Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu thế nào về Luật An ninh mạng?

Luật An ninh mạng ra đời, thực tế chỉ là sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng trước đây được ban hành và nằm rải rác tại nhiều quy định khác nhau.

Luật An ninh mạng được ban hành là nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng Luật An ninh mạng ra đời thực tế chỉ là sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng trước đây được ban hành và năm rải rác tại nhiều quy định khác nhau. 

Luật sư Vũ Thái Hà - Ảnh Minh Hà

Theo ông Hà, Luật An ninh mạng liệt kê rất nhiều các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên mạng. 

Về cơ bản có thể phân loại các hành vi cấm này thành các nhóm như: nhóm hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm hại tới các quan hệ kinh tế, danh dự, nhân phẩm của công dân; nhóm hành vi chống phá nhà nước, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây mất uy tín của các cơ quan tổ chức; nhóm hành vi về tấn công mạng, khủng bố, gián điệp, tội phạm mạng; nhóm hành vi về chống lại hoạt động bảo vệ an ninh mạng. 

Tuy nhiên, luật không có bất cứ quy định nào thiết lập sự cấm đoán hay cản trở công dân hoạt động trên không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng.

* Thực tế, trước và sau khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua, người dân rất lo ngại về điều khoản liên quan đến thông tin người dùng?

- Luật sư Vũ Thái Hà: Các quy định về việc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải cung cấp thông tin trước khi Luật An ninh mạng ra đời đã được quy định bởi các văn bản pháp luật khác. Việc yêu cầu cung cấp thông tin về người sử dụng không gian mạng của cơ quan chức năng trước đây, khi thực thi pháp luật vẫn thường được thực hiện và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các quy định về cung cấp thông tin người dùng không phải là quy định mới được ban hành trong Luật An ninh mạng.

* Vậy luật này có hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận như dư luận đang hiểu không, thưa luật sư?

- Luật An ninh mạng không có quy định nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Tuy nhiên, luật cụ thể hóa và liệt kê khá chi tiết các hành vi bị cấm do vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Các hành vi này cũng đã được quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự. Do đó, thực tế nó chỉ cụ thể hóa hành vi trong bộ luật riêng mà thôi.

* Dư luận cũng lo lắng rằng khi luật có hiệu lực pháp luật thì sẽ tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài, lo lắng này thực sự có đáng lo không?

- Luật An ninh mạng không có mục đích ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngược lại, nó có mục đích giúp các hoạt động trên không gian mạng trở nên lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc luật thiết lập các quy định nghiêm ngặt cần phải đáp ứng trên không gian mạng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng sẽ khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài cần phải cân nhắc kỹ càng hơn khi tham gia hoạt động kinh doanh trên không gian mạng tại Việt Nam.

* Nhiều người cũng cho rằng nếu luật có hiệu lực thì Google, Facebook hay các nhà cung cấp khác rời khỏi Việt Nam và chúng ta trở về "thời kỳ thủ công", "kỷ nguyên 0.4" trước đây. Ông thấy nhận định này ra sao?

- Câu trả lời là có và không. Luật An ninh mạng quy định một loạt các nghĩa vụ mà doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải thực hiện như: 

a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; 

b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin bị cấm trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ; 

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung bị cấm khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và truyền thông.

Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Trong ảnh: Người dân tụ tập bày tỏ ý kiến về dự thảo luật về đặc khu ngày 10/6 - Ảnh: TT

Ngoài ra, luật cũng có quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân. 

Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Với các quy định khá chặt chẽ này, việc Google, Facebook hay một số nhà cung cấp khác có thể rời khỏi Việt Nam nếu họ thấy rằng họ không thể đáp ứng các quy định của Luật An ninh mạng. Cá nhân tôi cho rằng, họ sẽ không rời Việt Nam nếu thị trường Việt Nam vẫn mang lại lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của họ và việc đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam không khiến uy tín của họ bị ảnh hưởng trên trường quốc tế.

* Các chuyên gia cho rằng sẽ có khó khăn trong việc thực thi luật này vì chồng chéo nhiều luật khác, theo ông thì sao?

- Luật An ninh mạng ra đời là sự tập hợp, thống nhất, hệ thống hóa và nâng thành luật các quy định của pháp luật trước đây. Sự khó khăn thực thi các quy định của luật này theo kinh nghiệm của cá nhân tôi sẽ nằm ở việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật. 

Hoạt động trên không gian mạng khác với các hoạt động trong không gian truyền thống ở việc xác định phạm vi. Không gian mạng là thứ vô hình, không biên giới. Do đó, việc xác định phạm vi điều chỉnh về mặt lãnh thổ đối với hoạt động trên không gian mạng sẽ là điều vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta không thể ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và khả thi trong việc xác định phạm vi điều chỉnh về lãnh thổ, Luật An ninh mạng sẽ khó có thể thực thi trong đời sống.

Cảm ơn ông!

Theo Hà Châu - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X