Hotline 24/7
08983-08983

Hoa mắt, chóng mặt là bệnh gì?

Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau, nguy hiểm lẫn không nguy hiểm.

a

Hoa mắt chóng mặt là vấn đề sức khỏe gặp ở nhiều người. Ảnh minh họa: internet

Cụ thể như sau:

Cháu thỉnh thoảng ngồi lâu hoặc đứng lên ngồi xuống thì mắt bị đen không nhìn thấy và bị choáng đầu. Chỉ bị khoảng 5-15 giây là hết. Cháu xin BS tư vấn cho cháu.

van thanh - thanhcutis1@

Em vừa nằm xuống rồi đứng lên thấy chóng mặt, đứng lại một chỗ khoảng 30 giây mới đi được. Dấu hiệu này thì có nguy hiểm không, thưa BS?

trang thy thy - tonton070713@

Tôi năm nay 25 tuổi, đã từng mổ tim. Tôi thường hay chóng mặt và nặng đầu. Tôi ăn chay đã 7 năm. Xin hỏi có khi nào ăn chay nên thiếu máu không? Hay bịnh tim làm ảnh hưởng?

nguyenangon@gmail.com - nguyenangon@ 

Cháu thấy trong người khó chịu: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Cháu muốn hỏi bác sĩ là cháu có bị sao không ạ?

Trần Văn Long - tranvanlong9793@

Năm nay tôi 20 tuổi. Mỗi lần đứng lên ngồi dậy đột ngột là người tôi choáng váng, mắt tối sầm lại, thỉnh thoảng đau, nặng đầu, rồi đêm xuống cảm giác nhói đâu ở vị trí tim, đau kéo dài khoảng 30 giây. Tôi còn bị mỡ máu nữa.

Thu Trang - thutrang.261194@

Cháu hay bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn lại rất đau đầu, không thể ngủ được. Mỗi lần bị như vậy rất lâu. Cháu cảm giác như mình bị bệnh tim hay về tâm lý. Cho cháu hỏi cháu có bị sao không và phải làm thế nào?

 hoangthutrangcb1987@

BS Nguyễn Ảnh Đạt, chuyên khoa Nội Thần kinh, Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare, tư vấn:

Hai bạn Van thanh và Trang thy thy: Các bạn mắc chứng hạ áp tư thế - dạng huyết áp thấp xảy ra khi chuyển từ ngồi hoặc nằm sang đứng, kéo dài từ vài giây đến vài phút. Nguyên nhân do đáp ứng điều hòa huyết áp tự nhiên của cơ thể kém. Một số biện pháp cải thiện triệu chứng: cần uống đủ nước, hạn chế bia rượu, tránh đi bộ trong thời tiết nóng, nằm đầu cao, tập cơ chân hoặc mang vớ bó chân, ăn mặn hơn nếu bạn không bị tăng huyết áp, tránh cúi người và thay đổi tư thế từ từ.

Nếu hạ áp tư thế xảy ra kéo dài, bạn cần khám bác sĩ để tầm soát và điều trị những vấn đề trầm trọng hơn như bệnh tim mạch, bệnh nội tiết hay các bệnh hệ thần kinh, hoặc bị té ngã, đột quỵ.

Bạn nguyenangon@: Trường hợp của bạn gọi là “choáng váng”, bao gồm cảm giác xoay tròn (chóng mặt), hoa mắt hay cảm giác muốn xỉu, mất thăng bằng, hoặc cảm giác khác (bập bênh, đang bơi, hoặc nặng đầu). Nguyên nhân có thể do rối loạn tiền đình, bệnh tim cung lượng thấp (bệnh cơ tim, loạn nhịp…), dùng thuốc hạ áp, rối loạn lo âu, thiếu máu, hạ đường huyết… Bạn cần khám bác sĩ để tầm soát nguyên nhân cụ thể và phương pháp điều trị chính xác. Thân mến.

BS. Nguyễn Cảnh Nam, chuyên khoa Nội Thần kinh, Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, tư vấn:

Bạn tranvanlong9793@: Các dấu hiệu bạn mô tả có thể gợi ý đến nhiều nhóm bệnh lý, ví dụ như bệnh thiếu máu, hội chứng tiền đình, các chứng đau đầu như Migraine hoặc căng cơ…; hoặc hiếm hơn là do có tổn thương nội sọ. Các triệu chứng trên là không bình thường, nó sẽ gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Bạn nên đi khám chuyên khoa nội thần kinh để được khám và tư vấn đầy đủ.

Ngoài ra, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc và tránh thức khuya, ăn uống đầy đủ, giảm bớt lo lắng và căng thẳng. Những điều này có thể giúp thuyên giảm một phần các triệu chứng bạn đang có.

Bạn thutrang.261194@: Những triệu chứng mà bạn mô tả có thể do thiếu máu, chứng rối loạn tiền đình hoặc tình trạng mệt mỏi mạn tính… Khi bạn đứng lên ngồi dậy đột ngột, sẽ dẫn đến tình trạng giảm đột ngột thoáng qua do lưu lượng máu tưới cho não hoặc hệ thống tiền đình chưa kịp điều chỉnh. Điều này lý giải các triệu chứng bạn có. Bạn nên tránh thay đổi tư thế đột ngột và nên khám bệnh để xác định chính xác nguyên nhân là gì.

Cảm giác đau nhói ở tim có thể là do có bệnh tim hoặc có thể xảy ra trong tình trạng căng thẳng. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ bạn có (hút thuốc lá, bệnh phổi, tiền sử bệnh tim của người thân…), bác sĩ sẽ đề nghị thêm một số xét nghiệm như X-quang phổi, điện tâm đồ để giúp xác định nguyên nhân.

Tình trạng rối loạn mỡ máu thường không có biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên, nó làm thúc đẩy tình trạng xơ vữa mạch máu, dẫn đến tăng các biến cố tim mạch sau này (thiếu máu - nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…). Bạn nên kiểm soát chế độ ăn (ít dầu mỡ thịt), tập thể dục hàng này và xét nghiệm kiểm tra lại sau 2-3 tháng. Việc điều trị thuốc sẽ do bác sĩ xem xét và chỉ định khi cần.

Bạn hoangthutrangcb1987@: Nếu bạn chỉ có các dấu hiệu như trên thì khả năng do bệnh tim là rất thấp. Ở độ tuổi của bạn, giới nữ với các dấu hiệu như trên thì có thể nghĩ đến một số nhóm bệnh lý như chứng rối loạn tiền đình, đau đầu vận mạch, hoặc do các áp lực tâm lý v.v… Bạn nên tư vấn với bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp phòng tránh - điều trị triệt để. Chúc các bạn khỏe!

AloBacsi.vn
Theo Phụ Nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X