Hotline 24/7
08983-08983

Học sinh, dân văn phòng dễ mắc bệnh cột sống cổ

Tư thế làm việc, học tập không đúng là một trong các yếu tố khiến ngày càng nhiều người bị mắc bệnh lý về cột sống cổ (CSC).

Bệnh không chỉ gặp ở người lớn mà còn có cả ở trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, thậm chí có bệnh nhân (BN) phải nằm liệt giường.

Bệnh do đặc thù nghề nghiệp

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thắng, chuyên khoa xương khớp, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bệnh lý CSC có thể tạm chia thành bốn nhóm.

Trước tiên là nhóm bệnh của xương (loãng xương, xẹp đốt sống, xơ đặc tạo chồi gai…). Tiếp đến là nhóm bệnh của đĩa đệm (thoái hóa đĩa đệm, lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm). Thứ ba là nhóm bệnh lý của các cơ và dây chằng cạnh cột sống (bong gân, dày xơ hóa…). Cuối cùng là nhóm bệnh cột sống do chấn thương vùng cổ rất đa dạng, phức tạp.

Lứa tuổi bị bệnh lý CSC thường gặp từ trung niên trở đi do lúc này cơ thể giảm độ dẻo dai, cơ, xương khớp và mạch máu kém độ đàn hồi hơn. Tuy nhiên, bệnh lý CSC còn do nhiều nguyên nhân nên có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Các biểu hiện của bệnh lý CSC thường gặp nhất là đau ở vùng cổ, gáy, cảm giác đau nhức khó chịu, có khi đau nhói. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay, bàn tay. Kèm theo đau, BN có thể có hạn chế vận động của CSC.

Các nguyên nhân của bệnh lý CSC chủ yếu do tư thế làm việc không đúng, thời gian chịu đựng của CSC ở một tư thế quá lâu (ví dụ người làm tóc, sử dụng máy vi tính quá lâu không đúng tư thế…), nằm ngủ gối quá cao, vị trí ngồi xem ti vi không đúng (không đối diện với màn hình).

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không phù hợp; ít vận động hoặc vận động quá nhiều CSC, dị tật, loãng xương, thoái hóa CSC (ở những người lớn tuổi), viêm, chấn thương vùng cổ cũng là nguyên nhân gây ra bệnh lý CSC.

Một số bệnh cột sống cổ có thể phòng ngừa

Bệnh lý CSC có thể trở nên nặng làm cho BN không thể tự do sinh hoạt, thậm chí bị yếu liệt tứ chi, nằm một chỗ. Tuy nhiên, BS Thắng cho rằng mọi người không nên quá lo lắng, bởi một số bệnh CSC có thể phòng ngừa, điều trị hết hoặc làm giảm quá trình diễn tiến bệnh.

Để tránh mắc các bệnh lý CSC, BS Thắng khuyên người dân cần phân phối hợp lý giữa thời gian lao động và nghỉ ngơi, không nên quá gắng sức trong công việc, hạn chế tối đa những tác động không tốt cho các đốt sống cổ.

Đối với người làm việc văn phòng, không nên ngồi liên tục quá 30 phút. Tư thế ngồi đúng, giữ cho CSC ở tư thế sinh lý (độ cao của bàn và ghế phải hợp lý), tập thể dục buổi sáng và giữa giờ đều đặn.

Khi xem ti vi, mọi người nên ngồi đối diện với màn hình, tránh ngồi lệch một bên làm CSC phải xoắn vặn. Trong lớp học, giáo viên nên đổi chỗ ngồi của học sinh từ trái qua phải và ngược lại trong hai-ba tháng/lần. Như vậy ngoài việc giúp cho cột sống không bị vẹo còn tốt cho mắt của học sinh.

BS Thắng đặc biệt cảnh báo mọi người không nên có động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả các động tác này sẽ làm tổn thương đốt sống cổ. Ngược lại lúc này chúng ta nên tập các động tác cổ nhẹ nhàng.

Việc điều trị bệnh lý CSC tùy vào từng loại bệnh và giai đoạn bệnh. Thông thường bác sĩ điều trị nội khoa (kết hợp dùng thuốc và tập luyện). Trường hợp đặc biệt mới can thiệp ngoại khoa (mổ) như: thoát vị đĩa đệm, trật khớp, gãy cột sống, chèn ép thần kinh…

AloBacsi.vn
Theo Trâm Anh - Phụ nữ online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X