Hotline 24/7
08983-08983

Hơn 90% người bệnh suy tim chưa có lối sống lành mạnh

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Ba Lan cho thấy chỉ có dưới 10% người bệnh suy tim thay đổi lối sống lành mạnh sau khi mắc bệnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên, kiểm soát lượng nước uống và muối trong chế độ ăn uống mỗi ngày.

Không dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, không thay đổi lối sống lành mạnh là những yếu tố góp phần khiến các triệu chứng suy tim thêm trầm trọng, làm tăng nguy cơ khiến người bệnh phải nhập viện.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây từ Đại học Y Wroclaw (Ba Lan), chỉ có khoảng 7% người bệnh suy tim thực sự tuân theo các khuyến nghị của bác sỹ về việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn, nhằm cải thiện căn bệnh nguy hiểm này. Các nhà khoa học cũng cho rằng, nguyên nhân lớn nhất có thể là do người bệnh cảm thấy cô đơn và lười thay đổi lối sống.

4 thay đổi lối sống mà hầu hết người bệnh suy tim được khuyến cáo bao gồm: Theo dõi cân nặng hàng ngày hoặc 3 lần/tuần, ăn ít muối, kiểm soát lượng nước uống và tập thể dục đều đặn hơn.

Tuy nhiên, theo Natalia Świątoniowska - tác giả nghiên cứu, bệnh nhân ít khi tuân thủ những khuyến cáo điều trị suy tim này, nhất là tăng cường hoạt động thể chất, ăn giảm muối và kiểm soát lượng nước uống.

Người bệnh suy tim nên chú ý theo dõi cân nặng, có chế độ ăn uống lành mạnh

Thay đổi lối sống tốt cho người bệnh suy tim như thế nào?

Phù do dư thừa chất lỏng là một triệu chứng thường gặp ở người bệnh suy tim. Do đó, hạn chế nước trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Theo dõi cân nặng hàng ngày cũng rất quan trọng vì tăng cân đột ngột trong một vài ngày có thể cảnh báo người bệnh suy tim đang bị giữ nước. Triệu chứng này có thể xuất hiện trước khi người bệnh suy tim cảm thấy khó thở, sưng, phù chân…

Vậy tại sao người bệnh suy tim nên hạn chế tiêu thụ muối ăn? Các nhà khoa học cho rằng, ăn quá nhiều muối có thể khiến tình trạng giữ nước thêm nghiêm trọng, từ đó làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim như khó thở, mệt mỏi…

Tốt hơn hết, người bệnh suy tim nên hạn chế tiêu thụ natri xuống còn dưới 2.000mg/ngày. Tùy từng mức độ suy tim mà hàm lượng tiêu thụ natri sẽ không giống nhau. Điển hình như đối với người bệnh suy tim nặng hoặc ở giai đoạn cuối gần như phải cắt giảm muối hoàn toàn.

Hãy luôn nhớ bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh suy tim

Khi bị suy tim, trái tim sẽ không có khả năng bơm đủ máu giàu oxy tới các cơ quan trong cơ thể. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người bệnh suy tim không thể có một cuộc sống trọn vẹn.

Nhìn chung, trong nhiều năm qua, tiên lượng cho bệnh suy tim đã được cải thiện đáng kể với ngày càng nhiều biện pháp giúp quản lý bệnh hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu mới nói trên, Natalia Świątoniowska cảnh báo cần tăng cường các chiến lược, khuyến cáo điều trị suy tim để người bệnh hiểu tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống lành mạnh.

Các nhà khoa học cũng gợi ý việc cần nâng cao hiểu biết của người nhà, người chăm sóc cho người bệnh suy tim. Họ sẽ cần chú ý, đảm bảo người bệnh uống thuốc đúng giờ, có chế độ ăn lành mạnh hay khuyến khích người bệnh tập thể dục đều đặn hơn.

Theo Vi Bùi - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X