Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu sao cho đúng về suy tim?

Đề cập đến bệnh lý tim mạch thì không thể không nhắc tới suy tim. Nhiều người vẫn nghĩ rằng suy tim là một bệnh lý nhưng điều này không chính xác.

Các chuyên gia khuyên, để có một trái tim khỏe cần sống lành mạnh và tập thể thao thường xuyên
Các chuyên gia khuyên, để có một trái tim khỏe cần sống lành mạnh và tập thể thao thường xuyên

Trong y khoa, suy tim là một hội chứng (hội chứng là tập hợp nhiều triệu chứng và dấu hiệu) gây ra bởi các bất thường về cấu trúc và chức năng của tim, từ đó làm giảm lượng máu tim bơm ra trong mỗi nhát bóp (cung lượng tim) và làm gia tăng áp lực trong buồng tim khi tim nghỉ ngơi hay khi gắng sức.

Tác hại của suy tim

Suy tim là tình trạng khá thường gặp, chiếm tỉ lệ 1-2% số người lớn ở các nước phát triển. Tần suất suy tim gia tăng lên thành 10% ở lứa tuổi trên 70. Ở lứa tuổi trên 55, nam giới sẽ có nguy cơ 33% bị suy tim và nguy cơ này là 28% đối với nữ giới.

Tại Mỹ, ước tính có khoảng 5 triệu bệnh nhân đang điều trị suy tim, mỗi năm có trên 500.000 người được chẩn đoán lần đầu suy tim.

Hầu hết các bệnh tim mạch đều có thể đưa đến suy tim, như là bệnh mạch vành, bệnh van tim, tăng huyết áp, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim... Nhóm nguyên nhân không do tim mạch có thể là bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, suy thận, thiếu máu nặng...

Phần lớn bệnh nhân suy tim tại các nước phát triển là do bệnh mạch vành, tăng huyết áp. Tại Việt Nam, do tần suất bệnh van tim hậu thấp còn cao nên nguyên nhân chính của suy tim ở người trẻ dưới 40 tuổi là bệnh van tim, khi tuổi lớn hơn, bệnh mạch vành và tăng huyết áp là nguyên nhân chính. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, suy tim thường do bệnh tim bẩm sinh.

Suy tim có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Suy tim cấp tính xuất hiện đột ngột, diễn tiến nhanh, trên nền bệnh nhân có hay không tình trạng suy tim mãn tính.

Trong suy tim mãn tính, bệnh lý nguyên nhân khiến cho cung lượng tim giảm xuống và cơ thể phản ứng với tình trạng này bằng các cơ chế bù trừ của tim và hệ thống ngoài tim để nhằm duy trì cung lượng tim. Thoạt đầu, tim chưa bị ảnh hưởng hoặc chỉ suy yếu ở mức độ nhẹ.

Ngày qua ngày, tim phải gắng sức nhiều hơn, cơ chế bù trừ dần dần không còn hiệu quả, mức độ suy tim tăng lên. Điều này sẽ khiến cho sức khỏe người bệnh giảm sút dần và đến một ngày tim mất hoàn toàn khả năng bù trừ để chu toàn chức năng, người bệnh trở nên suy kiệt và tử vong.

Không chỉ vậy, suy tim còn có thể đưa đến những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như gây tổn thương thận và suy thận (do suy tim làm giảm lượng máu tới thận), tổn thương gan (do suy tim làm ứ máu tại gan), nhồi máu cơ tim và đột quỵ (do suy tim làm dòng máu chảy chậm, dễ tạo ra huyết khối gây những biến chứng trên), tử vong (do suy tim nặng)...

Biểu hiện 
của suy tim

Suy tim gây ra cho người bệnh nhiều triệu chứng khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống, nhất là khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Do suy tim gây ra tình trạng máu, dịch ứ lại ở phổi, ở hệ tĩnh mạch, các mô của cơ thể nên người bệnh có thể gặp các vấn đề:

- Ứ máu ở phổi khiến người bệnh khó thở, ho khan khi gắng sức hay nằm đầu thấp, người bệnh phải ngồi hoặc nằm kê gối cao. Nặng nề hơn là triệu chứng khó thở kịch phát về đêm, khó thở nhiều và không giảm ngay cả khi ngồi dậy. Mức cao nhất của khó thở là phù phổi cấp, người bệnh khó thở đột ngột, ho khạc đàm hồng, có khi ra máu nhiều...

- Dịch ứ lại ở gan làm gan giảm khả năng loại bỏ chất độc và giảm khả năng tạo ra những protein cần thiết, lâu ngày đưa đến suy gan. Ứ dịch ở ruột làm ruột mất khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và thuốc. Gan, ruột bị ứ dịch có thể gây buồn nôn, chán ăn, táo bón...

- Dịch ứ lại ở mô kẽ và tĩnh mạch có thể gây phù, thường phù ở bàn chân, mắt cá, có thể phù toàn thân hay gây báng bụng (bụng to do có dịch), giãn tĩnh mạch cổ, tràn dịch màng phổi, màng tim.

Ngoài ra, suy tim khiến cho chức năng tim suy giảm hoặc gây giảm lượng máu ra ngoại biên, khi đó các cơ quan không nhận đủ máu từ tim. Do vậy, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, yếu trong người, lừ đừ, hay lẫn lộn, tiểu ít, lạnh chi...

Chẩn đoán suy tim sẽ dựa trên các triệu chứng và dấu hiệu trên. Bên cạnh đó, siêu âm tim sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về chức năng tim và các tổn thương cấu trúc của tim nếu có. Có những trường hợp tuy không biểu hiện triệu chứng suy tim nhưng khi thực hiện siêu âm tim đã ghi nhận chức năng co bóp của cơ tim giảm.

Thể dục vừa sức

Sau khi có chẩn đoán suy tim, việc điều trị nên được tiến hành ngay lập tức. Bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc tim mạch như thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế bêta... để làm giảm triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Vấn đề điều trị quan trọng là phải điều trị nguyên nhân. Tình trạng suy tim có thể cải thiện hoặc hồi phục nếu như nguyên nhân gây bệnh được điều trị và kiểm soát tốt.

Chẳng hạn như suy tim do hẹp động mạch vành nặng có thể cải thiện khi người bệnh được phẫu thuật bắc cầu mạch vành hoặc đặt stent động mạch vành; suy tim do bệnh lý van tim có thể cải thiện sau phẫu thuật sửa hoặc thay van tim nhân tạo; suy tim do tăng huyết áp sẽ cải thiện nếu như kiểm soát tốt huyết áp...

Bên cạnh đó, người bệnh cần áp dụng lối sống thích hợp. Cần hạn chế lượng muối ăn vào ít hơn 2 gram mỗi ngày và nên uống nước theo nhu cầu, những điều này nhằm tránh để lượng nước dư thừa trong cơ thể, tạo thêm gánh nặng cho tim.

Không vận động quá sức; mặc dù vậy, người suy tim vẫn nên tập thể dục đều đặn với mức độ vừa sức. Không uống rượu, cà phê vì những thức uống này có thể ảnh hưởng đến co bóp cơ tim và gây rối loạn nhịp tim.

Không được hút thuốc vì thuốc lá gây tổn hại mạch máu, giảm lượng oxy trong máu, làm tim đập nhanh, thúc đẩy tình trạng suy tim tiến triển nhanh và nặng nề hơn. Tránh xúc động hay giận dữ quá mức vì các cảm xúc này cũng khiến tim đập nhanh hơn, mạnh hơn.

Theo ThS.BS Ngô Bảo Khoa - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X