Hotline 24/7
08983-08983

Ho gà, bệnh không hề cũ

Từ đầu năm đến nay, số trẻ mắc ho gà nhập viện ở các tỉnh phía Bắc tăng bốn lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có năm ca tử vong.

Chích ngừa đầy đủ là biện pháp ngừa bệnh ho gà tốt nhất

Lý giải điều này, theo bộ Y tế, do thời tiết bất thường và 80% trẻ bệnh là dưới ba tháng tuổi, chưa được chích ngừa đầy đủ, nên dễ mắc bệnh.

Xem thường chích ngừa, ho gà tăng mạnh

Ho gà không phải là “căn bệnh cũ” như nhiều người lầm tưởng, bởi theo theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây vẫn là nguyên nhân gây tử vong quan trọng cho trẻ em toàn thế giới và luôn là mối quan tâm sức khoẻ cộng đồng cho mọi quốc gia, kể cả những nước giàu.

Điển hình ở Mỹ, cứ mỗi 3 - 5 năm/lần nước này lại ghi nhận một trận dịch ho gà. Năm 2010, tại California một đợt bùng phát ho gà đã khiến 9.120 ca mắc và 10 trẻ tử vong. Năm 2012, ho gà bùng phát nhiều hơn với hơn 48. 000 ca mắc, 20 ca tử vong. Mặc dù vậy, theo WHO, ho gà vẫn chủ yếu diễn ra ở các nước đang phát triển. Theo WHO, trong năm 2008, toàn cầu có khoảng 16 triệu ca ho gà, trong đó 95% ở các nước đang phát triển và bệnh cướp đi sinh mạng của 195.000 trẻ em.

Là một bệnh đã có vắcxin phòng ngừa, vì sao ho gà vẫn là căn bệnh nguy hiểm? Theo BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - BV Nhi Đồng 1 TPHCM, khi độ bao phủ chích ngừa trong cộng đồng thấp cộng với việc trẻ không được chích ngừa đầy đủ, vi khuẩn ho gà sẽ tạo ra những đợt bùng phát mạnh mẽ với hậu quả nghiêm trọng.

Ông nói: “Nếu ngoài cộng đồng tính miễn dịch ho gà của người lớn giảm sút, họ sẽ lây ngược bệnh lại cho trẻ em. Còn nếu trong nhà trẻ lớn bỏ chích ngừa và mang vi khuẩn ho gà, dù không ho khù khụ điển hình, nhưng nó vẫn có thể lây bệnh dễ dàng cho trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới ba tháng tuổi”.

Theo PGS.TS Cao Ngọc Nga, nguyên phó trưởng bộ môn nhiễm đại học Y dược TPHCM, triệu chứng lâm sàng của bệnh ho gà rất đa dạng, nên bệnh thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Trong thời kỳ ủ bệnh, trung bình 7 - 10 ngày, bệnh nhân không có triệu chứng gì. Khi bệnh phát ra, vài ngày đến một tuần, bệnh nhân có biểu hiện chính là viêm long đường hô hấp và ho, rất khó phân biệt với triệu chứng viêm long đường hô hấp do nhiễm siêu vi. Bệnh nhân thường ho khan từng cơn ngắn, lúc đầu về đêm, sau đó cơn dài hơn, nhiều cơn hơn rồi chuyển sang ban ngày. Kèm theo ho, bệnh nhân nôn ói nhiều đàm nhớt.

Sau giai đoạn khởi phát, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với những cơn ho xuất hiện bất chợt khi trẻ đang chơi, đang bú hoặc bị xúc động như quấy khóc. Cơn ho bắt đầu với một tràng dài rũ rượi 15 – 20 tiếng ho không sao kềm chế được. Sau đó trẻ ngưng ho và kèm theo một tiếng hít sâu nghe “ót” như tiếng gà gáy. Tiếp theo là những cơn ho nối tiếp cho đến khi trẻ khạc ra một chất nhờn như lòng trắng trứng khi đó ho mới ngưng hẳn. Mỗi ngày có thể xuất hiện khoảng 30 cơn ho, chủ yếu về đêm.

Bình tĩnh với chích ngừa

Theo đánh giá của WHO, nhờ chương trình chích ngừa mà hàng năm bệnh ho gà đã giảm ngoạn mục trên toàn thế giới, đặc biệt là ngừa được 600.000 - 700.000 ca tử vong vì bệnh này. Vắcxin ngừa ho gà được sử dụng cho tất cả trẻ dưới bảy tuổi.

Được biết trên thị trường hiện có hai loại vắcxin ngừa ho gà dành cho trẻ em, một loại là vắcxin làm bằng tế bào vi khuẩn bị giết chết (vắcxin toàn tế bào) và loại kia là vắcxin làm bằng các thành phần của vi khuẩn ho gà (vắcxin vô bào). Thuốc đầu tiên được WHO khuyên dùng, đặc biệt các nước đang phát triển, vì thuốc rẻ tiền và lại đạt hiệu quả 80 - 90% sau chủng ngừa, hiệu quả bảo vệ cho lần tiêm sau cùng đạt đến 12 năm, nhưng trở ngại chính của nó là gây nhiều phản ứng phụ, thậm chí là gây bệnh lý não, sốc phản vệ.

Trái với vắcxin ho gà toàn tế bào, vắcxin ho gà vô bào ít gây phản ứng phụ, nhưng nhược điểm là giá thành cao và nếu xét về hiệu quả đáp ứng miễn dịch thì không bằng vắcxin ho gà toàn tế bào.

Tại một số nước sử dụng vắcxin ho gà vô bào, người ta nhận thấy khả năng bảo vệ cộng đồng không cao, thi thoảng vẫn xuất hiện những cơn bùng phát gây hậu quả nghiêm trọng nên các nước này đang cân nhắc việc sử dụng lại vắcxin ho gà toàn tế bào.

BS Khanh đặt vấn đề, phải chăng đợt bùng phát bệnh ho gà năm nay ở các tỉnh phía Bắc liên quan đến việc trẻ bỏ chích ngừa vài năm trước đây, do phụ huynh lo sợ phản ứng phụ của Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1 có chứa vắcxin ho gà toàn tế bào), hoặc trẻ được chuyển từ vắcxin toàn tế bào sang vắcxin vô bào nên khả năng miễn dịch yếu đi?

Về vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là chích ngừa ho gà cho phụ nữ mang thai, BS Khanh lưu ý phải hết sức cẩn thận vì không thể sử dụng vắcxin liều trẻ em dành cho người lớn. Ông nói: “Người lớn đã có miễn dịch ho gà, nên liều dùng phải thấp hơn trẻ em, nếu không sẽ xảy ra phản ứng phụ. Nói chính xác là người lớn phải dùng đúng vắcxin dành cho họ”.

Ông nhấn mạnh: “Thai phụ phải hết sức bình tĩnh, nếu tìm được đúng vắcxin ngừa ho gà dành cho người lớn thì chích để bảo vệ cho em bé, còn nếu không tìm được thì áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây bệnh. Không nên hoang mang, lo lắng vì không tìm được vắcxin phù hợp mà làm ảnh hưởng không tốt đến thai nhi”.

Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X