Hotline 24/7
08983-08983

Hoang tưởng là dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần

Người tâm thần phân liệt trải qua thời gian âm thầm trước khi bắt đầu bệnh với biểu hiện ăn ngủ thất thường, lời nói không trôi chảy, cảm nhận có điều phi thực tế.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 26 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt. Tuy nhiên 50% chưa thể tiếp cận được với các phương pháp chữa trị thích hợp, chưa được hưởng toa thuốc an toàn và hiệu quả nhất theo quy chế kê đơn, chưa tiếp cận với y tế hiện tại mà còn tự chữa bệnh bằng bùa ngải hay những phương pháp phản khoa học trong đó có sự ngược đãi vô lý...

Bệnh tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nặng tác động đến tư duy, đến cách thức nhận thức và hành động. Bệnh thường diễn tiến kéo dài, bệnh nhân không có việc làm nhiều hơn 6-7 lần người bình thường dẫn đến vô gia cư, không kiểm soát hành vi gây thiệt hại cho bản thân và thiệt hại tính mạng cho người khác…

Kết quả 110 nghiên cứu trên hơn 45 nghìn bệnh nhân tâm thần phân liệt cho thấy có tới 18,5% bệnh nhân bị cư xử bạo lực. Tỷ lệ mắc một số bệnh khác như tim mạch, bệnh đường hô hấp, bệnh lây nhiễm cũng cao hơn và tử vong sớm hơn từ 10 đến 20 năm.

Ảnh: bbcimg

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử, đặc biệt đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt vẫn còn phổ biến. Ảnh: bbcimg

Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường khó nhận ra khác biệt giữa thực tế và hình ảnh tưởng tượng, có khó khăn trong lập luận, diễn đạt cảm xúc và trong hành động phù hợp. Có người xuất lộ sớm nhiều triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, tin vào những ý tưởng hay hình ảnh không thể có trong cuộc sống thực tại... Có người trải qua một thời gian lặng lẽ trước với các biểu hiện chủ yếu sau:

- Ngủ, ăn uống thất thường.

- Xuất hiện nhiều hành vi khác lạ.

- Biểu lộ dửng dưng thờ ơ, không biết cùng vui hay cùng buồn với mọi người.

- Lời nói, ý nghĩ không trôi chảy, ngập ngừng do ý tưởng trong đầu "bị đứt".

- Quan tâm quá mức với ý nghĩ bất thường, không có trong thực tế.

- Nói ra ý tưởng liên quan hay suy nghĩ về những sự việc hay vật gì đó có ý nghĩa khác lạ, phi lý.

- Thường xuyên cảm nhận đang có điều gì phi thực tế.

- Thay đổi cách thức biểu lộ một việc gì, một âm thanh hay cảm nhận giác quan khác.

Tâm thần phân liệt là một rối loạn có thể điều trị được và người bệnh có thể làm việc và sống bình thường với nhân viên y tế, với người thân trong gia đình. Phát hiện và điều trị càng sớm hiệu quả càng cao.

Ngày nay, cách nhìn nhận và thái độ của cộng đồng đối với người bệnh tâm thần đã thay đổi rất nhiều nhờ sự tiến bộ của khoa học. Tuy nhiên sự kỳ thị, phân biệt đối xử, đặc biệt đối với người bệnh vẫn còn là một thách thức, được hiểu như là tình trạng không được chấp nhận từ người bình thường, thể hiện dưới dạng trừng phạt trải qua với 4 bước:

- Gán tên xấu cho người bị bệnh và chuyển tên xấu đó thành sự khác biệt với người bình thường nhưngười điên, bà nhập, té giếng, tửng, khùng, ba lơn, mắc đằng dưới.

- Nhại lại và kết nối sự khác biệt trên với những biểu hiện không mong muốn.

- Chia cách nhóm bị gán tên xấu với nhóm người bình thường và lưu ý sự khác biệt.

- Không chấp nhận hiện diện của người bị gán tên xấu và phân biệt cư xử, hạ thấp giá trị, từ chối và loại khỏi nhóm người bình thường.

Theo các chuyên gia tâm thần, 4 bước trên xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội. Ví dụ nhà quản lý không muốn địa hạt mình có người bị bệnh tâm thần phân liệt, chủ cơ quan xí nghiệp không muốn trong đơn vị mình có người bệnh vì hiệu suất việc làm giảm, kể cả trong gia đình cũng có thành viên không muốn có người bệnh tâm thần vì đảo lộn sinh hoạt…

Trong xã hội hiện đại, việc quản lý người bệnh tâm thần phân liệt cần có những thay đổi nhất định, hòa hợp và thích ứng nhiều hơn bằng cách tạo điều kiện cho người bệnh sống và hiểu biết về căn bệnh của họ, có nghĩa là họ cần và phải được uống thuốc. Hiện không có nhiều bệnh nhân có người thân bên cạnh.

Những người không bị bệnh tâm thần cần hiểu biết tốt về bệnh này để biết cách tồn tại hay sống chung với người bệnh tâm thần phân liệt.Việc chế giễu, kỳ thị, né tránh sẽ khiến người bệnh cho rằng bản thân không còn gì để mất. Phản ứng này sẽ kết hợp với những thay đổi hoạt động cảm xúc của não bộ khiến nguy cơ không kiểm soát hành vi bạo lực tăng cao.

Từ năm 2003, Liên đoàn sức khỏe tâm thần thế giới và Tổ chức y tế thế giới lấy ngày 10/10 là ngày tâm thần thế giới với nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết, sự quan tâm, chữa trị và mang lại chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân tâm thần. Chủ đề ngày tâm thần thế giới năm 2014 là "Chúng ta hãy biết, hòa hợp và thích ứng nhiều hơn với người bệnh tâm thần phân liệt".

AloBacsi.vn
Theo BS Phạm Văn Trụ - BV Tâm thần TPHCM
VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X