Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị Trump - Kim ở Hà Nội: Bệ phóng "tên lửa kinh tế" Triều Tiên?

TT Trump đã đi từ mỉa mai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "gã tên lửa" đến ca ngợi đất nước này sẽ có tên lửa, nhưng là "tên lửa kinh tế". Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội có thể là bước ngoặt dẫn đến tương lai mở cửa, tăng trưởng và giàu cơ hội hơn cho đất nước đang cải cách sâu rộng dưới thời ông Kim Jong Un.


Dưới cái nắng gay gắt tại đảo Sentosa, Singapore, và sự hồi hộp dõi theo của truyền thông quốc tế, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, với quá khứ đe dọa lẫn nhau qua từng dòng “tweet”, từng vụ thử tên lửa hạt nhân, đã trao nụ cười thiện chí và cái bắt tay đầu tiên trong lịch sử vào ngày 12/6/2018.

Trước đó, trả lời phóng viên ở Nhà Trắng ngày 1/6/2018 sau gặp gỡ quan chức số hai của Triều Tiên Kim Yong Chol, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Singapore sẽ chỉ là điểm khởi đầu sau 7 thập kỷ thù địch. "Đó là một tiến trình trình", ông Trump nói.

Và đó là sự thật. Dù tại Singapore cả hai đưa ra tuyên bố chung hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa, Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un không đề ra tiến trình và các giải pháp cụ thể. Giới quan sát vẫn đang chờ bước tiếp theo, một lộ trình rõ ràng với mức độ cam kết cao hơn nhằm giải quyết triệt để xung đột.

Ông Trump và ông Kim bắt tay khai mạc hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6/2018 tại Singapore. Ảnh: AP.


Tới ngày 5/2, Tổng thống Trump thông báo sẽ tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam. "Chủ tịch Kim và tôi sẽ lại gặp nhau vào 27-28/2 ở Việt Nam", ông Trump tuyên bố.

"Hai nhà lãnh đạo đã có bước đi đầu tiên tại Singapore hướng đến việc gác lại 70 năm thù địch. Giờ chúng tôi hy vọng họ sẽ tiến thêm một bước để đạt được những tiến bộ thực chất, vững chắc", người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui Kyeom phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày và nói thêm Việt Nam sẽ là nước chủ nhà tốt nhất, viện dẫn lịch sử chiến tranh và hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ.

Khác với cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất, hội nghị tại Việt Nam hứa hẹn mang những cam kết thực chất, cụ thể hơn giữa hai nhà lãnh đạo. Tâm thế của tổng thống Mỹ trước hai sự kiện dường như cũng khác. Trả lời phỏng vấn khi lên đường tới Singapore tháng 6/2018, Tổng thống Trump cho biết ông có linh cảm tốt về cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên.

"Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, sẽ trở thành một siêu cường kinh tế. Ông ấy có thể làm nhiều người ngạc nhiên nhưng sẽ không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi đã biết và hoàn toàn hiểu được khả năng của ông ấy. Triều Tiên sẽ trở thành một loại Tên lửa khác - Tên lửa Kinh tế!", ông Trump viết trên Twitter hôm 8/2.

"Chúng tôi nghĩ rằng ông Kim có tiềm năng lớn trở thành thế lực kinh tế, cường quốc kinh tế. Vị trí nằm giữa Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc là tuyệt vời, và họ có cơ hội trở nên thực sự thịnh vượng trong tương lai”, ông nói trong bài phát biểu ngày 15/2 tại Nhà Trắng, theo Reuters.

“Vậy nên tôi rất mong chờ cuộc gặp Chủ tịch Kim ở Việt Nam”.



Những lời khen của tổng thống Mỹ dành cho người đồng cấp Triều Tiên không phải không có căn cứ. Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, nền kinh tế nước này đã có những bước đi đầu tiên hướng tới kinh tế thị trường, trút bỏ hình ảnh kinh tế kế hoạch hóa tập trung lạc hậu, trong đó có thực phẩm phân phối theo khẩu phần và lao động do nhà nước quyết định.

Năm 2016, tại đại hội đầu tiên sau 36 năm của Đảng Lao Động Triều Tiên, ông Kim công bố chính sách phát triển kinh tế đồng thời với phát triển vũ khí hạt nhân, thay vì chỉ tập trung quân sự như trước đây. Và ưu tiên phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật được đưa lên hàng đầu.


"Triều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm cải cách kinh tế dưới thời ông Kim Jong Un", Bradley Babson, chuyên gia từ Ủy ban Quốc gia của Mỹ về Triều Tiên, nói với International Business Times.

