Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng Lyell: Nhiều biến chứng nguy hiểm

Hội chứng Lyell là phản ứng của cơ thể khi gặp tác nhân gây dị ứng. Nguyên nhân gây hội chứng này chủ yếu là do thuốc Tây.

Ngày 1/12, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cấp cứu một bệnh nhân (BN) 11 tuổi (Quảng Bình) trong tình trạng da bị phồng rộp toàn thân kèm theo tổn thương loét miệng, sốt cao, khó thở.

Bác sĩ (BS) chẩn đoán BN bị hội chứng Lyell: hiện tượng cơ thể bị dị ứng, nghi do uống nước ngọt. Theo thông tin từ người nhà, hai giờ trước khi cơ thể xuất hiện những mẩn đỏ, BN có uống một loại nước ngọt.

Khi được thông tin về trường hợp này, BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám da liễu cơ sở 2, Trường ĐH Y Dược TPHCM và BS Trần Thế Viện, BV Da liễu TPHCM, đều khẳng định “thực tế lâm sàng và cả trong y văn cũng chưa bao giờ gặp trường hợp bị hội chứng Lyell do uống nước ngọt”.

Hoi chung Lyell: Nhieu bien chung nguy hiem
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Hội chứng Lyell là phản ứng của cơ thể khi gặp tác nhân gây dị ứng. Nguyên nhân gây hội chứng này chủ yếu là do thuốc Tây; hiếm gặp hơn có thể do nhiễm một số loại vi khuẩn, vi-rút như Mycoplasma pneumoniae hay Herpes simplex virus; do tiêm ngừa, uống thuốc Đông y, một số loại thức ăn...

Thông thường, sau khi uống thuốc từ 4-28 ngày mới xuất hiện triệu chứng; tuy nhiên cũng có những trường hợp biểu hiện sau khi uống thuốc vài giờ nếu uống lại cùng một loại thuốc đã dị ứng trước đó. Một số trường hợp hội chứng có thể xảy ra sau 8-10 tuần uống thuốc.

Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào tình trạng người bệnh bị nổi mẩn, phồng rộp sau khi uống nước ngọt mà quy kết nguyên nhân do uống nước ngọt thì chưa đủ cơ sở. Cần phải tìm hiểu xem trước đó người bệnh có dùng loại thuốc nào hay không.

Những triệu chứng khởi đầu (từ 1-3 ngày) của Lyell thường là tình trạng mệt mỏi, sốt 38-390 C, ngứa mắt, biếng ăn; diễn tiến tiếp theo là tình trạng viêm, đau da (mảng bầm, đỏ da) có cảm giác đau rát, ngứa và nổi phồng nước trên da; nặng hơn là tình trạng bong tróc da và nhiều vùng niêm mạc (mắt, miệng, sinh dục: viêm kết mạc mắt, lở loét mệng gây đau rát, mài máu ở môi, trợt lở sinh dục) và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác (gan, thận, phổi, máu...).

Nếu không được điều trị kịp thời, Lyell gây nên những biến chứng nặng nề: nhiễm trùng, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn điện giải, loét đường tiêu hóa, suy đa cơ quan và dẫn đến tử vong.

Theo BS Trần Thế Viện, ngay khi thấy xuất hiện triệu chứng của Lyell, người bệnh cần ngưng ngay thuốc đang dùng, tránh làm vỡ các phồng nước trên da, đến BV (có phòng cấp cứu hay phòng hồi sức) gần nhất hay gọi số điện thoại cấp cứu. Khi đi nên đem theo tất cả toa thuốc hay thuốc đã dùng trước đó để BS có cơ sở chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

Những loại thuốc dễ gây dị ứng có thể kể đến như sau (mức độ theo thứ tự): Allopurinol, Carbamazepine, Lamotrigine, Oxicams NSAIDs, Phenobarbital, Phenytoin, Sulfamethoxazole, Sulfaxalazine, Aminopenicillines, Cephalosporins, Quinolones. BS Trần Thế Viện lưu ý thêm, thực tế tại BV Da liễu TP.HCM, ngoài thuốc Tây y, một số BN sau khi dùng thuốc Đông y, thuốc Bắc vẫn bị Lyell.

Để hạn chế khả năng bị Lyell, người bệnh cần uống thuốc theo toa BS, không nên tự điều trị bằng thuốc không rõ tên hay đã bị tháo nhãn mác. Sau khi uống nên giữ lại toa thuốc.

Khi đi khám bệnh phải báo cho BS tên các thuốc từng gây dị ứng; nếu dùng lại thuốc đã từng gây dị ứng thì triệu chứng của những lần sau sẽ nặng nề hơn so với lần đầu tiên. Thuốc Đông y gây dị ứng với tỷ lệ khá cao. Người bệnh không nên tùy tiện dùng thuốc Đông y, khi chưa có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Theo An Hà - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X