Hotline 24/7
08983-08983

Hồi phục 90% sau đột quỵ, chủ doanh nghiệp kể lại giây phút chạm trán tử thần

Nhờ thuộc lòng dấu hiệu nhận biết đột quỵ, một chủ doanh nghiệp ở Cần Thơ đã được cấp cứu, điều trị kịp thời. Ông xuất viện với sức khỏe phục hồi trên 90%.

Ngày 26/11, bệnh nhân đột quỵ N.V.B. (67 tuổi, ở Cần Thơ) xuất viện với sức khỏe phục hồi trên 90%.

Trước đó, vào lúc 5h10 ngày 21/11 khi đang đạp xe tập thể dục cùng với bạn thì bỗng dưng ông B. bị tê mặt, sau đó tê xuống tay và chân phải. Vội tấp xe vào lề, ông gọi ngay cho vợ mình, chuyển vào Bệnh viện Đột Quỵ Tim mạch Cần Thơ (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ).

Trong vòng 1 giờ, ông được chở đến bệnh viện bằng xe máy và bảo vệ nhanh chóng đẩy vào phòng cấp cứu bằng xe lăn. Qua kết quả chụp MRI, bác sĩ phát hiện ông bị nhồi máu não. Ekip cấp cứu quyết định điều trị bằng phương pháp tiêm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Sau khi tiêm khoảng 5 giờ, ông B. thấy mình hồi phục dần, tay chân cử động tốt. Ông rất vui mừng vì miền Tây có một bệnh viện chuyên khoa Đột quỵ với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại giúp việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ đạt kết quả tốt nhất mà không cần phải chạy đi Sài Gòn.

Hình ảnh mạch máu não của ông N.V.B. trên MRI

Khỏe mạnh trở lại sau 5 ngày điều trị, ông B. mô tả cảm nhận của mình khi cơn đột quỵ xảy đến: “Đầu tiên là lạnh cái đầu, tui cảm giác như tóc gáy dựng lên, rồi xuống tới mắt, rồi tê môi ở nửa bên miệng, sau 10 giây tê tay, 10 giây kế tiếp tê tới chân. Lúc này tui biết là mình bị đột quỵ. Tui nhanh chóng thắng xe bằng tay trái vì tay phải không còn cảm giác gì, cố gắng không bị té. Rồi gọi điện thoại kêu bà xã đưa vô bệnh viện đột quỵ”.

Ông B. nhấn mạnh: “Bệnh đột quỵ đưa ra dấu hiệu dễ nhận biết lắm, quan trọng là mình đừng có chủ quan và coi thường. Nếu có dấu hiệu như tui vừa kể trên thì anh em tích cực đi bệnh viện liền, càng chậm trễ thì rủi ro càng cao”.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, đây là trường hợp điển hình bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu trong giờ vàng, khả năng phục hồi rất cao, gần như 100% bệnh nhân có thể quay về cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp đáng tiếc do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, nhiều bệnh nhân đột quỵ từ miền Tây đi lên Sài Gòn và chính thời gian di chuyển đã làm mất đi cơ hội được cứu chữa tốt nhất, thậm chí là mất đi cơ hội sống. Do đó, nhận thức của cộng đồng và vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng.

Đức Thịnh - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X