Hotline 24/7
08983-08983

Hiểm họa từ thú cưng với sức khỏe trẻ em

Nhiều phụ huynh khuyến khích trẻ tiếp xúc thân thiết với vật nuôi nhằm dạy con biết yêu thương, chia sẻ. Tuy nhiên, nếu không đặt ra giới hạn đúng mực, trẻ có thể bị nguy hiểm.

Trẻ lên cơn suyễn do ôm chó lúc ngủ

Chị Trần Thị Thảo (P. Thảo Điền, Q.2, TPHCM) băn khoăn khi con gái ba tuổi bị khò khè tái đi tái lại. Gia đình đã đưa bé đi khám, được bác sĩ chẩn đoán viêm hô hấp trên, cho uống thuốc nhưng chỉ bớt được chừng mươi ngày rồi tình trạng lại như cũ. Chị đang đi công tác thì bà nội điện thoại gọi về gấp, em bé thở rất khó nhọc, tình trạng trở nặng. Lo lắng, gia đình chị đưa con vào bệnh viện cấp cứu.

Hiem hoa tu thu cung voi suc khoe tre em
Vòng đời của ve chó

Sau thăm khám cho bệnh nhi, bác sĩ hỏi han hoàn cảnh gia đình, biết được nhà chị Thảo sân vườn rộng nên nuôi ba chú chó cảnh. Với gia đình chị, chó không chỉ là vật nuôi mà như người bạn thân thiết, các thành viên trong gia đình thường xuyên ôm ấp, thậm chí các con chị còn ôm chó khi ngủ.

Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến con gái chị Thảo thường xuyên khò khè là do hít phải lông chó. Bên cạnh đó, bé có tiền căn suyễn, việc hít phải lông chó tạo điều kiện khiến bệnh khởi phát. Để bé không bị lên cơn suyễn nữa, bác sĩ đề nghị gia đình nên hạn chế việc cho bệnh nhi ôm ấp vật nuôi. Gia đình cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để em bé hít phải lông chó.

Hiem hoa tu thu cung voi suc khoe tre em
Trẻ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe khi quá thân thiết với vật nuôi

Mỗi năm có hàng chục ca bị ve chó chui vào tai

Chẳng riêng gì lông chó mèo, những ký sinh trùng từ vật nuôi cũng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm nếu phụ huynh không giám sát kỹ lưỡng. Bé trai tên P.Q.B., 5 tuổi (Long An) đang nằm ngủ trưa trên nền nhà bỗng khóc thét, ôm tai, lăn lộn đau đớn làm gia đình hoảng sợ.

Khi đưa tới bệnh viện, các bác sĩ soi và phát hiện trong ống tai bệnh nhi có một con ve chó. Bác sĩ đã xịt thuốc tê vào tai để trẻ bớt đau đớn, sau đó dùng dụng cụ y tế gắp ve chó ra.

Theo BS Phạm Đình Nguyên, Phó khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1, TPHCM, mỗi năm bản thân ông tiếp nhận từ 20 - 30 trường hợp bị bọ chét chó, ve chó chui vào tai. Gia đình phát hiện ra khi trẻ đang nằm bỗng dưng khóc thét, ôm tai kêu đau. 

Trong những trường hợp này, trẻ thường bị tổn thương do phụ huynh luống cuống cố moi ve chó ra. Đôi khi trẻ có thể bị nhiễm trùng tai, thậm chí thủng màng nhĩ trong lúc người nhà thao tác.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, khi nghi ngờ có côn trùng chui vào tai nên nhỏ dầu ô-liu để khiến con vật chết, tránh gây đau đớn thêm cho trẻ. Sau đó, cha mẹ hãy đưa bé tới bệnh viện để nhân viên y tế xử lý.

Hiem hoa tu thu cung voi suc khoe tre em
Ve chó

Nếu bệnh nhi không hợp tác, có khả năng phải gây mê để lấy con vật ra. Một số trường hợp màng nhĩ thủng lớn không tự lành được, trẻ sẽ được chỉ định vá màng nhĩ. Riêng các trường hợp bị dị ứng thú nuôi, BS Nguyên cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ yếu tố cơ địa của trẻ.

Thường gặp nhất là các biểu hiện vùng mũi họng, trẻ hay hắt xì, chảy nước mũi, khò khè, hen suyễn. Trước tiên, cha mẹ cần cách ly trẻ khỏi yếu tố dị nguyên. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Những bệnh nhi này có thể điều trị lâu dài bằng liệu pháp miễn dịch.

Hiểu nôm na là cho trẻ tiếp xúc yếu tố gây dị ứng với liều lượng, mức độ thấp và tăng dần để cơ thể trẻ tự thích nghi (giải mẫn cảm). Hiện nay, BV Nhi Đồng 1 đã có đơn vị dị ứng, các bệnh nhi khi tới khám có thể thử để tìm ra cơ thể dị ứng với yếu tố dị nguyên nào, qua đó hỗ trợ cho việc phòng tránh và điều trị bệnh.

Bị dị ứng nói chung nếu không được phát hiện và kiểm soát, nhẹ thì trẻ bị hắt hơi, nhảy mũi, hen suyễn, khò khè, nặng hơn trẻ có thể bị sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Thanh Huyền - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X