Trong những năm đói kém thập niên 1990, nhiều chợ đen đã mọc lên tự phát trên khắp Triều Tiên khi hệ thống phân phối sụp đổ. Những chợ lớn nhất có thể có tới 17.000 tiểu thương. Các ước tính cho thấy “chợ tự do” hợp pháp như vậy nở rộ nhanh chóng, tăng từ 200 chợ năm 2010 đến khoảng 440 chợ đầu năm 2017, theo tờ Hankyoreh (Hàn Quốc).


KINU ước tính có tới 1,1 triệu gia đình, tức 18% dân số Triều Tiên (nếu tính trung bình 4 người/hộ gia đình) dựa vào thu nhập từ chợ, đồng thời nhận xét các chợ đã là “mạch máu của nền kinh tế Triều Tiên”.

“Các công ty được cho phép sản xuất những gì họ muốn, định giá và buôn bán với nhau”, Peter Ward, sinh viên sau đại học ở Đại học Quốc gia Seoul có đến Bình Nhưỡng năm ngoái, nói với Globe and Mail. “Cạnh tranh đã trở thành một khái niệm trong chính sách kinh tế Triều Tiên”.

Ông Kim cũng đã lập ra hơn 20 khu kinh tế, bước đầu tiên trong chiến lược mở cửa của mình.

Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Triều Tiên có cơ hội tận dụng nguồn tài nguyên giàu có với 200 khoáng sản khác nhau, bao gồm mỏ magie lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, và mỏ tungsten lớn thứ 6 thế giới, theo Cơ quan Địa chất Mỹ.

Triều Tiên được cho là có trữ lượng molypden tới 54.000 tấn. Nước này cũng giàu “đất hiếm” - những loại khoáng chất được coi là “vitamin của công nghệ cao” vì chúng được sử dụng để chế tạo thiết bị bán dẫn, điện thoại, theo Guardian. Trữ lượng đất hiếm ở Triều Tiên có giá trị có thể lên tới 10.000 tỷ USD, theo tình báo Hàn Quốc.

Nền kinh tế Triều Tiên những năm gần đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu than và quặng sắt sang Trung Quốc. Nếu mở cửa, Triều Tiên sẽ tiếp tục dựa vào tài nguyên khoáng sản dồi dào. Ảnh: Getty Images.

Khai thác khoáng sản, ngành đóng vai trò chủ đạo và chiếm 14% kinh tế Triều Tiên, vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nếu vượt qua được khó khăn. Dù luôn ưu tiên ngành này, Triều Tiên vẫn chỉ khai thác được trung bình dưới 30% tiềm năng, do thiếu thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn.

“Triều Tiên không mua được thiết bị vì đang khó khăn về kinh tế, thiếu năng lượng, và mạng lưới điện đã cũ và xuống cấp”, National Interest dẫn lời Lloyd Vasey của Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho biết.

Ông Kim Jong Un cũng tập trung tận dụng tiềm năng của ngành du lịch. Năm ngoái, ông ra lệnh phải hoàn thiện xây dựng khu du lịch Wonson ở bờ biển phía đông trước ngày 15/4, ngày sinh nhật cố chủ tịch Kim Nhật Thành. “Triều Tiên tự bỏ tiền đầu tư vào du lịch là điều khá bất ngờ”, Yang Moon Soo, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, nói với Korea Herald.

Khu du lịch Wonsan-Kalma bên bờ biển đang được xây dựng. Ảnh: Reuters.

Năm 2014, Triều Tiên lên kế hoạch xây dựng hành lang du lịch dọc bờ biển, nối Wonsan với núi Kumgang. Năm 2013, Triều Tiên xây khu trượt tuyết Masikryong và mở cửa sân bay Kalma cho máy bay dân dụng. Ước tính 26 triệu người Hàn Quốc – một nửa dân số - du lịch nước ngoài mỗi năm. Nếu các rào cản được dỡ bỏ, và một phần trong số đó lựa chọn thăm Triều Tiên vốn cùng ngôn ngữ và văn hóa, Triều Tiên sẽ thu về cả tỷ USD mỗi năm.

Đất nước bí ẩn vốn luôn thu hút sự tò mò của quốc tế lên kế hoạch đầu tư 7,8 tỷ USD vào du lịch cho đến năm 2025 để thu hút 1 triệu lượt khách nước ngoài.


Báo DongA của Hàn Quốc dẫn nguồn tin ngoại giao hôm 11/2 cho biết Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ chính thức ra tuyên bố hòa bình sau cuộc chiến 1950-1953 tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Nếu hiệp ước hòa bình được thông qua, lệnh cấm vận áp đặt lên Triều Tiên suốt nhiều thập kỷ có thể sẽ dần được dỡ bỏ, và thế giới sẽ có cơ hội chứng kiến một trong những đất nước bí ẩn và cô lập nhất thế giới mở cửa để hòa nhập vào toàn cầu hóa.

