Hotline 24/7
08983-08983

Hộ tịch, hộ khẩu là sản phẩm từ thời Bắc thuộc

Suốt hàng ngàn năm sống trong tư tưởng bị hộ tịch trói buộc nên người dân châu Á không dám mạnh dạn đi khám phá và trở nên tụt hậu so với châu Âu...


Hộ tịch, hộ khẩu chỉ tồn tại ở một số nước châu Á, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Khái niệm hộ khẩu ra đời tại Trung Quốc khoảng 3.000 năm trước, tương đương thời nhà Chu. Thời điểm này, giới cai trị phong kiến Trung Quốc thiết lập chế độ hộ tịch để thu thuế và bắt lính.

Sau khi vua Nam Việt là Triệu Đà đánh bại An Dương Vương lập nhà Triệu thì bắt đầu áp dụng việc dùng hộ tịch để quản lý. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về nhân vật Triệu Đà và nhà Triệu nhưng đây là thời điểm mà công thức quản lý kiểu hộ tịch từ phương Bắc được đưa vào nước ta.

Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán cử binh sang đánh nhà Triệu. Thuật Dương Vương (con trưởng của Triệu Minh Vương và người vợ Việt) và thừa tướng Lữ Gia chống lại bất thành. Sử chép: Bấy giờ nước Việt ta sai ba quan sứ đem 300 con trâu, 1.000 chung rượu và sổ hộ của 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đến xin hàng; Lộ Bác Đức nhân đó cho ba người ấy làm thái thú ở 3 quận để trị dân như cũ). Từ đó [nhà Hán] lấy đất chia làm 9 quận là: Nam Hải (quận của nhà Tần, nay là đất Quảng Đông nhà Minh), Thương Ngô (nhà Đường gọi là Ích Châu, xưa là Âu Lạc, đất của nước Việt ta), Uất Lâm (nhà Tần là quận Quế Lâm, Hán Vũ Đế đổi làm tên này), Hợp Phố (nhà Tần là Tượng Quận, nay thuộc Liêm Châu), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đều là Tượng Quận thời Tần), Châu Nhai, Đạm Nhĩ (đều ở trong biển lớn). Từ đấy nhà Hán bắt đầu đặt Thứ sử, Thái thú. Chế độ nhà Hán đặt Thứ sử cai trị một châu, Thái thú cai trị một quận (quận là cấp dưới của châu).

Việc dâng sổ hộ khi đó chứng tỏ thời nhà Triệu đã làm khá chặt công tác về hộ tịch. Còn trước đó, thời nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương chỉ là hợp nhất từ 15 bộ lạc thì chuyện này chắc chưa được xem trọng. Sau khi nhà Hán đô hộ nước ta rồi sau đó là các triều đại Ngô, Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường... thì chuyện hộ tịch đã thành thứ quan trọng phục vụ cho bộ máy bóc lột và đàn áp dân ta. Cũng thời nhà Đường, Đường Thái Tông áp dụng việc thu thuế lương dựa trên khẩu thay vì hộ để đảm bảo công bằng giữa hộ nhiều khẩu và hộ ít khẩu. Có lẽ khái niệm hộ khẩu cũng được truyền sang nước ta khi ấy.

Khi người Việt nổi lên giành quyền độc lập thì cũng áp dụng kiểu mô hình quản lý nhân dân bằng hộ tịch, hộ khẩu để tiện việc trưng thu sức dân bằng tiền thuế, lao dịch và đi lính. Tất nhiên, không phải việc thống kê hộ tịch khi ấy đều chính xác mà cũng có lúc gián đoạn vì chiến tranh. Thỉnh thoảng, nhà vua phải ra chiếu thống kê hộ tịch trên toàn quốc. Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1146, Lý Anh Tông xuống chiếu cho Đỗ Anh Vũ đi phủ Phú Lương khảo xét quan liêu và định số mục hộ tịch. Đây là sự kiện đầu tiên của triều đình nước ta liên quan đến hộ tịch được sử chép.

Thời phong kiến, việc có hộ tịch rất quan trọng. Chỉ có hộ tịch mới được cấp đất để canh tác và chịu trách nhiệm đóng thuế. Những người không có hộ tịch thì bị coi như dân du thủ, du thực, công dân hạng hai, là mối nguy cho xã hội. Dân không hộ tịch khi đó thường là những người không mảnh đất cắm dùi phải đi làm thuê lấy tiền công. Thời vua Trần Minh Tông, có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. Vua tuy nói: "Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?" nhưng sau đó xuống chiếu cho các lộ làm đơn số (là sổ hộ tịch).

Đến thời Hồ Quý Ly, việc hộ tịch được đề cao đặc biệt vì Quý Ly coi đây là công cụ hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu có 1 triệu quân. Sử chép: “Mùa hạ, tháng 4 (1410), Hán Thương sai làm sổ hộ tịch trong cả nước, cho ghi họ Hồ có hai phái ở Diễn Châu và Thanh Hóa. Biên hết vào sổ những nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm thực số, không cho phép người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán. Trước đây Quý Ly có lần nói với các quan: "Làm thế nào có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc?". Đồng tri khu mật sứ Hoàng Hối Khanh dâng kế sách này”.

Khi nhà Minh sang xâm chiếm nước ta và tái thiết lập nền đô hộ thì hộ tịch, hộ khẩu là thứ chúng không bỏ qua. Khâm định Việt sử cương mục thông giám chép: (1414) Lý Bân nhà Minh tâu xin Hộ bộ ban cấp hộ thiếp cho Giao Chỉ, bắt châu huyện làm sổ thuế khóa phu dịch và lên danh sách lý trưởng và giáp thủ  từng năm. Đại để, cứ 110 hộ là một lý, mỗi năm cử 1 lý trưởng, 10 giáp thủ, để nhận các việc lao dịch, hết lược lại cử từ đầu. Người làm lý trưởng, giáp thủ bị roi vọt đánh đập khổ sở khôn xiết.

Không chỉ là công cụ để cho giới cai trị bóc lột, quản lý, hộ tịch, hộ khẩu còn là thứ xiềng xích vô hình. Trong một số thời phong kiến, người dân không được quyền rời khỏi nơi ghi sổ hộ tịch sang tỉnh khác để tránh loạn. Thậm chí, thời Đường thì dân chết đói muốn sang tỉnh khác xin ăn cũng phải chờ triều đình cho phép. Như thế để thấy hộ tịch, hộ khẩu là thứ đã ràng buộc người dân Việt Nam nói riêng và người dân châu Á nói chung. Suốt hàng ngàn năm sống trong tư tưởng bị hộ tịch trói buộc nên người dân châu Á không dám mạnh dạn đi khám phá và trở nên tụt hậu so với châu Âu dẫn đến việc bị các nước phương Tây áp bức vào thế kỷ 19. 

Theo Anh Tú - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X