Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng quá kích buồng chứng có nguy hiểm không, cách điều trị như thế nào?

Hội chứng quá kích buồng trứng (HC QKBT) là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân có sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh.

HC QKBT được định nghĩa là sự gia tăng kích thước buồng trứng xảy ra đồng thời với tình trạng cô đặc máu kèm tràn dịch các khoang cơ thể (màng bụng, màng tim, màng phổi…) và rối loạn huyết động học.

Hội chứng kích thích buồng trứng
Hội chứng kích thích buồng trứng

1. Triệu chứng

Ban đầu thường gặp là cảm giác căng tức vùng bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, khó thở.

Khám lâm sàng có các dấu hiệu như tăng cân nhanh, buồng trứng to và nhiều nang, thiểu niệu hay vô niệu, cô đặc máu (Hct 45 - 55%), tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi, rối loạn nước điện giải (tăng K+, giảm Na+).

Các triệu chứng có thể rầm rộ nhưng thường tự hồi phục trong khoảng thời gian từ 10 - 14 ngày và có thể trở thành nặng nếu bệnh nhân mang thai do nồng độ hCG trong máu tăng nhanh.

Tuy nhiên trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp tử vong trong giai đoạn cấp tính, do đó cần đánh giá đúng mức tình trạng bệnh nhân và xử lý kịp thời

2. Phân độ

Theo phân độ của Golan (1989), HCQKBT được chia thành 3 độ:

Độ I - Quá kích nhẹ: kích thước buồng trứng từ 5-10 cm. Bệnh nhân cảm giác khó chịu vùng bụng dưới như căng bụng và đau kèm những triệu chứng rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Độ II - Quá kích trung bình: bên cạnh những triệu chứng của độ I nặng dần lên, bệnh nhân tăng cân nhanh có thể trên 3kg/ngày. Siêu âm thấy kích thước buồng trứng > 10 cm và nhiều dịch ổ bụng.

Độ III - Quá kích nặng: buồng trứng tăng trên 12 cm, các triệu chứng quá kích vừa sẽ nặng hơn đồng thời có tràn dịch màng phổi, màng tim, tăng cô đặc máu có thể đưa đến thiểu niệu hay suy thận cấp.

Nặng hơn bệnh nhân có thể có rối loạn đông máu và thuyên tắc mạch do huyết khối, hội chứng suy hô hấp cấp, suy giảm chức năng gan.

Tuy nhiên phân độ bệnh chỉ có tính chất tương đối vì diễn tiến bệnh đôi khi không rõ ràng và phức tạp nên điều quan trọng là phải đánh giá đúng mức độ rối loạn về sinh lý bệnh và chức năng để theo dõi và điều trị thích hợp. Mặc khác, khi kích thích buồng trứng chúng ta nên chú ý đến các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng quá kích buồng trứng như tuổi dưới 30, gầy, nồng độ estradiol trong máu cao > 4000 pg/ml hoặc tăng cao đột ngột, buồng trứng có quá nhiều nang (>35 nang) hay những bệnh nhân với chẩn đoán là buồng trứng đa nang.

3. Điều trị

Nguyên tắc điều trị: điều trị triệu chứng và bảo tồn. Chỉ can thiệp ngoại khoa khi buồng trứng vỡ gây chảy máu trong hay buồng trứng bị xoắn. Chiến lược theo dõi và điều trị tuỳ mức độ nặng nhẹ của hội chứng.

Điều trị ngoại trú: bệnh nhân có quá kích buồng trứng nhẹ. Chủ yếu nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động. Uống nhiều nước, trên 2 lít nước mỗi ngày và ăn nhiều thịt, ăn mặn. Theo dõi vòng bụng, cân nặng và lượng nước tiểu mỗi ngày. Nếu triệu chứng diễn tiến nặng hơn như biếng ăn, buồn nôn, nôn nhiều, không uống được, cân nặng và vòng bụng tiếp tục tăng nhanh hay tiểu ít đi, cần khám bác sỹ để làm thêm xét nghiệm xem có cần nhập viện hay không.

Điều trị nội trú: chỉ định nhập viện khi bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa, không ăn uống được hoặc nôn mửa và tiêu chảy trong vòng 48 giờ sau tiêm hCG.

Thăm khám thấy bụng căng, chướng nhiều, đau, có dấu hiệu kích thích phúc mạc. Huyết áp giảm so với bình thường hoặc có các triệu chứng của giảm huyết áp.

Xét nghiệm: Hct tăng cao, kèm những rối loạn điện giải và chức năng gan thận. Siêu âm thấy nhiều dịch trong bụng hay kích thước buồng trứng trên 10cm.

Nếu bệnh nhân không có thai trong lần điều trị này, HC QKBT sẽ giảm nhanh và khỏi trong 10 ngày.

Các triệu chứng thường diễn tiến nặng hơn nếu bệnh nhân có thai. Trong trường hợp này, HC QKBT có thể kéo dài tiếp tục vả giảm dần vào khoảng 4-5 tuần sau khi chuyển phôi.

5. Dự phòng

Trong khi kích thích buồng trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, nếu bệnh nhân có nguy cơ của HC QKBT cao, có thể có các biện pháp dự phòng sau:

Ngừng toàn bộ chu kỳ điều trị khi có dấu hiếu quá kích buồng trứng sớm.

- Tiếp tục theo dõi nhưng giảm liều hoặc ngừng thuốc kích thích buồng trứng

- Truyền dịch chứa albumin.

Trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi ở chu kỳ sau. Nếu có chuyển phôi, sử dụng phác đồ hỗ trợ giai đoạn hoàng thể không có hCG

Hội chứng quá kích buồng trứng là biến chứng thường gặp khi sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong các chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Đa số trường hợp tự khỏi hoàn toàn nhưng cũng có vài trường hợp diễn tiến nặng và có thể tử vong nếu không can thiệp đúng mức.

Nhân viên y tế và người bệnh cần nhận biết các triệu chứng và phân độ lâm sàng để có biện pháp can thiệp kịp thời và thích hợp để tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Theo Trung tâm IVF BV Bạch Mai
hiemmuonbachmai.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X