Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu đúng về táo bón ở trẻ

Nhịn đi tiêu khiến phân ở lâu trong cơ thể, lớn và khô hơn, khiến bé phải gắng sức, có khi gây rách hậu môn. Bé lại càng sợ đi tiêu và quyết định nín, tạo nên vòng luẩn quẩn.

Trung bình khoảng 100 trẻ đến khám Nhi khoa thì có đến 3 trẻ tới vì táo bón, 1/4 trẻ đến khám chuyên khoa tiêu hóa cũng vì táo bón. Táo bón kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây khó chịu và ảnh hưởng tới các chức năng tiêu hóa khác cũng như sự phát triển của trẻ và sự phiền phức của cha mẹ trong quá trình chăm sóc con.

Nếu cha mẹ bỏ quên bé thì bé sẽ dễ dàng bị rơi vào vòng luẩn quẩn của táo bón. Ảnh: cdn.all4women

BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, nhiều bé bị táo bón vì nín nhịn, không chịu đi, chỉ vì một số lý do có khi khá bất ngờ:

- Bé trì hoãn đi tiêu nếu nơi đó khiến bé không cảm thấy thoải mái hoặc có khi vì bé “bận” và bỏ qua nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.

- Khi đi tiêu, bé có thể bị đau do rách hậu môn khiến bé quyết định nín luôn để tránh bị đau hơn.

Nếu cha mẹ bỏ quên thì bé sẽ dễ dàng bị rơi vào vòng luẩn quẩn của táo bón. Nín nhịn đi tiêu khiến phân ở lâu trong cơ thể, lớn và khô cứng, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau, có khi gây rách hậu môn, chảy máu. Vì thế bé lại càng sợ đi tiêu và quyết định nín nhịn nhiều hơn khi có nhu cầu.

Cứ thế tác hại của vòng luẩn quẩn này ngày càng lớn và cuối cùng khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, bé không thể giữ được nữa nên làm són phân ra quần (trong dân gian gọi là ị đùn). Điều này khiến bé thực sự xấu hổ và sẽ thu mình lại, không tham gia các hoạt động trong lớp như các bạn cùng lứa.

Theo bác sĩ Phúc, nhiều bé bị táo bón đã hình thành “thói quen” bất thường là nín nhịn khi cảm thấy muốn đi tiêu. Khi đó các bé sẽ có những điệu bộ rất kỳ quặc:

- Các bé nhỏ có thể uốn cong lưng, khép chặt mông và khóc.

- Những bé mới biết đi thì lắc lư tới lui trong khi gồng cứng chân và mông, uốn cong lưng, nhón gót, vặn vẹo, bồn chồn, hoặc có thể ngồi chồm hổm, hoặc có tư thế bất thường.

- Các bé lớn có thể trốn ở một góc kín hoặc một nơi nào khác trong khi thực hiện điệu bộ này.

Tuy những động tác này trông giống như đứa trẻ đang cố gắng để đi tiêu, nhưng thật ra bé cố để không đi. Vì thế, các bậc cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm hành vi nín nhịn này để có thể phòng ngừa hoặc điều trị sớm táo bón cho bé.

Bác sĩ Phúc cho biết, thời gian bình thường giữa các lần đi tiêu của bé tùy thuộc vào độ tuổi và loại thức ăn mà bé ăn. Hình dạng và tính chất phân cũng có thể khác nhau.

Trong tuần lễ đầu sau sinh, mỗi ngày bé thường đi tiêu khoảng 4 lần, phân thường mềm hoặc lỏng (thường gặp ở những bé bú mẹ). Trong suốt 3 tháng đầu, mỗi ngày bé bú mẹ thường đi phân mềm khoảng 3 lần. Tuy nhiên, cũng có bé bú mẹ đi tiêu ngay sau mỗi lần bú. Đặc biệt một số khác chỉ đi tiêu một lần trong suốt cả tuần, thậm chí cả 12 ngày. Các bé bú sữa mẹ hiếm khi bị táo bón.

Đối với những bé bú sữa công thức, hầu hết đi tiêu 2-3 lần mỗi ngày, mặc dù điều này còn tùy thuộc vào loại sữa công thức mà bé uống. Khi được khoảng 2 tuổi, bé chỉ còn đi khoảng 1-2 lần mỗi ngày.

Với những bé dưới 1 tuổi, phân thường có hình dạng giống những viên bi tròn, nhỏ và trông có vẻ cứng. Nhiều người lo ngại bé bị táo bón nếu thấy bé trông như đang rặn rất cực khổ, đôi khi bé bật khóc và đang cố gắng rặn. Số lần đi tiêu sẽ ít hơn bình thường, nghĩa là bé đi mỗi một hoặc 2 ngày so với thói quen bình thường trước đó là 3-4 lần/ngày.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần lưu ý vì ở lứa tuổi này các cơ thành bụng còn yếu nên bé thường rặn trong khi đi tiêu, làm cho mặt bé đỏ lên, do đó nếu bé cho ra phân mềm sau vài phút rặn thì hoàn toàn bé không bị táo bón.

Khi lớn hơn, nếu bé than đau khi đi tiêu, hoặc đi ít hơn bình thường thì rất có thể là bé đang bị táo bón. Nhưng chỉ khi nếu bé bình thường đi tiêu 1-2 lần mỗi ngày, mà đã hai ngày rồi bé vẫn chưa đi thì mới có thể xem là táo bón. Còn với bé mà bình thường hai ngày mới đi một lần thì cũng không phải là táo bón, chừng nào mà phân còn mềm vừa phải và không khó đi hoặc không gây đau.

Táo bón ở trẻ đặc biệt thường xảy ra vào ba thời điểm: sau khi bắt đầu ăn bột ngũ cốc và trái cây nghiền, trong suốt thời gian tập ngồi bô/bàn cầu, sau khi bắt đầu đi học. Biết được những thời điểm nguy cơ này, phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp bé phòng ngừa táo bón.

Giai đoạn tập ăn dặm

Bé đang từ bú mẹ hoặc bú bình chuyển sang ăn đặc có thể bị táo bón do ăn không đủ chất xơ và uống không đủ nước.

Tập ngồi bô hay bồn cầu

Bé có nguy cơ bị táo bón trong giai đoạn này vì nhiều nguyên nhân:

- Chế độ ăn cần cho bé ở giai đoạn này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sữa nên dễ bị thiếu chất xơ.

- Nếu bé không thích hoặc không sẵn sàng để ngồi vào “chỗ mới”, chúng có thể cố gắng nín nhịn, điều này có thể dẫn đến táo bón.

- Bé đã bị đi phân cứng hoặc đau khi đi tiêu hay nín hơn để khỏi phải ngồi bô/bồn cầu.

Giai đoạn đi học

Một số bé miễn cưỡng phải dùng nhà vệ sinh tại trường vì chúng không quen hoặc quá “công cộng”, điều này có thể dẫn đến việc nín đi tiêu.

AloBacsi.vn
Theo Lê Phương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X