Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị khoa học BV Đại học Y dược TPHCM: Cập nhật những kiến thức bệnh lý ở người cao tuổi

Bắt đầu vào những phiên báo cáo trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh lý ở người cao tuổi, sức nóng và lôi cuốn được thể hiện rõ nét bởi những thông tin mới mẻ, thực tiễn.

Dân số Việt Nam đang ở mức già hóa. Theo nghiên cứu, chỉ khoảng 20 năm nữa, tỉ lệ người cao tuổi của nước ta tăng khá nhanh và chiếm tỉ lệ cao, tháp dân số chính thức chuyển sang già. Chính vì thế, sức khỏe của người cao tuổi dần được chú trọng và luôn dành được mối quan tâm đặc biệt, nhất là trong ngành Y tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc BV Đại học Y dược TPHCM phát biểu khai mạc tuần Hội nghị khoa học

Các báo cáo chuyên sâu của các chuyên gia về Lão khoa nhằm cung cấp kiến thức cơ bản và cập nhật về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý  thường  gặp    người  cao  tuổi  như: Thuyên tắc huyết khối  tĩnh  mạch, Đau mạn tính không do ung thư, Các bệnh lý tim mạch...

Giảng đường 3A của BV Đại học Y dược chật kín chỗ do lượng học viên đăng kí tăng đột biến. Mọi vị trí ngồi trong hội trường đều chật kín. Ban tổ chức đã bố trí một phòng họp kết nối trực tuyến với giảng đường, phát sóng trực tiếp bài trình bày của các báo cáo viên.

Thuốc dạng uống làm giảm nguy cơ chảy máu trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

Đó là nội dung chính trong phiên báo cáo “Cập nhật điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở người cao tuổi” của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa - ĐH Y dược TPHCM. Đây cũng là bước tiến mới trong nền y học hiện đại trên thế giới.

Thuốc chống đông có 2 mặt: một phần là ngừa cục máu đông hình thành gây tắc động mạch não sẽ dễ gây ra đột quỵ nhưng mặt trái của việc dùng thuốc này lại khiến dễ gây chảy máu. Do đó, nếu người điều trị không khéo, không thành công sẽ dễ gây ra tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dạ dày tá tràng. Đặc biệt ở đối tượng người lớn tuổi, biến chứng nguy hiểm nhất có thể gặp là tình trạng tử vong. Vì thế, khi sử dụng thuốc chống đông thì người thầy thuốc phải theo dõi kĩ, tránh để xảy ra tình trạng xuất huyết hoặc phải nhanh chóng phát hiện và xử trí kịp thời.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM đang trình bày phần báo cáo của mình về điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí cho biết: Trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở người cao tuổi, đang cân nhắc và có sự chuyển mình, điều chuyển sang từ thuốc đường tiêm sang đường uống.

Thuốc đường tiêm trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch vốn ở thế thượng phong trong điều trị, đó cũng là cứu cánh cho sinh mạng bệnh nhân trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, khoa học luôn phát triển không ngừng, đến nay người ta đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng dạng thuốc điều trị bằng đường uống. Quan niệm thuốc đường tiêm mạnh hơn thuốc đường uống không còn chính xác về mọi mặt. “Nhiều nghiên cứu lớn được thực hiện ở Mỹ cho thấy rằng hiệu quả của hai thuốc đường tiêm và đường uống tương đương nhau. Đặc biệt, thuốc điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đường uống ít gây chảy máu hơn. Thực tế trong điều trị, người ta cũng đánh giá được tính hiệu quả và thực tế của nghiên cứu này” - PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí trình bày.

Một trong những lưu ý hết sức quan trọng từ PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí nữa là: Để áp dụng phác đồ điều trị 1 thuốc thì nên nhớ rằng 21 ngày đầu là nên dùng liều 30 mg, bởi vì trong 21 ngày đầu, huyết khối được hình thành rất nhanh. Nếu không cho đủ liều thì việc điều trị không mang lại hiệu quả. Nếu qua 21 ngày đầu, qua thời kì huyết khối hình thành dày đặc thì có thể giảm liều xuống còn 20 mg và điều trị trong khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn tùy theo đánh giá trên bệnh nhân cụ thể.

Sử dụng opioid lâu dài trong điều trị đau mãn tính không do ung thư

Đề tài được trình bày bởi TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ - BV Đại học Y dược TPHCM. Bằng kinh nghiệm điều trị của mình, TS.BS Thân Hà Ngọc Thể nhấn mạnh: Để đạt được hiệu quả điều trị trong việc sử dụng nhóm thuốc opioid với bệnh nhân đau mãn tính không do ung thư, bác sĩ điều trị cần phải làm lòng khuyến cáo sử dụng.

Đau mạn tính không do ung thư là tình trạng đau từ 3 tháng trở lên do mọi nguyên nhân không phải ung thư. Các yếu tố ảnh hưởng đau có thể do: Đa bệnh lí; Thuốc; Tâm lý, kinh tế, xã hội; Quan niệm, niềm tin; Suy giảm chức năng giác quan; Thụ cảm đau; Suy giảm chức năng thần kinh...

