Hotline 24/7
08983-08983

Hoa cứt lợn chữa viêm xoang, cầm máu, tóc óng mượt

Hoa cứt lợn, tuy cái tên có vẻ khó nghe và cũng phải dạng “của hiếm” nhưng lại là vị thuốc quý thường được sử dụng trong dân gian.

Cây hoa cứt lợn còn có nhiều tên gọi khác là cỏ hôi, cỏ cứt heo, cây bù xích, cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, thắng hồng kế, tên khoa học Ageratum conzoides L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Loại cây này có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại trên mọi loại địa hình, có những nơi mọc khắp cánh đồng. Cỏ cứt lợn là loại cây nhỏ, thân nhiều lông mềm, cao chừng 25-50 cm, mọc hoang ở khắp nơi, nhiều nhất là nông thôn. Hoa nhỏ màu tím, xanh. Người ta dùng toàn cây bỏ rễ, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hạ, đem về rửa sạch đất cát, dùng tươi hay phơi khô. Cây hoa cứt lợn có hàm lượng tinh dầu cao.

Trong y học cổ truyền, cây cứt lợn có vị đắng, tính mát đi vào 2 kinh thủ thái âm phế và thủ quyết âm tâm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng dùng làm thuốc chống viêm chống phù nề, chống dị ứng, viêm xoang cấp…

Cây hoa cứt lợn thường mọc dại khắp mọi địa hình. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cách dùng hoa cứt lợn


Trị chứng tiêu khát của bệnh đái tháo đường: Lấy toàn bộ cành, lá và hoa cây ngũ sắc phơi khô. Thái khúc cho vào lọ đậy kín. Dùng dần, mỗi ngày lấy khoảng 40g, cho 500ml nước, sắc còn lại 150ml, uống thay trà hàng ngày. Có thể kết hợp ăn cháo nấu từ củ mài và củ súng thì càng tốt. Dùng liền 10 ngày.

Chữa chứng ho do lạnh: Lấy hoa ngũ sắc 20g để tươi hoặc 10g phơi khô, sắc với 500ml nước còn 100ml, uống trong ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với hoa hòe sao đen và rễ bạch cập, mỗi thứ 8g. Có thể thêm đường cho dễ uống. Nước sắc này còn chữa cảm sốt, tăng huyết áp. Dùng liền 5 ngày.

Chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu: Giã lá ngũ sắc tươi đắp ngoài. Hoặc dùng 30g lá khô, 10g gừng khô tán bột rắc lên vết thương 1 ngày/lần.

Chữa viêm xoang: Chọn cây tươi về ngâm rửa sạch rồi để ráo, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau khoảng 15-20 phút. Rút bông ra để dịch mủ từ trong xoang và mũi giải phóng ra ngoài rồi xì nhẹ nhàng. Tránh xì mũi mạnh vì lúc đó, mủ từ trong mũi xoang có thể đi qua đường nối thông giữa mũi và tai (gọi là vòi nhĩ) gây viêm tai giữa cấp.

Chữa viêm mũi, kể cả cho trẻ em: Cây cứt lợn hoa màu tím, rửa sạch, ngâm nước muối 1 lúc rồi vớt ra. Lấy một nhúm hoa cứt lợn, giã nát vắt lấy nước cho vào lọ thuốc nhỏ mũi, bảo quản trong tủ lạnh. Lấy nước này nhỏ vào mũi ngày 4,5 lần.

Người bị viêm mũi mức độ tổn thương ít hơn nên nhỏ nước hoa cứt lợn không bị xót kinh khủng như người bị viêm xoang. Vì thế, có thể dùng thuốc này trị viêm xoang cho trẻ em. Trước khi dùng, cha mẹ nên nhỏ thử cho mình và thử trước độ chịu đựng của bé xem bé có chịu được cái xót do thuốc gây ra không.

Cây cứt lợn có hoa nhỏ màu tím, xanh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Ngoài ra, trong dân gian thường dùng cây cứt lợn nấu nước gội đầu giúp sạch gàu, mượt tóc, có thể nấu cây cứt lợn với bồ kết gội đầu sẽ tốt hơn.

Viêm họng: dùng cây cứt lợn, kim ngân hoa, lá rẻ quạt, cam thảo đất sắc uống ngày 2 thang giúp giảm triệu chứng viêm họng nhanh khỏi bệnh. Nếu bị viêm đường hô hấp dùng cứt lợn, lá bồng bồng, cam thảo đất sắc lên và uống 2-3 lần/ngày.

Trẻ nhỏ bị chốc đầu dùng cây cứt lợn nấu và rửa vết chốc ngày 1-2 lần thì bệnh sẽ nhanh khỏi.

Chữa phụ nữ rong huyết sau khi sinh: dùng 30 - 50g cây cỏ cứt lợn tươi rửa thật sạch, giã nhỏ, chế thêm nước rồi vắt lấy nước cốt, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống liên tục 3 - 4 ngày.

Trị nhọt độc sưng đau: Nhổ cả cây hoa cứt lợn, rửa sạch, trộn với cơm nguội, thêm chút muối, trộn đều, giã nát, đắp vào chỗ có bệnh (Tuyền Châu bản thảo).

Cảm mạo phát sốt: Lấy cây hoa cứt lợn tươi 60g, sắc nước uống (Quảng Tây trung thảo dược).

Sốt rét, cảm mạo: Lấy 15 - 20 g cành và lá cây hoa cứt lợn khô, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày (Văn Sơn trung thảo dược).

Phong thấp đau nhức, gãy xương (sau khi đã cố định lại): Lấy một nắm cây hoa cứt lợn tươi, giã nát, đắp vào chỗ đau (Văn Sơn trung thảo dược).

Sỏi tiết niệu: Cỏ cứt lợn 20 g, kim tiền thảo 16 g, râu ngô 12 g, mã đề 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

Lưu ý khi dùng cây cứt lợn


Cây hoa cứt lợn thường được dùng để điều trị viêm xoang. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Cây cứt lợn là vị thuốc có tính "công phạt" (tấn công bệnh), vì vậy chỉ nên dùng khi bị mắc bệnh, dùng quá lâu ngày hoặc khi không bệnh mà uống có thể gây nên mất cân bằng Âm - Dương trong cơ thể mà sinh ra bệnh.

Trong trường hợp dùng cây cứt lợn chữa viêm xoang, khi bệnh đã khỏi thì nên ngừng uống. Để chữa trị tận gốc và tránh tái phát, người bệnh có thể dùng thuốc theo từng liệu trình: Mỗi tháng chỉ dùng cây cứt lợn sắc nước uống khoảng 5-7 ngày rồi ngừng, đồng thời kết hợp với chế độ uống hợp lý, luyện tập thân thể và làm việc nghỉ ngơi điều độ.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng loại thảo dược này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ tai mũi họng để có chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn cách thực hiện khi tự dùng thuốc ở nhà.

Tuệ Giang (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X