Hotline 24/7
08983-08983

Hoại tử da vì đắp lá chữa bệnh

Những mong thoát khỏi tình trạng ngứa ngáy, khó chịu từ bệnh da liễu, vảy nến, nhiều người đã tự ý chữa bệnh theo truyền miệng bằng cách đắp lá hay dùng thuốc bôi không rõ nguồn gốc, nhiều người đã phải vào viện cấp cứu.


Việc tự ý dùng lá đắp chữa bệnh không đúng cách dễ gây biến chứng. Ảnh: T.G
Việc tự ý dùng lá đắp chữa bệnh không đúng cách dễ gây biến chứng. Ảnh: T.G

Vào viện cấp cứu vì đắp lá

Mắc bệnh vảy nến mấy năm nay, ban đầu bệnh nhân N.C.C (ở Hà Nội) điều trị bằng cách dùng thuốc lá cây của một thầy lang. Sau khi đợt dùng thuốc lá cây, anh bị bội nhiễm, toàn thân chảy mủ phải cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Sau một tháng điều trị, tình trạng bệnh ngày càng tệ khi các nốt đỏ nổi lên toàn thân, ngứa, rát, da bong tróc. Không chỉ vậy, men gan của anh tăng rất cao, thận bị suy. Theo bác sĩ, trường hợp của anh C khá nặng do tự ý điều trị bằng thuốc lá không rõ nguồn gốc dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Tương tự, anh N.T.L (ở Nam Định) phải sống khổ sở với bệnh vảy nến hơn chục năm nay. Không chỉ khổ vì vùng da rát đỏ, ngứa, bong vảy dày, sần sùi, anh còn luôn sống trong mặc cảm khi mọi người nhìn mình bằng ánh mắt đầy ái ngại.

Nghe theo mách bảo, anh đã đi chữa trị nhiều nơi và dùng nhiều loại thuốc bôi ngoài da nhưng không khỏi. Thậm chí có đợt bệnh tăng nặng, vùng da của anh còn bị bội nhiễm từ khi tự đắp lá. Sau đó, anh L phải vào cấp cứu ở BV Da liễu Trung ương. Tại đây, anh L được điều trị bằng tia UVB để chữa vảy nến. Sau một thời gian chiếu, vùng da tổn thương đã cơ bản trở lại như lúc ban đầu. Bác sĩ tư vấn anh nên tiếp tục điều trị duy trì và tránh các yếu tố nguy cơ làm bệnh bùng phát.

BS Hoàng Văn Tâm - Khoa Điều trị bệnh da nam giới (BV Da liễu Trung ương) cho biết, không ít bệnh nhân bị bệnh da liễu, mắc các bệnh vảy nến, bạch biến vào viện trong tình trạng nặng, da bị kích ứng nặng nề, sưng rát, toàn thân chảy mủ. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc tự ý chữa trị theo truyền miệng đắp lá, số khác dùng thuốc bôi không rõ nguồn gốc. Việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém hơn.

Theo BS Tâm, nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến chưa rõ, nhưng có yếu tố liên quan đến gene và môi trường. Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường khởi phát nhiều nhất ở độ tuổi từ 15-30 tuổi. Nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau.

Tuy bệnh không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là bệnh mãn tính, không lây, đau đớn, gây biến dạng. Người bệnh ngoài việc chịu đau đớn, ngứa, chảy máu còn phải chịu những “ánh mắt” không mấy thiện cảm của mọi người. Chưa kể, những người bị bệnh còn bị tăng rủi ro mắc các bệnh khác như các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, nhồi máu cơ tim, viêm loét đại tràng, hội chứng chuyển hóa…

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hẳn. Việc điều trị bằng các phương pháp truyền miệng khiến cho bệnh nhân không những không khỏi mà còn để lại những biến chứng đáng tiếc. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tin lời đồn thổi, quảng cáo tràn lan trên mạng chữa dứt điểm bệnh vảy nến cũng như việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, đắp lá để tránh tiền mất tật mang.

Dùng tia ánh sáng điều trị bệnh

Theo BS Hoàng Văn Tâm, vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Để điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu.

Mặc dù chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này, nhưng có những biện pháp kiểm soát rất tốt để bệnh nhân có thể hòa nhập với cuộc sống. Một trong những biện pháp đang được áp dụng hiệu quả là dùng liệu pháp ánh sáng - sử dụng tia tử ngoại UVB. Bệnh nhân sau khi các liệu trình điều trị gần như sở hữu làn da bình thường.

BS Tâm cho biết, phương pháp này sử dụng tia tử ngoại UVB có bước sóng 313 ± 2nm, ổn định bệnh lâu dài so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng. Liệu trình khoảng 20-30 ngày, bệnh nhân được chiếu tia UVB thường tuần 3 lần, cách ngày chiếu 1 lần. Sau đó, chiếu duy trì tuần 2 lần trong 2 tuần rồi rút xuống tuần 1 lần trong 1 tháng, rồi 2 tuần 1 lần trong 2 tháng, sau đó dừng. Mỗi lần chiếu như vậy chỉ khoảng 1-10 phút. Ban đầu chiếu khoảng 1 phút, nếu bệnh nhân dung nạp tốt sẽ tăng liều chiếu. Trước khi thực hiện, các bác sỹ sẽ khám, tư vấn và chỉ định liều chiếu, phương pháp chiếu.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và của BV Da liễu Trung ương chỉ ra rằng, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng điều trị. Hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân bằng phương pháp ánh sáng, trong đó nhiều nhất là bệnh vảy nến, bạch biến, viêm da cơ địa… Đa số bệnh nhân rất hài lòng với kết quả điều trị và xóa bỏ được nỗi sợ hãi, stress trước đây.

Các bác sỹ da liễu cũng cho hay, mùa hè thời tiết nóng ẩm các bệnh da liễu thường tăng cao như chốc, sẩn ngứa, eczema, viêm da dị ứng, viêm da cấp tính… Nếu không biết cách chăm sóc da và giữ vệ sinh da đúng cách dễ gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong do nhiễm trùng huyết.

Để phòng tránh những biến chứng nặng nề do các bệnh về da trong mùa hè, mọi người cần giữ vệ sinh, tắm rửa hàng ngày để mồ hôi không ra, kích thích gây ngứa. Hạn chế cào, gãi, chà xát nhiều. Người bệnh vảy nến, lupus ban đỏ… không nên dùng nước nóng và lạm dụng xà phòng có chất tẩy mạnh vì có thể làm tăng các triệu chứng . Nên tắm nước ấm, dùng dầu tắm riêng biệt và không nên tắm quá lâu. Sau khi tắm, thấm khô làn da sau đó dùng kem dưỡng ẩm. Ngoài ra, không đắp chữa thuốc Đông y hoặc thuốc Nam.

Các loại lá trà xanh, lá kinh giới, lá sài đất, khổ qua, chanh tươi, hoa cúc… có thể giúp giữ vệ sinh cho cơ thể. Tuy nhiên, nên chọn các loại lá sạch, không có hóa chất. Đun sôi các loại nước lá này, để nguội vừa phải để tắm, rửa. Sử dụng một lượng vừa phải, không nên quá đặc và hãy theo dõi xem có bị dị ứng khi dùng các loại nước lá này hay không trước khi sử dụng thường xuyên, nhất là cho trẻ nhỏ.

Theo Phương Thuận - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X