Trong một nghiên cứu được TS.BS Thân Hà Ngọc Thể đưa ra tại Mỹ: Có tới 11,2 người lớn có tình trạng đau mãn tính và chỉ 3-4% được điều trị opioids lâu dài. Tính riêng từ năm 1999 - 2014, có tới 165.000 người chế vì quá liều opioid. Từ thực tế trên, các bác sĩ thường lo ngại: Tình trạng sử dụng opioids không đúng cách; sự thiếu hiểu biết về sử dụng opioids và cả việc khó kiểm soát đau mãn tính.

Khi vào cơ thể, thuốc opioid sẽ liên kết với các thụ thể opioid tập trung nhiều ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại biên và đường tiêu hóa… Tác động giảm đau của thuốc opioid là làm giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.

Việc sử dụng opioids lâu dài phải đặt tính hiệu quả và an toàn người bệnh lên hàng đầu

Các khuyến cáo khi sử dụng opioids lâu dài trong điều trị đau mãn tính không do ung thư:

- Điều trị không dùng thuốc và điều trị thuốc nonopioid là lựa chọn đầu tiên. Nếu sử dụng opioid, cũng nên phối hợp với điều trị không dùng thuốc và điều trị thuốc nonopioid.

- Trước khi bắt đầu điều trị opioid, nên thiết lập mục tiêu điều trị với bệnh nhân (mục tiêu cần thực tế gồm cải thiện dau và chức nưng): Nên xem xét ngưng điều trị nếu ích lợi nhỏ hơn nguy cơ; Chỉ tiếp tục khi giảm đau và cải thiện và mức an toàn lớn hơn nguy cơ.

- Trước khi bắt đầu và định kỳ trong suốt quá trình điều trị, cần thảo luận với bệnh nhân về các nguy cơ, lợi ích, trách nhiệm của bệnh nhân - bác sĩ trong quá trình điều trị.

- Khi khởi đầu điều trị opioid cho đau mãn tính, nên kê đơn opioid phóng thích nhanh trước thay vì kê đơn opioids tác dụng dài hay phóng thích kéo dài.

- Khi khởi trị, nên kê liều thấp nhất có hiệu quả, với thận trọng đánh giá lợi ích và nguy cơ khi tăng liều đến bằng hoặc lớn hơn 50 morphine milligram euivalents (MME)/ ngày, nên tránh tăng liều lớn hơn hoặc bằng 90 MME/ ngày.

- Sử dụng opioid lâu dài thường bắt đầu với điều trị đau cấp. Khi điều trì trị đau cấp cũng nên bắt đầu với opioids tác dụng nhanh ở liều thấp nhất có hiệu quả, không nên kê liều cao quá mức cần thiết với thời gian dài quá đủ để gây ra phụ thuộc opioid. Thường chỉ cần điều trị dưới hoặc đủ 3 ngày, hiếm khi cần phải điều trị trên 7 ngày.

- Trong 1-4 tuần đầu sau khi khởi trị opioid cho đau mãn tính hay khi điều chỉnh liều, bác sĩ cần đánh giá lợi ích và tác hại điều trị với bệnh nhân, và điều này cần được thực hiện mỗi 3 tháng nếu vẫn tiếp tục điều trị opioid là lợi thấp hơn hại, bác sĩ nên tối ưu hóa các biện pháp điều trị phối hợp, hạ liều dần và cân nhắc ngưng điều trị opioids.


- Trước khi bắt đầu và định kỳ điều trị lâu dài opioid, bác sĩ cần đánh giá các yếu tố nguy cơ dễ bị tác hại liên quan opioid. Cần có kế hoạch hạn chế nguy cơ, bao gồm cả việc cho sẵn naloxone khi bệnh nhân có quá nhiều yếu tố nguy cơ bị quá liều opioid, như: tiền sử đã từng bị quá liều thuốc, sử dụng các thuốc dùng dưới dự kiểm soát, liều opioid cao (từ 50 MME/ ngày), dùng chung với benzodiazepine.

- Bác sĩ cần xem lại bệnh sử dùng thuốc gây nghiện của bệnh nhân, xác định liều opioids đang được kê đơn và có kết hợp nào nguy hiểm làm bệnh nhân có nguy cơ cao bị quá liều. Điều này phải được thực hiện khi khởi trị và định kỳ mỗi 3 tháng.

- Cần thử thuốc trong nước tiểu bệnh nhân trước khi khởi trị và xem xét làm bệnh nhân này ít nhất mỗi năm 1 lần để đánh giá thuốc kê đơn, thuốc dùng trong sự kiểm soát và thuốc dùng bất hợp pháp.

- Nên tránh kê đơn thuốc giảm đau opioid cùng lúc với benzodiazepines.

- Đối với bệnh nhân có rối loạn sử dụng opioid, nên tạo điều kiện cho bệnh nhân được điều trị hỗ trợ thuốc với buprenorphine hay methadone phối hợp với trị liệu hành vi.

Lê Bình
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X