Hotline 24/7
08983-08983

Hi vọng mới dành cho các bệnh nhân suy thận: Khám phá ra cách "khóa" enzyme gây bệnh thận

Hi vọng điều trị căn bệnh hiểm nghèo suy thận đang được mở ra sau khi các nhà khoa học phát hiện cơ chế gây bệnh: Những bọng máu siêu siêu nhỏ, nhỏ hơn sợi tóc tới 1.000 lần, vận chuyển một enzyme gây xơ hóa thận, khởi đầu các bệnh lý trầm trọng như suy thận.

Những bọng máu nhỏ gây xơ thận (ảnh nhỏ) có thể là căn nguyên dẫn đến căn bệnh suy thận, phải điều trị bằng quá trình chạy thận lâu dài của rất nhiều bệnh nhân
Những bọng máu nhỏ gây xơ thận (ảnh nhỏ) có thể là căn nguyên dẫn đến căn bệnh suy thận, phải điều trị bằng quá trình chạy thận lâu dài của rất nhiều bệnh nhân

Hiện vẫn chưa có phương pháp nào để điều trị bệnh suy thận. Những người bị suy thận nặng, cuối cùng thường phải chạy thận hoặc cấy ghép thận để duy trì sự sống.

Việc cấy ghép thận là vô cùng phức tạp và tốn kém, đồng thời, chạy thận cũng gây ra gánh nặng chi phí với hàng triệu người bệnh, gia đình bệnh nhân cũng như nền y tế các nước.

Nghiên cứu mới, được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu Đại học Nottingham Trent (Anh) đã mở ra hi vọng mới trong điều trị căn bệnh này.

TS Elisabetta Verderio, tác giả chính của nghiên cứu, nói với báo chí: “Đây là thủ phạm chính gây ra sự tiến triển của bệnh thận. TG2 - một enzyme đóng vai trò gây bệnh, cần được vận chuyển đến đúng vị trí, sau đó chúng mới gây xơ hóa thận, bên ngoài các tế bào.

Chúng tôi phát hiện thấy TG2 không di chuyển đơn lẻ.

Chúng tôi cần tìm hiểu bằng cách nào có thể nhắm đúng mục tiêu những bọng máu nhỏ bé này như một phương tiện để kiểm soát, hoặc làm gián đoạn sự xơ hóa trước khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng”.

Vị tiến sĩ này cho biết: “Chúng ta có thể nhìn vào TG2 trong các bọng máu nhỏ này như một cách chẩn đoán bệnh sớm. Chúng ta càng hiểu biết về quá trình xơ hóa, khả năng can thiệp của chúng ta càng nhiều hơn”.

Nguyên nhân gây bệnh thận có thể bắt nguồn từ các bệnh cảnh như bệnh cao huyết áp, tiểu đường... Các bệnh này khiến thận phải hoạt động quá mức và suy yếu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới tìm ra nguyên nhân tình trạng xơ hóa, được coi là không thể đảo ngược được, đóng vai trò quan trọng trong sự khởi phát của bệnh thận.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield và Viện Khoa học Thần kinh CNR ở Milan cũng đưa ra nghiên cứu mới về phương pháp chữa bệnh. 

Nghiên cứu này tìm hiểu làm thế nào enzyme TG2 được vận chuyển từ các tế bào để thực hiện hành động gây tổn hại của nó. Transglutaminase-2 (TG2) lần đầu tiên được xác định là nguyên nhân gây ra sẹo thận do các nhà nghiên cứu tại Đại học Trent và Đại học Sheffield từ năm 1997.

Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ tiên phong để phát hiện tất cả các protein liên quan đến TG2 trong điều kiện mô phỏng bệnh thận.

Sau đó, họ xác định TG2 rời khỏi các tế bào thận để liên kết với các protein như collagen và fibronectin, dẫn đến xơ hóa. Các enzyme gây hại này được vận chuyển thông qua các bọng máu siêu siêu nhỏ.

Các nhà nghiên cứu đã xác nhận điều này thông qua kiểm tra nước tiểu của 10 bệnh nhân thận.

Các kết quả mới công bố trên Tạp chí Hiệp hội Chuyên khoa Thận Hoa Kỳ (Journal of American Society of Nephrology) đã được các chuyên gia hoan nghênh mạnh mẽ.

Elaine Davies, giám đốc các hoạt động nghiên cứu tại Đại học Kidney Research, tài trợ cho nghiên cứu này, hy vọng nó có thể cách mạng hóa việc điều trị. Bà nói: "Suy thận là mối đe dọa đến mạng sống, thận không thể hoạt động bình thường khi bị sẹo”.

"Nghiên cứu về cơ chế sinh học này giúp chúng tôi xây dựng sự hiểu biết của chúng tôi về vết sẹo (xơ hóa - ND)" - bà cho biết. Bà Davies nói thêm rằng nghiên cứu sẽ "giúp chúng tôi tìm ra điểm xuất phát” của tình trạng xơ hóa thận - căn nguyên gây bệnh.

Theo Phương Phương - Gia đình mới/ Daily Mail

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X