năng lâm sàng - Bệnh viện mô phỏng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), phình động mạch chủ ngực là tình trạng giãn thường xuyên và khu trú một hay nhiều đoạn động mạch làm động mạch chủ ngực tại vị trí giãn trở nên yếu và phình ra. Đến lúc túi phình bị vỡ khiến người bệnh chết nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân bệnh chủ yếu là do xơ vữa động mạch (chiếm tới 95 - 98% trường hợp).

Phình động mạch chủ ngực thường gặp ở người lớn tuổi (50 - 80 tuổi), nam bị nhiều hơn nữ (1,7 nam/1 nữ). Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố như tuổi, giới, thói quen hút thuốc lá, bệnh lý tăng huyết áp, tình trạng rối loạn lipid máu và có tính gia đình...

Triệu chứng bệnh phình động mạch chủ ngực khi chưa có biến chứng lại khó nhận biết, chỉ được phát hiện tình cờ khi có đau ngực hoặc đi khám sức khỏe định kỳ.

Triệu chứng thường xảy ra khi túi phình lớn nhanh, trong đó triệu chứng đau ngực thường gặp nhất và bệnh nhân thường đau trước xương ức hoặc đau lan ra sau lưng.

Khi có biến chứng, có hai tình huống cần chú ý. Một là khi túi phình chèn ép vào các cơ quan lân cận: chèn ép khí phế quản gây khó thở, chèn ép thực quản gây khó nuốt, chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây khàn tiếng. Có khi túi phình làm tắc động mạch gian sườn gây triệu chứng liệt, dị cảm.

Hai là khi vỡ túi phình: vỡ túi phình là biến chứng đáng sợ nhất của phình động mạch chủ ngực vì tỉ lệ tử vong rất cao, trên 90% và đa số bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện.

Do vậy, khi bệnh nhân có triệu chứng đau ngực kèm theo mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, rất có thể đó là những dấu hiệu của phình động mạch chủ ngực vỡ.

Tầm soát, phát hiện sớm

Để phòng bệnh không nên hút thuốc lá, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường tập luyện thể thao. Với người có nguy cơ cao cần khám sức khỏe định kỳ, có ý thức phòng bệnh xơ mỡ động mạch, cao huyết áp...

Với bệnh nhân đã được phát hiện phình động mạch chủ ngực kịp thời, khi chưa có biến chứng cần lưu ý việc tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị.

Ngoài ra, bệnh nhân nên nắm rõ các triệu chứng của tình trạng túi phình dọa vỡ và vỡ để kịp thời tới bệnh viện cấp cứu khi cần thiết.

Về điều trị túi phình, theo PGS Thịnh, tùy vào vị trí túi phình, kích thước và diễn tiến phát triển của túi phình, các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân, điều kiện tâm sinh lý, hoàn cảnh bệnh nhân... bác sĩ sẽ đưa ra các phương án theo dõi và điều trị phù hợp.

Trường hợp đặc biệt - khi túi phình lớn hơn 5cm nhưng bệnh nhân chưa đồng ý mổ - cũng cần theo dõi cẩn thận và điều trị nội khoa kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, tập luyện của bệnh nhân, ngưng hút thuốc lá, điều trị rối loạn lipid máu, điều trị cao huyết áp, đề phòng té chấn thương làm vỡ túi phình.

Khi có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật thay thế đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo hoặc can thiệp đặt ống ghép nội mạch.

Tỉ lệ vỡ phình động mạch chủ ngực tỉ lệ thuận với kích thước túi phình. Khi đường kính túi phình lớn trên 5cm thì sự phát triển và khả năng vỡ rất khó dự đoán. Hiếm khi túi phình dưới 4cm bị vỡ.

Với túi phình từ 5-6cm thì tỉ lệ vỡ trong 5 năm là 16%, túi phình trên 6cm tỉ lệ vỡ là 30%.

Nguy cơ tử vong khi vỡ túi phình trong 24 giờ là 90%. Việc kịp thời hồi sức và phẫu thuật không nhiều, hầu hết bệnh nhân tử vong trước khi tới được bệnh viện.


Theo Lê Thanh Hà - Tiến long - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X