Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng cổ vai thường gặp ở đối tượng nào?

Hội chứng cổ vai khởi phát thường căng tức, mỏi nặng vùng cổ vai gáy, khi không điều trị kịp thời cơn đau dữ dội hơn, co thắt, căng cứng, đau liên tục, hạn chế xoay cổ.

Điều trị hội chứng đau vùng cổ vai - Ảnh: BS HỒ NGỌC LIỂNG
Điều trị hội chứng đau vùng cổ vai - Ảnh: BS HỒ NGỌC LIỂNG

Mới đây, chị N.T.N. (43 tuổi) đến Bệnh viện Y học cổ truyền khám bệnh vì bị đau vùng cổ gáy hơn một năm nay. Chị N. kể chị bị đau căng tức, mỏi nặng hai vai, thỉnh thoảng còn đau căng lên đầu, khi làm việc trong máy lạnh chị thấy đau hơn. Tình trạng đau kéo dài làm chị mệt mỏi, dễ cáu gắt.

Chị N. được các bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng đau cổ vai và được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ.

Thường gặp trong độ tuổi lao động

Hội chứng đau cổ vai thông thường gây ra khó chịu cho người đau, làm ảnh hưởng đến công việc cũng như chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khi hiểu và biết cách phòng ngừa sẽ dễ dàng tránh được bệnh lý này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng cổ vai. Các nguyên nhân hay gặp nhất như ngồi làm việc liên tục trong thời gian dài, đặc biệt ngồi làm việc với máy tính, nằm không đúng tư thế... Làm việc trong môi trường máy lạnh lâu làm co cơ vùng cổ gáy khiến giảm lượng máu nuôi khu vực này, gây ra đau vùng cổ gáy. Ngoài ra, hội chứng cổ vai còn do các nguyên nhân bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, chấn thương vùng cổ.

Hội chứng cổ vai khởi phát thường căng tức, mỏi nặng vùng cổ vai gáy, khi không điều trị kịp thời cơn đau dữ dội hơn, co thắt, căng cứng, đau liên tục, hạn chế xoay cổ. Đau ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm người bệnh khó vào giấc, giấc ngủ không sâu, dễ cáu gắt, bực bội, ảnh hưởng đến giao tiếp, công việc.

Khi bị hội chứng này, lúc ấn sẽ thấy đau ở vùng cột sống cổ và vùng vai, co cứng cơ vùng cổ vai. Đau thường tăng khi vận động cột sống cổ, vai, giảm ít khi nghỉ ngơi.

Các bác sĩ đông y thường dùng phương pháp cấy chỉ để trị bệnh. Cấy chỉ (nhu châm) là phương pháp đưa đoạn chỉ tự tiêu (làm bằng protein) vào trong huyệt, nhờ tác dụng kích thích huyệt liên tục làm khí huyết lưu thông, giảm đau, giảm co cứng cơ.

Không ngồi quá lâu

Để phòng bệnh tái phát, người bệnh cần chú ý không ngồi quá lâu, cứ mỗi 90 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ. Không nằm gối đầu quá cao để đọc sách hay nằm xem tivi, dễ làm sai tư thế cột sống cổ. Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm. Không bẻ cổ khi mỏi mà nên vận động cổ nhẹ nhàng.

Tư thế nằm khi ngủ nên nằm thoải mái, không nên kê chèn gối ôm nhiều sẽ ảnh hưởng sự xoay trở khi ngủ. Người bệnh nên tập luyện thể dục thể thao vừa sức 3 lần trong tuần, tập động tác trong bài tập vận động cột sống cổ để tăng khả năng chịu đựng, tăng sức dẻo dai của hệ thống gân cơ, dây chằng quanh cột sống, quanh vai.

Theo BS Hồ Ngọc Liểng/Bệnh viện Y học cổ truyền
Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X