Hotline 24/7
08983-08983

Hiểm họa "3 trong 1"

Lại thêm một đôi vợ chồng thiệt mạng vì hỏa hoạn ngay trong chính căn nhà của mình vào nửa đêm về sáng 23/6 tại huyện Hóc Môn, TPHCM.

Căn nhà, nơi làm cửa tiệm mua bán sữa cũng là nơi vợ chồng chủ tiệm trú ngụ, con gái của họ trong dịp hè đã gửi về nhà ngoại trông nom nên thoát nạn. Khi vụ cháy xảy ra (nguyên nhân ban đầu do cháy xe máy rồi lan ra), bít lối ra mở cửa. Trong khi cửa tiệm lại là cửa cuốn, loại thiết kế kiên cố để chống trộm cướp nên rất khó để phá cửa tìm lối thoát thân trong thời gian ngắn. Khi hàng xóm và lực lượng cứu hỏa phá được cửa đưa vợ chồng này ra ngoài và chuyển đi cấp cứu thì họ đã ngạt khói nặng và tử vong ngay sau đó.

Cháy, bao giờ cũng là thảm họa đau lòng. Nhưng đau nhất là khi người ta mất đi sinh mạng cũng chỉ vì lý do sợ trộm cắp, sợ bị cướp xông vào nhà khống chế bởi tình hình trật tự trị an xã hội chưa tốt, bởi tâm lý phòng ngừa tội phạm, giữ của giữ thân bao trùm trong nhiều bộ phận cư dân đô thị. Tâm lý đó và hành xử đó đều đúng, nhưng tiếc thay lại chưa đủ và bất cập khi nó tạo ra nguy cơ khác là khó có hoặc không có lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn. Khi gia chủ làm thêm một vành đai sắt, một "chuồng cu" hay lắp cửa cuốn, đáng lý gia chủ phải tính lối thoát hiểm nào đó phòng khi hữu sự hoặc trang bị ít nhất một cây búa tạ để khi đó có thể phá cửa mà chạy thoát thân. Tiếc thay nhiều người lại không nghĩ tới những tình huống tai nạn và phương án xử lý khi tai nạn xảy ra nên đã mất đi sinh mạng quý giá của mình.

Ở các đô thị lớn của Việt Nam, do tập quán sinh hoạt, xây dựng, kiến trúc đô thị, rất nhiều nhà phố là nhà ống, nhiều nhà dài và sâu, hai bên và phía sau giáp với nhà hàng xóm cũng là những bức tường bít bùng. Nhà thường chỉ có cửa chính, ở trên các tầng lầu nhiều nhà xây thêm lồng sắt phòng ngừa kẻ từ bên ngoài đột nhập, càng làm cho căn nhà bí bách, cực kỳ nguy hiểm khi xảy ra thảm họa. Ở nhiều khu phố, nhất là phố làm nghề thì căn nhà được tận dụng hết công năng, trở thành nhà 3 trong 1: Vừa là nơi ở, nơi sản xuất hàng hóa, vừa làm kho chứa hàng. Vào những nhà này, hầu như không còn không gian khác ngoài một lối đi nhỏ hẹp, còn lại là hàng hóa chất khắp nơi, máy móc la liệt, người làm miệt mài. Tất cả những sinh hoạt hằng ngày đều diễn ra trong không gian chật chội đó, nhưng người ta đã quen, đã chấp nhận vì cuộc mưu sinh mà phải quên đi những tiện nghi thoải mái bình thường.

Cũng những căn nhà 2 trong 1 hoặc 3 trong 1, những chiếc lồng sắt bao phủ trên lầu nhà phố lại là những mối nguy cho sinh mạng con người. Từ đó, khi xảy ra hỏa hoạn, hiệu quả phòng chống không cao, khả năng sống sót của người cư ngụ trong đó thấp dần đi. Đây là những mối nguy đã cảnh báo, nay cần cảnh báo mạnh mẽ hơn để tránh những thảm họa đau lòng.

Mong sao chính quyền các đô thị lớn có giải pháp thiết thực và quyết liệt để không chỉ giúp cư dân thấu hiểu, chấp nhận, mà còn đồng lòng về những giải pháp phòng chống bà hỏa, cho chính gia đình và cộng đồng. Đừng để xảy ra thêm những mất mát lớn lao, đau xót cả đời người.

Theo Hiền Minh - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X