Hotline 24/7
08983-08983

Hiểm hoạ đột quỵ do tăng mỡ máu

Một nghiên cứu trên 14 000 người tại Đan Mạch cho thấy nồng độ mỡ (các triglyceride) trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ đến 3 – 4 lần.

Đời sống càng cao, nhiễm mỡ càng nhiều
 
Sáu người trên bàn nhậu thì có tới 3 anh cho biết mình bị tăng mỡ máu. Nhiều anh chị là NV văn phòng cũng than vãn: “mình không hề thừa cân, chẳng hiểu sao mỡ máu lại cao”. Mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ… đã trở thành những cụm từ được thường xuyên nhắc đến không chỉ trong giới y học mà cả trong cuộc sống hằng ngày.
 
Có thể nói cứ ba người thì có một người gặp rắc rối với mỡ trong máu. Không đợi đến tuổi trung niên, cũng không chờ đến lúc thừa cân béo phì, nạn “rối loạn lipid máu” đã xuất hiện ở cả những người trẻ có vóc dáng bình thường. Đó là hệ quả của việc ăn uống và chế độ sinh hoạt không hợp lý khi đời sống vật chất được nâng cao và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ cho người bệnh.

Tăng mỡ máu – xơ vữa động mạch – đột quỵ

Tăng cholesterol (hay tăng mỡ máu) là thủ phạm chính gây nên xơ vữa động mạch. Khi các mảnh cholesterol trôi trong lòng mạch máu, gặp nơi thích hợp sẽ tích tụ lại, bám vào thành mạch. Những mảng xơ vữa này ngày càng dầy lên làm cho thành mạch máu trở nên cứng, giòn, mất tính đàn hồi mềm dẻo và gây hẹp lòng mạch máu, làm dòng máu chảy yếu, giảm nuôi dưỡng các bộ phận cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của các cơ quan.

Mảng xơ vữa động mạch dày dần lên làm bít tắc lòng mạch
Nguy hiểm hơn, các mảng xơ vữa này có thể mất ổn định và vỡ ra. Quá trình này cũng đồng thời làm rối loạn cơ chế đông máu của cơ thể, khởi động quá trình ngưng kết tiểu cầu và các sợi fibrin, dẫn đến hình thành các cục máu đông (huyết khối) trong lòng mạch. Huyết khối trôi theo dòng máu, đến những nơi mạch máu phân nhánh hoặc thu nhỏ sẽ làm bít tắc hoàn toàn mạch máu, làm ngưng trệ tuần hoàn.  Nếu mạch máu não bị tắc, phần não không được nuôi dưỡng sẽ chết đi trong vài phút, gây ra tai biến mạch máu não (đột quỵ). Nếu động mạch nuôi tim bị tắc thì sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim.

 

 Mảng xơ vữa hoặc cục máu đông làm tắc động mạch não gây ra đột quỵ
 (tai biến mạch máu não)
Người bị TBMMN sẽ gặp phải rất nhiều di chứng đáng sợ như nói ngọng, méo mồm, mất trí nhớ hoặc nặng nề hơn như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, sống thực vật …  cùng với đó là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, điều trị.

Phòng ngừa đột quỵ như thế nào?

Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, nếu cholesterol toàn phần giảm được 23 mg% ở người tuổi 40 sẽ giảm 54% nguy cơ bệnh tim mạch, còn ở tuổi 70 thì giảm 20% nguy cơ bệnh tim mạch. Người ta cũng đã chứng minh được rằng giải quyết được rối loạn mỡ trong máu là cần thiết để hạn chế tai biến mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và giảm tỉ lệ tử vong do biến chứng mạch máu.

Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát tốt mỡ máu, phối hợp giữa việc dùng thuốc và điều chỉnh lối sống, chế độ ăn.

Một việc làm hết sức quan trọng, đó là phải ngăn ngừa được huyết khối (cục máu đông). Hiện nay, các thuốc chống huyết khối như aspirin, clopidogrel… mới chỉ được dùng trong điều trị và phòng bệnh cấp 2 (dùng cho người đã bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim để ngăn ngừa tái phát), chứ chưa được sử dụng lâu dài trong phòng bệnh cấp 1 (dùng cho người bị tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường.. để phòng tránh đột quỵ, nhồi máu cơ tim), vì nhóm thuốc này có nguy cơ gây xuất huyết tiêu hoá (chảy máu dạ dày – tá tràng).
 
AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X