Hotline 24/7
08983-08983

Hở van 2 lá 2/4 có được chơi bóng đá?

Câu hỏi

Em 32 tuổi, cao 1m70, nặng 72kg, giới tính nam, vô tình phát hiện mình bị hở van tim khi đi khám tổng quát. Cụ thể là khi khám ở Viện Tim TPHCM kết quả là nhịp tim đều, hở van hai lá 2/4, hở van 3 lá 1/4, thất trái giãn, chức năng thất trái tốt EF=64%, không huyết khối, không rối loạn động vùng, không dấu bóc tách. Kết luận cuối cùng của bác sĩ là hở van hai lá 2/4. Từ trước đến nay em không có triệu chứng gì, hay chơi đá bóng, 2 năm nay gần như ngày nào cũng chơi, hiện giờ em vẫn có thể chạy suốt trận mà không thấy triệu chứng gì ở tim. Xin hỏi các bác sĩ tim em bị giãn có phải do em chơi thể thao quá độ trong khi mình bị hở van tim mà không biết? Em còn có thể chơi bóng đá được nữa không, chơi nữa thì tim có giãn ra dẫn đến suy tim không? Bệnh của em có nặng dần theo thời gian về sau này không, cần làm gì để nó không tiến triển nặng hơn? Em rất mong hồi âm của các bác sĩ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Kết quả do bạn đọc cung cấp

Chào bạn,

Hở van 2 lá có nhiều nguyên nhân, được phân ra thành hở van hai lá cấp và mạn, nguyên phát hay thứ phát. Trường hợp của bạn nếu hở van hai lá không triệu chứng có thể là mạn tính. Nguyên nhân có thể do các bất thường bẩm sinh, do bệnh lý thấp tim lúc nhỏ, hở van hai lá thứ phát do giãn vòng van - không phải do chơi thể thao nhiều.

Trong HoHL mạn tính, thất trái dãn và phì đại "ly tâm". Rối loạn chức năng thất trái sẽ tiến triển âm thầm trong nhiều năm dù không có hoặc có rất ít triệu chứng. Những thông số kinh điển đánh giá co bóp cơ tim (như phân số tống máu) sẽ vẫn ở ngưỡng bình thường trong thời gian dài do tăng tiền gánh và giảm/bình thường hóa hậu gánh.

Lâu dần rối loạn chức năng kèm với dãn dần buồng thất trái và tăng sức ép lên thành tim càng làm HoHL tăng lên, thành một vòng xoắn tiếp tục gây giảm chức năng thất trái, gây mất bù. Khi các triệu chứng cơ năng đã rõ thì có khi rối loạn chức năng thất trái đã không hồi phục, làm tăng nguy cơ suy tim, tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong dù có phẫu thuật giải quyết bệnh van 2 lá.

Đối với trường hợp  hở van 2 lá nhẹ không có triệu chứng, như trường hợp của bạn, đường kính thất trái <40m, EF > 40%, không có biến chứng trên nhịp tim hay tăng áp phổi; chỉ cần theo dõi đều hàng năm; đồng thời tái khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng. Nghiệm pháp gắng sức có thể được tiến hành để đánh giá khả năng dung nạp gắng sức của người bệnh, đánh giá mức độ hở van 2 lá và áp lực động mạch phổi khi gắng sức. Nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, cần đi mổ ngay cho dù các thông số chức năng thất trái dường như bình thường.

Do đó, bạn nên tiếp tục tập thể thao ở cường độ vừa phải, tăng dần tuỳ theo sức của bản thân, vì đây cũng là một cách theo dõi tại nhà và theo dõi sát, tái khám định kỳ mỗi 6-12 tháng để bác sĩ kiểm tra và xem xét thời điểm nên điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>>Thực phẩm chức năng có hỗ trợ điều trị hở van 2 lá 2/4 không?

>>Hở van 2 lá ¼, nặng cổ sau đầu, căng cơ tay chân... cần làm xét nghiệm gì?

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X