Khu công nghiệp Kaesong, do Hàn Quốc đầu tư và nằm trong lãnh thổ Triều Tiên, được kỳ vọng sẽ mở lại một khi Triều Tiên nhượng bộ về vấn đề hạt nhân. Ảnh: Reuters.

Trong buổi họp báo dịp năm mới hồi tháng 1, Tổng thống Moon cho rằng Hàn Quốc không nên bỏ lỡ “cơ hội ” một khi Triều Tiên mở cửa. “Quan điểm của tôi là dòng vốn quốc tế, bao gồm Trung Quốc, sẽ cạnh tranh đổ về Triều Tiên nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Triều Tiên mở cửa nền kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ điều quan trọng là Hàn Quốc không được bỏ lỡ cơ hội vào thị trường Triều Tiên để nắm thế chủ động”, ông Moon nói và khẳng định một khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Hàn Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu sơ bộ để thực hiện các dự án hợp tác kinh tế liên Triều với tốc độ nhanh.

Trước đó vào năm 2018, Tổng thống Moon trích dẫn nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc cho biết hợp tác thương mại liên Triều có thể mang lại 170 nghìn tỷ won (khoảng 150 tỷ USD) trong 30 năm tới.


Vào tháng 5/2018, tập đoàn Samsung, “người khổng lồ ” của nền kinh tế Hàn Quốc, đã thành lập “đội đặc nhiệm” đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường Triều Tiên, theo Wall Street Journal. Đây là tín hiệu rõ rệt nhất cho thấy các doanh nghiệp Hàn đang đi theo định hướng của chính phủ và đổ về Triều Tiên, hứa hẹn mang lại cho đất nước thuộc hàng kém phát triển nhất trên thế giới dòng vốn khổng lồ.



Các quan chức cấp cao của Triều Tiên và các nước liên quan từ nhiều tháng nay đã nhắc đến mô hình đi lên của Việt Nam sau chiến tranh để Triều Tiên tham khảo.

Khi ông Kim Jong Un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong hội nghị thượng đỉnh tháng 4/2018, lãnh đạo Triều Tiên đã đề cập cụ thể việc Bình Nhưỡng đi theo mô hình Việt Nam, theo Financial Times.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một phát biểu tại Hà Nội tháng 7/2018, cũng so sánh Triều Tiên với Việt Nam, một cựu thù của Mỹ nhưng nay đang có quan hệ thương mại có tổng trị giá 54 tỷ USD với Mỹ.

“Phép màu đó bây giờ có thể là phép màu của các bạn”, ông Pompeo gửi gắm thông điệp tới Triều Tiên.

“Làm sao xây dựng được quan hệ, xóa bỏ thù địch, bình thường hóa quan hệ, đó là những kinh nghiệm của Việt Nam mà ông Kim Jong Un có thể tham khảo”, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức nói với Zing.vn.

Các chuyên gia kinh tế nói có sự tương đồng giữa Việt Nam thập niên 1980 và Triều Tiên ngày nay. Khi thời kỳ Đổi mới bắt đầu, Việt Nam bị cô lập với các nước phương Tây và rất giới hạn trong việc tiếp cận thị trường và các định chế tài chính quốc tế.

Việt Nam, vốn lấy nông nghiệp làm chủ đạo, cải cách bằng cách cho phép nông dân tự chủ trong việc trồng trọt và bán sản phẩm trực tiếp ra thị trường. Đến năm 1988, Việt Nam đã chuyển từ nhập khẩu sang xuất khẩu lương thực, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với Financial Times.

“Với điều kiện sẵn có về cơ sở hạ tầng và nền công nghiệp đã điện khí hóa, cơ khí hóa, tôi cho rằng nếu mở cửa, Triều Tiên sẽ phát triển nhanh hơn Việt Nam thời Đổi mới”, ông Dương Chính Thức nói với Zing.vn.

Một số nhà phân tích khác cho rằng việc tham khảo sẽ có giới hạn, vì Triều Tiên bị cô lập kinh tế với thế giới tận 6 thập kỷ, lâu hơn nhiều so với Việt Nam là 2 thập kỷ, theo Financial Times.

“Việc thị trường hóa kinh tế Triều Tiên đã đạt đến độ mà việc nới lỏng cấm vận trở nên bắt buộc với ông Kim. Nếu không, tầng lớp giàu có ở nước này sẽ mất cơ hội buôn bán, làm ăn, và có thể không tiếp tục ủng hộ ông Kim”, Justin Hastings, một học giả ở Đại học Sydney, nói với Globe and Mail.

Việc ông Kim sẵn sàng bàn về phi hạt nhân hóa “chứng tỏ ông muốn chuyển đổi đất nước và giao thương với thế giới”, Lu Chao, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Triều Tiên, nói với The Globe and Mail.


Theo Trọng Thuấn - Hương Ly - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X