Hotline 24/7
08983-08983

Hiểm họa từ việc tự trộn dung dịch để truyền, điện di làm trắng da

Theo BS Phương Thảo, với những lợi ích không rõ ràng, nguy cơ gây hại, người tiêu dùng nên suy nghĩ cẩn thận trước khi tiến hành tiêm, truyền hay điện di làm trắng da.

Dưới đây là bài chia sẻ của BS Nguyễn Phương Thảo, khoa Da liễu, BV Quận 5 (TPHCM), giám đốc chuyên môn Pensilia Clinic về phương pháp tiêm, truyền, điện di làm trắng da cùng Zing.vn

Hiện nay, các cơ sở làm đẹp, spa mở ra khắp nơi, từ cao cấp đến bình dân. Người kinh doanh, chủ đầu tư có chuyên môn hay không có kiến thức về làm đẹp cũng hỗn độn, đầy rẫy trên thị trường.

Vài năm gần đây, dịch vụ tiêm, truyền, điện di chất làm trắng da tại các spa, thẩm mỹ viện trở nên phổ biến, quảng cáo công khai, rộng rãi. Hầu hết sản phẩm dùng để tiêm, truyền trắng được giới thiệu có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ hay thành phần chiết xuất từ thảo dược, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không dừng lại ở đó, các cơ sở thẩm mỹ còn tự "mix" các loại dung dịch (được cho là tinh chất dưỡng da) với nhau để tăng hiệu quả làm đẹp. 

Không phải vitamin C nào cũng dùng để điện di

Dịch vụ điện di vitamin C phổ biến tại các spa, với mục đích làm cho da trắng sáng, chống lão hóa. Để có tác dụng trên da bằng phương pháp điện di, bác sĩ hay kỹ thuật viên cần sử dụng loại serum vitamin C đã được ion hóa trong phân tử, các phân tử C có điện tích để phân cực và thẩm thấu vào da theo phương pháp điện chuyển ion.

Điện di vitamin C quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình


Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở thẩm mỹ không có kiến thức về chất này sử dụng vitamin C dạng bột (loại thuốc uống), nước (loại thuốc tiêm) hoặc serum (loại dưỡng da mỗi ngày) để điện di. Cách làm này hoàn toàn không có hiệu quả.

Khách hàng nên tìm hiểu kỹ trước khi làm dịch vụ, cần có bác sĩ da liễu thực hiện hoặc làm cố vấn chuyên môn để xác định đang sử dụng đúng loại vitamin C trên da hay không.

Truyền trắng da có an toàn?

Một trong những phương pháp được quan tâm nhất hiện nay, cũng là "đứa con cưng" của ngành công nghiệp làm đẹp - tiêm trắng da bằng Glutathione. Chất này được tổng hợp trong gan và được coi là "vua" của các chất chống oxy hóa của cơ thể. Cơ thể tổng hợp Glutathione rất ít, người không khỏe mạnh thì chất này càng ít hơn.

Glutathione thường được sử dụng như thuốc hỗ trợ cho những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối. Chính vì khả năng chống oxy hóa cao nên khi truyền chất này cơ thể khỏe, da sáng và hồng hào hơn. Biện pháp này khá phổ biến ở các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc.

Chị em sử dụng dịch vụ truyền trắng rất đông tại một spa ở Hà Nội. Ảnh: Facebook


Nếu truyền trắng da bằng Glutathione, mức độ trắng không cao. Vì vậy, nhiều spa, cơ sở thẩm mỹ "sáng tạo" ra cách kết hợp thêm một số thành phần như noãn thực vật, tế bào gốc, tinh chất nhau thai cừu,... Đã khi nào bạn tự hỏi, thực vật hoặc tế bào gốc từ động vật tại sao có thể dùng để tiêm, truyền vào cơ thể người?

Bất kỳ chất gì khi tiêm truyền vào cơ thể đều có khả năng gây sốc, kể cả vitamin C là chất được cho phép tiêm. Nguy cơ sốc càng cao hơn khi kết hợp cùng các chất khác. Quá trình tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, các spa nhỏ chắc chắn không có biện pháp cấp cứu kịp thời vì thiếu chuyên môn.

Tôi từng tiếp xúc với một nhà cung cấp thuốc. Họ tư vấn rằng nhiều thẩm mỹ viện nổi tiếng về truyền trắng sử dụng sản phẩm từ nguồn này, có chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Tuy nhiên, khi đọc khuyến cáo của hãng từ Mỹ, sản phẩm từ nhà cung cấp trên chỉ dùng cho đường uống và bôi, không sử dụng cho đường truyền.

BS Nguyễn Phương Thảo. Ảnh: BSCC


Khi thắc mắc về đều này, đại diện nhà cung cấp thuốc "hồn nhiên" nói: "Không sao đâu chị, người ta vẫn dùng để truyền trắng và em thấy không xảy ra phản ứng gì khác lạ".

Một trường hợp khác nguy hiểm không kém, các spa, "thuê" bác sĩ đến tiêm, truyền trắng từ trên mạng, không rõ danh tính, nơi công tác. Việc người được thuê này có đúng là bác sĩ hay không rất khó xác định, hoàn toàn có thể giả mạo.

Hiện nay, một số chất đã được công nhận có tác dụng trong làm trắng da, trị nám nhưng cách và liều dùng cần bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sử dụng. Các chủ spa hay người buôn bán mỹ phẩm không đủ trình độ chuyên môn để sử dụng trong điều trị cho khách hàng.

Với những lợi ích không rõ ràng, nguy cơ gây hại, người tiêu dùng nên suy nghĩ cẩn thận trước khi tiến hành tiêm, truyền hay điện di làm trắng da.

Theo BS Nguyễn Phương Thảo - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X